Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, tạo hình sư tử Đại Việt ở thời Lý không giống với những con sư tử trong mỹ thuật Thái Lan, Campuchia, Champa, Trung Hoa ở cách xử lý hình khối. Một điểm nhấn quan trọng của sư tử Đại Việt nói riêng và tất cả các linh vật quan trọng khác là miệng thường ngậm ngọc. Chính viên ngọc trong miệng sư tử tương phản với những chiếc răng nanh sắc nhọn, như muốn nhấn mạnh sức mạnh kia là để phụng sự cái Thiện, quy hướng Phật pháp.
Tinh hoa điêu khắc đá dân tộc
Xã Minh Hải thuộc huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) và xã Dương Xá thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) chỉ cách nhau khoảng 5km, cả hai nơi này đều có những điển tích gắn liền với Hoàng thái hậu Ỷ Lan (1044 – 1117) thời nhà Lý. Bà là Nguyên phi của vua Lý Thánh Tông, mẹ của vua Lý Nhân Tông. Bà là người có công lớn trong việc ổn định và phát triển đất nước (hai lần nhiếp chính). Cảm ơn đức cao dày của Hoàng thái hậu Ỷ Lan, nhân dân đã tôn vinh bà như là Quan Âm Bồ tát tái hiện, dân gian còn gọi là bà Tấm - hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành.
Dương Xá có chùa Bà Tấm, Minh Hải có chùa Hương Lãng đều cùng thờ Ỷ Lan, đặc biệt cả hai ngôi chùa ngày nay cùng bảo lưu được cặp sư tử đá mà người dân trong vùng thường gọi là “Ông Sấm”, được tạo tác giống hệt nhau cả về đường nét và nghệ thuật tạo hình.
Chùa Hương Lãng, còn gọi là chùa Lạng thuộc thuộc thôn Chùa, xã Minh Hải. Chùa do Thái hậu Ỷ Lan xây dựng năm Ất Mùi (1115), niên hiệu Hội Tường thứ năm, triều Lý Nhân Tông (1072-1227). Tại chùa còn lưu giữ được những kiệt tác nghệ thuật thời nhà Lý, trong đó có tượng “Ông Sấm” đá tạo tác vô cùng tinh xảo và đầy sáng tạo.
Bức tượng sư tử đá thời Lý tại chùa Hương Lãng. |
Nằm ở giữa tòa hậu cung tượng đá ông Sấm được nhiều Phật tử khắp nơi về chiêm ngưỡng đều phải trầm trồ. Tượng được tạc hình một sư tử đội tòa sen tạo thành bệ đá lớn. Bệ đá hoa sen này có tổng chiều dài 4,2m, rộng 3,5m, cao 1,15m được ghép bằng các viên đá vuông chạm hình hoa sen mềm mại. Các khối nổi trên bề tượng hầu như không có góc cạnh gồ ghề, tất cả đều nhẵn, êm và chau chuốt, không có chỗ ngắt nhịp đột ngột. Đây là đặc trưng riêng của nghệ thuật điêu khắc thời Lý.
Theo Giáo sư Trần Lâm Biền cho biết, tượng “Ông Sấm” chùa Hương Lãng là một phiến đá rất lớn dùng làm bệ cho một pho tượng nào đó nay không còn nữa.... Tượng sư tử nằm trong tư thế phủ phục trên bệ đá, đầu được khắc Hán tự là chữ “Vương” ở trên trán.
Hai chân trước chống vát hình chữ V, các móng nhọn sắc tì chặt vào 2 vật cầu như đang chống đỡ sức nặng từ trên dồn xuống. Hai chân sau co gập, như đang giữ cho toàn thân được thăng bằng. Với lối chạm nổi thành thạo, nét chạm dứt khoát, “Ông Sấm” trông như được đắp lên từng khối chứ không phải đục sâu xuống.
Phía sau mông tượng “Ông Sấm” được thể hiện căng tròn và trang trí dày đặc những hoa văn. Chòm lông đuôi và tấm lá chắn phủ trên thân tạo hình thành ba vòng xoắn ốc lớn lật qua, lật lại rất cân xứng. Những dây hoa cúc ken nhau liên tiếp làm nền. Những hình trang trí này khéo léo tinh vi đến mức khiến ta phải ngạc nhiên; chúng nổi lên dày đặc mà vẫn có vẻ mỏng manh, nuột nà như không phải trên đá mà là trên đồ kim hoàn.
Còn tại ngôi chùa Bà Tấm có tên chữ “Linh Nhân Tư Phúc tự”, được Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng vào những năm 1110-1115 tại nơi bà sinh ra, xưa là làng Thổ Lỗi. Đôi tượng sư tử đá thực chất là bệ đặt tượng Phật do các nghệ nhân tài hoa từ cách đây gần nghìn năm cũng đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia (tháng 1/2020). Trong đó, sư tử đá bên phải cao 104cm, rộng 130cm. Sư tử bên trái cao 104cm, rộng 136cm. Cả hai mang bộ mặt thần thái, uy nghi, sống động, tư thế nằm thủ phục, đường nét mềm mại, vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ.
