Nước thải “bao vây” đất nông nghiệp
PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho biết, đất là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp và năng suất cây trồng. Nhưng hiện nay, đất trồng lúa diễn biến rất phức tạp, diện tích trồng ngày càng tăng nhưng chất lượng đất lại bị suy thoái trầm trọng, đang ở mức đáng báo động. ĐBSCL hiện là vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa và xuất khẩu lúa gạo trong cả nước.
Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu làm nên thực trạng trên là do con người và những điều kiện bất lợi từ môi trường. Xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng cao cũng tác động mạnh và làm suy kém chất lượng đất. Cứ 10 ha đất trồng trọt thì có đến 3 ha đất bị ảnh hưởng từ nước thải, chất thải của các khu công nghiệp.
Dự báo đến năm 2030, chỉ riêng các yếu tố nhiệt độ tăng, hạn và xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến 5% sản lượng lúa cả nước. Do đó cần quyết tâm tìm ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục và cải thiện tình trạng trên, góp phần tăng năng suất sản xuất nông nghiệp và cải thiện đời sống của bà con nông dân trong vùng.
Trong các báo cáo tham luận về tình hình sản xuất lúa của lãnh đạo nông nghiệp các tỉnh đều cho thấy, đất trồng đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất lúa và sự phát triển nông nghiệp của tỉnh. GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) yêu cầu cần nhìn thẳng vào nguyên nhân ở từng vùng đặc thù để thẳng thắn thảo luận tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả cho công tác chỉ đạo của các địa phương, cải thiện và tăng năng suất và sản lượng lúa gạo trong toàn vùng.
Phân bón hóa học gây suy thoái đất
Th.S Đỗ Thu Hà, Viện Môi trường Nông nghiệp cho biết, chính sự khắc nghiệt và diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu đã làm suy giảm chất lượng đất, làm mất dần các chất dinh dưỡng, mặn hóa và chua hóa đất trồng, gây nên tình trạng giảm năng suất cây trồng.
TS Chu Văn Hách, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL khẳng định, sử dụng phân bón hóa học cũng là một trong những nguyên nhân gây ra suy thoái đất. Nếu chúng ta sử dụng phân bón không hợp lý, quá thừa, thiếu, không cân đối có thể dẫn đến ô nhiễm đất.
Vì trong phân bón có trên 50% lượng đạm, 50-60% lượng kali và xấp xỉ 80% lượng lân dư thừa cản trở sự phát triển cây trồng, làm chua đất, nghèo, kiệt các chất dinh dưỡng và xuất hiện nhiều độc tố ảnh hưởng đến môi trường đất.
Hiện nay, nông dân ĐBSCL sử dụng vượt quá gần 580 ngàn tấn phân bón/năm so với nhu cầu của cây trồng (đạm gấp 1,4 lần, lân gấp 1,5 lần và kali gấp 1,8 lần). Đồng thời, việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch cũng là một trong những nguyên nhân làm xáo trộn và làm giảm chất dinh dưỡng trong đất.
TS Hách đề nghị tăng cường giải pháp canh tác lúa tổng hợp theo “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Cần nâng cao hơn nữa công tác truyền thông trong cộng đồng, có hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách thức sử dụng phân bón hợp lý để tăng năng suất lúa, giảm giá thành và chất lượng đất không bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp để bà con nắm rõ và thực hiện.