Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu luôn vấp phải nhiều ý kiến phản ứng vì lo ngại kéo dài tuổi lao động sẽ dẫn đến những hệ lụy về xã hội, nhất là tỷ lệ thất nghiệp trong lao động trẻ. Tuy nhiên, dưới những “sức ép” về an sinh xã hội và độ an toàn của chính sách bảo hiểm xã hội, trong lần sửa đổi BLLĐ này, Bộ LĐTB&XH điều chỉnh đề xuất chính sách tăng tuổi nghỉ hưu.
Tăng tuổi nghỉ hưu vì… Quỹ bảo hiểm xã hội
Điểm mới của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo lần 2 của BLLĐ (sửa đổi) là Bộ đã đưa ra thời điểm áp dụng bắt đầu từ ngày 1/1/2021 với thời gian tăng tuổi hưu cũng nhanh hơn. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng tuổi nghỉ hưu thêm 6 tháng (thay vì mỗi năm tăng 3 tháng như dự thảo lần 1), cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi trên. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định trên (nam có thể làm việc tới 67 tuổi, nữ tới 65 tuổi mới nghỉ hưu).
Theo Bộ LĐTB&XH, đề xuất tăng tuổi hưu được đưa ra vì nguyên nhân quan trọng nhất là đảm bảo sự bền vững của Quỹ BHXH (cho hưu trí và tử tuất). Dự kiến, với mức đóng góp và mức hưởng chế độ như quy định hiện hành và số dư quỹ tính đến cuối năm 2012 (gần 250.000 tỷ đồng), đến năm 2023, số thu sẽ bằng số chi. Đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH sẽ không đảm bảo khả năng chi trả. Lúc đó Quỹ BHXH (cho hưu trí và tử tuất) sẽ mất cân đối và chỉ còn trông chờ vào ngân sách do không cân đối được lượng “hưởng” với nguồn thu từ người lao động và doanh nghiệp.
Trong khi số người hưởng BHXH một lần hàng năm lớn dẫn đến quỹ phải chi tiền sớm và mục đích an sinh xã hội lâu dài cho mọi người lao động chưa đạt được. Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định, tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó nam là 55,61 tuổi và nữ là 52,56 tuổi; tỉ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỉ lệ cao, trên 50%.
Tuổi nghỉ hưu phải tương ứng tuổi thọ trung bình
Trước ý kiến “mở rộng đối tượng tham gia BHXH, quản lý chặt quỹ, giảm trốn, chậm đóng BHXH…” để tạo sự bền vững cho Quỹ, Bộ LĐTB&XH cho biết, những giải pháp này “cũng chỉ kéo dài cân đối Quỹ BHXH thêm 1 - 2 năm, chứ không đối phó được hoàn toàn nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH”. Vì thế, Bộ LĐTB&XH “tín nhiệm” giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu để cân bằng thời gian và mức đóng - hưởng BHXH, tiến dần đến cân đối Quỹ BHXH.
Thậm chí trước đây, BHXH Việt Nam từng đưa ra tính toán, nếu tuổi nghỉ hưu được nâng lên 65 tuổi với cả nam và nữ, tỷ lệ người nghỉ hưu so với người trong độ tuổi lao động sẽ tăng chậm hơn hiện nay. Cụ thể, năm 2049 là 30,7% và năm 2099 là 47,5%. Nhờ vậy, quỹ hưu trí sẽ bớt bị áp lực về tài chính hơn so với giữ tuổi nghỉ hưu như hiện nay.
Ngoài ra, các lý do khác như: tuổi thọ người Việt đã tăng nhiều; nhiều người về hưu vẫn đủ sức khỏe và vẫn muốn làm việc; Việt Nam đang chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, lao động sẽ thiếu hụt; tận dụng lao động có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn… cũng được Bộ LĐTB&XH căn cứ để đưa ra đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Thực tiễn thi hành pháp luật về BHXH liên quan đến những trường hợp nghỉ hưu ở tuổi cao (đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sỹ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học, một số chức danh khoa học, công nghệ, một số chức danh của cán bộ, công chức, trong đó có quy định phải đáp ứng một số điều kiện như về sức khỏe, về khả năng đáp ứng công việc...) cho thấy có cơ sở thực tiễn để đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Kinh nghiệm nhiều nước chỉ ra, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng với tuổi thọ bình quân để đảm bảo tính bền vững của Quỹ hưu trí. Theo BHXH Việt Nam, ở giai đoạn người Việt Nam có tuổi thọ trung bình khoảng 67 tuổi, bình quân tuổi nghỉ hưu là 54, thời gian hưởng lương hưu khoảng 13 năm thì thấy hợp lý. Nhưng hiện nay, tuổi thọ bình quân tăng lên 73, thời gian bình quân đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu giữ nguyên dẫn đến thời gian hưởng lương hưu kéo dài khoảng 20 năm, tức là tăng thêm 7 năm thì quỹ chắc chắn mất cân đối sớm.
