Người dân sinh sống trong những di tích vốn đã gắn bó lâu năm với di sản, thậm chí nếp sống và cả hình thức kiếm sống cũng phụ thuộc cả vào địa bàn sinh sống. Do đó, nhiều hộ dân không chịu di dời với lý do nếu đi nơi khác sống thì không biết làm công việc gì khác để mưu sinh…
Cư dân “phong tỏa” di sản
Đến thời điểm hiện tại vẫn còn gần 6.000 hộ dân với khoảng 20.000 người đang sinh sống trong khu vực bảo vệ các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Chỉ riêng khu vực Thượng Thành và các Eo Bầu (Kinh thành Huế) hiện có khoảng 1.200 hộ dân sinh sống. Việc xây dựng, nước thải, rác sinh hoạt của người dân đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống kiến trúc tường thành, xâm hại đến di sản Huế.
Hình ảnh những ngôi nhà nhếch nhác, tạm bợ ở di tích Thượng Thành đã tồn tại nhiều năm nay, trong đó có nhiều hộ sinh sống cách đây hơn nửa thế kỷ. Nhiều ngôi nhà tuềnh toàng, đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng cũng không dám sửa chữa vì không biết lúc nào sẽ giải tỏa. Bài toán di dời đã được địa phương tính đến từ lâu nhưng gần như vẫn “án binh bất động”.
Năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từng phê duyệt dự án “Đầu tư, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế” có tổng kinh phí gần 1.300 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2011-2015. Thế nhưng, đến tháng 3 năm 2018, UBND TP Huế chỉ mới di dời được hộ dân ở mặt Nam của Kinh thành Huế, thậm chí vẫn còn một số hộ chưa chịu chuyển đi.
Theo thống kê của Ban Quản lý Di tích Cổ Loa (Hà Nội), hiện có khoảng 700 hộ dân đang sống trên mặt thành và hào trong phạm vi di tích Cổ Loa. Trong thời kỳ chiến tranh và cải cách ruộng đất, người dân Cổ Loa đã san thành làm các công trình, lấp hào để làm ruộng, sau này là xây dựng, cơi nới nhà cửa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Ngay tại thời điểm này, với các nhà dân sống sát chân Thành Cổ Loa, việc lấn chiếm, khai thác đất tại chân thành vẫn diễn ra. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) năm 2015, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch khu tái định cư phục vụ di dân đang sống trong Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/500) năm 2016.
Quy hoạch khu tái định cư giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án thành phần đầu tư bảo tồn, tôn tạo khu di tích Cổ Loa, có diện tích trên 34ha với số dân gần 3.000 người, UBND huyện Đông Anh yêu cầu các đơn vị liên quan lập dự án, giải phóng mặt bằng để đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước đưa người dân đến ở. Tuy vậy, lộ trình triển khai dự án và di dân vẫn chưa mấy tỏ tường...
Đầu năm 2017, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội thống kê được 104 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia và thành phố bị các hộ dân và cơ quan lấn chiếm khuôn viên khu vực 1. Việc di dời 1.203 hộ dân đang sinh sống và 11 cơ quan đang “ở nhờ” ở 104 di tích đã được xếp hạng là điều không đơn giản.
Giãn dân - không dễ xử lý
Những biến thiên về lịch sử, sự bào mòn về thời gian cộng với sự quá tải của người dân khiến các di tích lịch sử, công trình tôn giáo, tín ngưỡng cổ xưa “oằn mình” chống chọi với các hệ lụy: ô nhiễm môi trường, biến dạng kiến trúc, xuống cấp trầm trọng, ô nhiễm môi trường do nhu cầu tăng diện tích sinh hoạt và buôn bán, quy hoạch xây dựng, mỹ quan đô thị đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ.
Tình trạng thay đổi chủ sở hữu từ những người sống lâu năm trong ngôi nhà cho những người chủ mới từ nơi khác đến ngày càng phổ biến. Những việc làm này đang xâm hại đến các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương về lối sống, sinh hoạt văn hoá, phong tục tập quán, ứng xử, ẩm thực, làng nghề...
Ban Quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội cũng thống kê được 20 di tích đã tiến hành được việc di dời các hộ dân, trong đó riêng quận Hoàn Kiếm (khu vực phố cổ) đã thực hiện được ở 10 di tích. Đây được coi là điểm sáng bước đầu về giải tỏa. Trong giai đoạn 2011-2016 có 23 di tích được bảo tồn trong tổng số 45 di tích cần phải trùng tu, giải phóng mặt bằng với 107 hộ dân, 3 cơ quan, 1 trường học và 1 CLB, số tiền thực hiện là 394,5 tỉ đồng.
Trên thực tế, quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, như việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử khu phố cổ, xây dựng đề án giãn dân và điều chỉnh quy hoạch khu nhà ở phục vụ giãn dân tại Việt Hưng bị chậm; các đơn vị gặp nhiều trở ngại trong công tác giải phóng mặt bằng do nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ di sản còn hạn chế…
Tại Hội nghị “Tham vấn chuyên gia về thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ, phát huy giá trị Di sản văn hóa Cố đô Huế” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng cần có cơ chế đặc thù để Huế nhanh chóng giải quyết việc giải tỏa dân cư ở Kinh thành Huế. Trong đó, khu vực Thượng Thành phải giải tỏa hết để có thể trùng tu, bảo tồn di sản và tổ chức thêm các tour du lịch; còn khu vực các Eo Bầu thì sắp xếp, quy hoạch lại cư dân và hướng dẫn họ sinh sống, ứng xử có văn hóa với di sản. Việc này cần được thực hiện tốt để xây dựng hồ sơ tái đề cử cho Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Ngoài Di tích Cố đô Huế, cơ quan quản lý địa phương, các di tích khác cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề giải tỏa, di dời người dân càng sớm càng tốt. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo khẩn trương: “Nếu bây giờ không nhanh chóng thực hiện thì càng để về sau càng khó giải quyết hơn”.