Những hoa văn rất tinh tế, mềm mại, mang tính điển hình của thời Lý. |
Các hình khối trên mặt sư tử được nhấn mạnh qua những nét đục, chạm như: Trán sư tử ngắn, tựa như trán lạc đà, giữa trán cũng chạm chữ “Vương” biểu hiện quyền năng tối thượng của linh vật. Dưới chữ “Vương” là một u tròn lớn được viền quanh nhiều u tròn nhỏ, dưới đó là chiếc mũi to bè, chạm nhiều đường cong song hành, đều đặn. Mắt giọt lệ kép, viền phía trên là hàng hoa văn dấu hỏi tròn (cánh hoa cúc) để cùng với khối mắt to, lồi, tạo nên một ấn tượng mạnh trước những đệ tử chiêm bái.
Đôi mắt của cặp sư tử này được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là vô cùng có hồn, thể hiện sư tinh anh, không những thế hai ông Sấm còn có hàng mi cong, đuôi mắt vuốt dài, những chi tiết tinh xảo đó khiến khuôn mặt thanh thoát. Miệng sư tử mở rộng để lộ hàm răng, lưỡi đỡ viên ngọc, quanh mép là băng hồi văn xoắn ốc. Má chạm nổi băng hoa nhiều cánh xoắn ốc. Cổ đeo dây lục lạc. Tai sư tử đặt trên mang bạnh, sau mang là những bờm tóc thể hiện bằng nhiều hàng hoa văn xoắn móc. Chân sư tử có 05 móng chim ưng, đang trong tư thế động. “Tất cả đều thể hiện sự tài tình, tài hoa bậc nhất đó đã khiến nghệ thuật thời Lý đạt đến đỉnh cao”.
Bản sắc riêng của tượng sư tử Việt trong Phật giáo
Sư tử được sử dụng làm hình tượng thể hiện Phật pháp ngay từ khi Phật giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên ở Ấn Độ. Lời thuyết pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni, được ví như tiếng sư tử hống, lan truyền trong chúng sanh. Tiếng rống của sư tử biểu thị uy lực và biểu tượng sức mạnh tinh thần và trí tuệ, không hề mang ý nghĩa sức mạnh cơ bắp.
Cũng có những điển tích cho rằng Phật là sư tử của dòng họ Sakya, nên một cặp sư tử được khắc chạm trên tọa cụ của Phật Thích Ca vào khoảng 500 năm sau khi Phật Thích Ca nhập Niết bàn (là thời kỳ không được phép tạc tượng Phật theo hình dạng con người). Bởi vậy, hình tượng sư tử được dùng trong nhiều công trình của Phật giáo, với ý nghĩa là vật bảo hộ và thể hiện Phật pháp.
Ở nước ta, vốn có hàng ngàn năm ảnh hưởng của Phật giáo, hình tượng sư tử trong văn hóa bao giờ cũng thể hiện qua tín ngưỡng này. Ở thời kỳ Lý khi đạo Phật là Quốc giáo, có hình tượng sư tử mang triết lý rất riêng. Ví như Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế nhận xét, một trong những dấu hiệu đầu tiên để nhận ra sư tử Đại Việt thời xưa là chữ “Vương” trên trán. Dấu hiệu vương giả này trong một số trường hợp lại được thêm một chiếc miện báu trước trán như trường hợp các sư tử đội tòa sen càng làm tăng thêm tướng sang quý, tôn kính của sư tử Việt. Chữ “Vương” trên trán không thấy xuất hiện trên các tượng sư tử đá trong không gian hoàng gia hay chùa miếu Trung Hoa.
Phật giáo xem sư tử gắn bó với biểu tượng của Phật pháp và một phần gắn bó với chư vị Bồ Tát, vốn thực hiện Phật pháp qua thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Tranh Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử thể hiện rõ tư tưởng này. Đi tất cả các chùa Việt Nam trước đây, chúng ta bắt gặp hình tượng sư tử gần gũi, không hề gây sự sợ hãi.
Từ quan niệm riêng đó của Việt Nam về hình tượng sư tử, tượng sư tử ở các di tích văn hóa lịch sử thời Lý hết sức đôn hậu: miệng rộng đang cười, nhe răng thể hiện niềm vui. Hàm răng của sư tử trong văn hóa Việt dày và đôi khi có hoa văn trên răng. Một điểm nhấn quan trọng của sư tử Đại Việt nói riêng và tất cả các linh vật quan trọng khác trong Phật giáo Việt Nam là miệng thường ngậm ngọc. Chính viên ngọc trong miệng sư tử tương phản với những chiếc răng nanh sắc nhọn, như muốn nhấn mạnh sức mạnh kia là để phụng sự cái Thiện, quy hướng Phật pháp.
Đặc biệt, hình tượng sư tử Việt dù trong tổng thể đường nét cách điệu mạnh mẽ, thì về chi tiết vẫn là những đường cong mềm mại, hình ảnh cách điệu chứ không rõ ràng khoe móng vuốt và cơ bắp theo kiểu khắc họa rõ các cơ theo hình thể học như sư tử Trung Hoa.