Thận trọng khi quyết điều chỉnh tuổi nghỉ hưu
Tuy nhiên, nhiều người đã không đồng tình ngay với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu theo Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) chỉ để bảo vệ Quỹ BHXH vì theo họ, Quỹ mất cân đối là do cơ quan BHXH và các cơ quan chức năng không khắc phục được tình trạng nợ, chậm đóng, trốn đóng BHXH đang diễn ra ở tất cả các địa phương. Cùng với đó là những hành vi không tuân thủ nghiêm quy định về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động như đăng ký số người tham gia BHXH và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH thấp hơn so với thực tế…
Số liệu 3 tháng đầu năm 2017 được BHXH Việt Nam công bố cho thấy, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của các tỉnh, TP là 14.019 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH là 10.001 tỷ đồng, nợ BHTN là 552 tỷ đồng và nợ BHYT là 3.499 tỷ đồng. Có đến 50 DN “đáp ứng cả 2 tiêu chí nợ BHXH quá dài và quá nhiều” đã bị các cơ quan BHXH điểm danh.
Điển hình là Công ty CP 116 Cienco 1 (tại Thanh Xuân, Hà Nội) nợ 11,4 tỷ đồng tiền BHXH trong hơn 9 năm (109 tháng). Thậm chí, nhiều DN có số lãi phát sinh do chậm nộp còn nhiều hơn tiền nợ. Như vậy, chính tình trạng không thực hiện nghiêm quy định về BHXH là nguyên nhân không nhỏ khiến Quỹ “bấp bênh” vì không đảm bảo nguồn thu trong khi vẫn phải chi đều hàng tháng.
Nhìn từ góc độ tâm lý xã hội và điều kiện trong nước, nhiều chuyên gia đồng tình quan điểm nghiên cứu việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhưng đề nghị cần thận trọng vì đây là vấn đề nhạy cảm. Dù vậy, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đã nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từ nhận định “không thể tránh khỏi việc nâng tuổi nghỉ hưu để giảm mức chi cho lương hưu”.
Theo ILO, ở tất cả các quốc gia thành viên của ILO, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vẫn là một thách thức vô cùng khó khăn khi các quốc gia cố gắng cải cách hệ thống BHXH để hệ thống này bền vững, đủ khả năng chi trả và phổ cập toàn dân. “Điều này đòi hỏi phải cân nhắc thận trọng dựa trên những chứng cứ khoa học để cân bằng lợi ích của thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai, sự bền vững của hệ thống lương hưu – cơ chế bảo trợ xã hội then chốt trong nền kinh tế thị trường và vấn đề bình đẳng giới” – ILO khuyến nghị.
Nhưng cũng như quan điểm của nhiều người lao động, ông Nguyễn Đại (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, huyện Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho rằng, nên để nguyên độ tuổi về hưu nam 60, nữ 55 là phù hợp vì tuổi nghỉ hưu cao chỉ phù hợp với những người làm việc văn phòng, không bị áp lực về cường độ lao động, còn phần lớn người lao động bình thường rất muốn về hưu sớm.
Còn để giải quyết vấn đề Quỹ BHXH, có thể xem xét tăng phí bảo hiểm theo lộ trình nhằm tránh thua lỗ cho cơ quan bảo hiểm. “Nếu để nguyên tuổi về hưu, tăng mức đóng bảo hiểm thì sẽ giải quyết được tỷ lệ thất nghiệp và từ đó giải quyết được một số tiêu cực trong xã hội” – ông Nguyễn Đại nêu ý kiến.
“Việc cải cách pháp luật lao động ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội. Bởi vậy quá trình này đòi hỏi việc rà soát toàn diện về kỹ thuật đối với từng vấn đề dựa trên bằng chứng, cũng như tham vấn với đại diện của cả người lao động và chủ sử dụng lao động” TS Chang – Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam nhận định.
Như vậy, cùng với những nội dung đang được đề xuất sửa đổi trong Dự thảo BLLĐ lần này, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tiếp tục được nghiên cứu, cân nhắc trên cơ sở ý kiến của người lao động, người sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp, chuyên gia… để cung cấp sự bảo vệ về pháp lý tối thiểu cho người lao động bên yếu thế so với người sử dụng lao động trên thị trường lao động. Bởi “nếu cứ để cơ chế thị trường tự do chi phối họ, người lao động có thể trở thành nạn nhân của các hình thức lao động không thể được chấp nhận, như lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử, lao động trẻ em, công việc thiếu an toàn và không có tiếng nói” như Giám đốc ILO Việt Nam nhận định. Đồng thời, đảm bảo cân bằng hợp lý giữa nhu cầu được bảo vệ của người lao động và nhu cầu được linh hoạt của người sử dụng lao động.