“Có đi mới thành đường” là nhấn mạnh của bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH tại Cầu truyền hình trực tiếp Sữa học đường- Vì Tầm Vóc Việt. Con đường TH khai mở hướng tới lợi ích cho hơn 12 triệu học sinh mẫu giáo, tiểu học.
Thoát khỏi nỗi ám ảnh “thấp, còi”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, những năm qua, ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc cải thiện những vấn đề về dinh dưỡng. Từ chỗ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi ở mức 31, 9 % vào năm 2001, hiện xuống còn 14,1% vào năm 2015:
“Tuy nhiên chúng ta vẫn còn gặp rất nhiều thách thức như sự khác biệt về sức khỏe ở các vùng miền. Trẻ em miền núi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi; suy dinh dưỡng thể béo phì xuất hiện ngày càng nhiều ở thành thị. Ngoài ra, chúng ta đang đối diện với nguy cơ kép khi các bệnh mãn tính liên quan đến thể trạng, tim mạch, tiểu đường đang có dấu hiệu gia tăng. Suy dinh dưỡng thể thấp còi hiện chiếm khoảng 25,6 %. Điều đó cho thấy chống suy dinh dưỡng thấp còi chưa được quan tâm đúng mức” – bà Tiến nói.
Đó cũng là những trăn trở của ông Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong phát triển nguồn lực, việc phát triển nguồn lực con người là quan trọng nhất. Trong 30 năm qua, dân số chúng ta tăng thêm 18 triệu người; lực lượng lao động tăng gần 19 triệu người. Đây là nguồn lực rất quan trọng để phát triển và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Ông Nhân cũng hi vọng, với sự đầu tư từ chương trình Sữa học đường: “Tương lai đất nước 30 năm nữa, vào năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, làm sao lúc đó Việt Nam sẽ ra khỏi danh sách các nước có chiều cao thấp, ra khỏi danh sách những nước thấp còi” – ông Nhân nói.
Điều đó cũng là khát khao ngây thơ của con trẻ. Tham gia ngày hội Sữa học đường Vì Tầm Vóc Việt ở đầu cầu Nghệ An, bé Phương Chi (trường tiểu học Nghĩa Lâm, Nghĩa Đàn) nói ước mơ giản dị của mình: “Con mong tất cả các bạn con được uống sữa, được cao lớn như các bạn thành phố. Con cùng các bạn ở trường Nghĩa Lâm giờ đều được uống sữa, bạn nào cũng vui tươi, khỏe mạnh hơn. Các bạn cũng cao hơn. Con mong rằng chúng con sẽ không phải…“kiễng chân, ngước nhìn” mỗi khi nói chuyện với bạn bè quốc tế”.
“Nỗi ám ảnh thấp còi” ấy, đã trở thành động lực để ngày 8.7.2017 Phó thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1340/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia Sữa học đường cải thiệt tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học tới năm 2020.
Quyết định này tập trung vào 3 vấn đề chính: Ban hành quy định tiêu chuẩn sản phẩm sữa tươi học đường; Tới năm 2020 triển khai 100% ở các huyện nghèo và 70% ở các địa phương khác; Có các giải pháp huy động tài chính cho trẻ em uống sữa, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp.
Với mô hình nhân văn, ưu việt – hàng trăm ngàn học sinh Nghệ An đã được hưởng lợi từ Chương trình Sữa học đường do UBND tỉnh Nghệ An và Tập đoàn TH triển khai |
Tiên phong đi đầu
Ở cả 3 mục tiêu đó, Tập đoàn TH đang là đơn vị đi tiên phong. Bà Thái Hương – Chủ tịch tập đoàn TH chia sẻ: “Sự cố Melamin diễn ra tại Trung Quốc năm 2008 đã thúc giục tôi đến với ngành sữa. Với cái tâm của một doanh nhân, tôi muốn hành động để con em chúng ta không bị sự cố như vậy nữa. Đó chính là sự quyết tâm đưa Tập đoàn TH theo đuổi con đường sữa tươi sạch”.
Cũng từ tâm niệm “dành cho trẻ những gì tốt đẹp nhất”, tập đoàn TH đã cùng Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và các chuyên gia hàng đầu đã nghiên cứu lâm sàng tên 3.600 em ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Các em được uống sữa đều đặn 5 ngày/tuần và đã có sự thay đổi rõ rệt về thể lực, chiều cao. Đây là cơ sở thực tiễn và lý luận để Chính phủ ban hành Chương trình Sữa học đường. Và ngay trong Cầu truyền hình, Bộ Y tế đã công bố Quyết định về tiêu chuẩn sữa tươi học đường để tạo “hành lang” đưa sữa đạt chuẩn vào trường học, trong đó sản phẩm đầu tiên đã được Bộ Y tế chứng nhận là TH school MILK của tập đoàn TH
Cùng với tiêu chuẩn sữa, điều quan trọng là phải huy động được nguồn lực kinh phí cho Chương trình. Ở lĩnh vực này, TH cũng tiên phong đi đầu với mô hình của tỉnh Nghệ An. Bà Hương chia sẻ, Nghệ An là một tỉnh nghèo, nhưng bằng việc truyền thông lành mạnh, tỉnh Nghệ An đã trích ngân sách và huy động sự vào cuộc của các nguồn lực khác để hỗ trợ học sinh mẫu giáo, tiểu học được uống Sữa học đường. Hiện nay, học sinh tại 17 huyện thị ở Nghệ An đã được uống sữa.
“Vì vậy, để đề án này được thành công, không còn con đường nào khác đó là sự tham gia của “bà mẹ xã hội”- chính là những cá nhân, tổ chức đóng góp cho trẻ em nghèo uống sữa” – bà Thái Hương nói.
Bà Thái Hương cũng cho rằng, điều quan trọng nhất làm sao tuyên truyền để trong số hơn 12 triệu trẻ em mẫu giáo, tiểu học, sẽ có bà mẹ của 11 triệu trẻ có mức sống từ trung bình trở lên quan tâm muốn mua sữa cho con em mình. Còn lại hơn 1 triệu trẻ thuộc diện nghèo và cận nghèo, các bà mẹ không thể lo được tiền mua sữa thì sẽ có “bà mẹ xã hội” hỗ trợ. Đây cũng chính là lý do mà Tài khoản Sữa học đường Vì Tầm Vóc Việt ra đời trên cơ sở ý tưởng một “bà mẹ xã hội” với sự đóng góp từ các nguồn lực xã hội (ngân sách địa phương, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp....)
Riêng Tập đoàn TH đã cam kết trong vòng 5 năm (từ 2016-2021) ủng hộ chi phí sản phẩm sữa học đường trị giá 200 tỷ đồng thông qua Tài khoản Sữa học đường Vì tầm vóc Việt. Cuối cầu truyền hình, có thêm 2 đơn vị là Công ty quản lý sân golf Long Thành (Đồng Nai) ủng hộ 25 tỷ đồng (trong vòng 5 năm) và Đại sứ quán Israel ủng hộ 10.000 USD
Cầu truyền hình Sữa học đường- Vì Tầm Vóc Việt do Đài truyền hình Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn TH tổ chức ngày 28.9 tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Nghệ An, Thành phố HCM. Tại Cầu truyền hình, bộ trưởng Bộ GD ĐT Phùng Xuân Nhạ kêu gọi: “Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm của toàn xã hội đến Chương trình Sữa học đường. Hy vọng, có nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ đóng góp để nhiều trẻ em được thụ hưởng chương trình”.