Sự kiện đã làm bùng phát làn sóng dân tộc chủ nghĩa và châm ngòi cho Cách mạng Iran 1979, đồng thời khiến mối quan hệ giữa Washington và Tehran luôn ở trong tình trạng căng thẳng suốt thế kỷ 21.
“Chiến dịch Ajax”
Cuộc đảo chính bắt đầu ngày 15/8/1953 song vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của Chính phủ Muhammad Mossadegh. Hàng chục người đã bị bắt giữ, Tướng Fazlollah Zahedi, một trong những kẻ chủ mưu được Mỹ mua chuộc trước đó, chạy trốn trong khi Quốc vương Ba Tư, thân phương Tây, tìm cách ra nước ngoài.
CIA cho rằng chiến dịch này khi đó đã thất bại và gửi điện tín cho điệp viên Kemit Roosevelt, người phụ trách chiến dịch đảo chính tại Iran: “Chiến dịch đã thất bại, chúng ta sẽ không tham gia bất kỳ chiến dịch nào chống lại Mossadegh để tránh mọi nguy cơ bị lần ra dấu vết… Đình chỉ mọi chiến dịch lật đổ Mossadegh”
Xe tăng trên đường phố Tehran trong vụ đảo chính năm 1953 |
Tuy nhiên, Foreign Policy dẫn lời ông Malcolm Byrne, người đứng đầu dự án Quan hệ Mỹ - Iran tại Bộ phận Lưu trữ An ninh Quốc gia thuộc Đại học George Washington, cho rằng Kemit Roosevelt đã phớt lờ chỉ thị này. Trao đổi với Tạp chí Foreign Policy, ông Byrne cho biết ít nhất một “người khác đã ở trong phòng cùng với Kermit Roosevelt khi ông ấy nhận được bức điện tín… (Roosevelt) nói rằng không, chúng ta chưa xong việc tại đây”.
Thông tin về việc ông Roosevelt bất tuân mệnh lệnh đã được dư luận biết đến từ trước song nội dung bức điện tín và những thông tin liên quan mới được công bố gần đây.
Quyết định của Roosevelt đã làm thay đổi lịch sử. Ngày 19/8/1953, với sự hỗ trợ của đám đông “được thuê”, những người tin rằng vẫn được CIA hậu thuẫn, đã tiến hành một cuộc đảo chính thành công. Thủ tướng Mossadegh bị bắt giam, quyền lực lại thuộc về Quốc vương thân phương Tây.
Trong “Chiến dịch Ajax”, giới tình báo Mỹ thực hiện một kế hoạch mua chuộc và đút lót quy mô lớn, thao túng hàng loạt quan chức nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp, giáo sĩ Hồi giáo và thậm chí là các băng đảng tội phạm, từ đó châm ngòi cuộc nổi dậy lật đổ Thủ tướng Mosaddegh.
Tuy nhiên, điều mà Mỹ không ngờ là cuộc đảo chính đã thổi bùng làn sóng bài phương Tây mạnh mẽ, dẫn tới cuộc khủng hoảng con tin năm 1979, lật đổ Quốc vương Ba Tư và gián tiếp hình thành nên Cộng hòa Hồi giáo nhằm chống lại “Con quỷ Satan” là Mỹ. Cuộc đảo chính đã khiến các lực lượng tự do tại Iran bị cô lập.
Binh lính và xe tăng trên đường phố Tehran sau khi lật đổ chính quyền của Thủ tướng Mossadegh |
Ông Mossadegh được xem là một nhà lãnh đạo dân chủ nhất mà Iran từng có. Ông công khai ca ngợi các giá trị dân chủ và mong muốn xây dựng một nền dân chủ tại quốc gia này. Quốc hội dân cử đã bổ nhiệm ông làm Thủ tướng, vị trí mà ông dùng để thu hẹp quyền hạn của Quốc vương, đưa Iran tới gần hơn mô hình chính trị đã phát triển ở châu Âu. Tuy nhiên, mọi nỗ lực phát triển dân chủ đã bị xóa tan sau ngày 19/8/1953.
Những hé lộ
Chính phủ Mỹ lâu nay vẫn phủ nhận việc liên quan tới cuộc đảo chính này. Bộ Ngoại giao Mỹ đã lần đầu tiên công bố các tài liệu liên quan vào năm 1989 song đã sửa lại tất cả những nội dung có liên quan tới vai trò của CIA. Áp lực của dư luận buộc chính phủ phải cam kết công bố thêm các thông tin và một số tài liệu khác đã được đưa ra hồi năm 2013.
Hai năm sau, giới chức Mỹ đã lên kế hoạch về việc công bố toàn bộ các tài liệu liên quan song các cuộc đàm phán nhạy cảm về vấn đề hạt nhân Iran đã khiến kế hoạch này phải tạm hoãn. Các tài liệu này cuối cùng cũng đã được công bố song người ta cho rằng nhiều bức điện tín đã bị mất hoặc bị hủy từ trước đó rất lâu.
Tài liệu được giải mật dài khoảng 1.000 trang, đã phô bày các bí mật về các nỗ lực của CIA nhằm che đậy sự liên quan tới cuộc đảo chính, vốn chỉ thành công vào phút chót nhờ sự “bất tuân mệnh lệnh” của một điệp viên nằm vùng.
Ông Byrne cho rằng việc trì hoãn kế hoạch công bố này xuất phát từ nhiều yếu tố. Giới tình báo luôn lo ngại về việc bảo vệ “các nguồn tin và phương thức tình báo” giúp họ hoạt động tại địa bàn. Hơn thế nữa, CIA cũng cần bảo vệ mối quan hệ giữa họ với giới tình báo Anh, những người không muốn công bố một số nội dung liên quan.
Một trang tài liệu mật của CIA đề ngày 20/8/1953, giải mật năm 2011 và công bố năm 2013, liên quan đến việc lật đổ Thủ tướng Iran |
Theo trang mạng Foreign Policy, giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới âm mưu đảo chính mà CIA giật dây này rốt cuộc cũng chỉ là dầu mỏ. Trong nhiều thập niên, phương Tây nắm quyền kiểm soát các mỏ dầu trong khu vực, với nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty dầu mỏ Mỹ- Ảrập ở Saudi Arabia hay Công ty dầu mỏ Anglo-Iran của Anh tại Iran.
Tuy nhiên, vào những năm 1950, Mỹ bị gây áp lực và buộc phải chấp nhận chia sẻ lợi nhuận từ việc bán dầu với Saudi Arabia. Anh sau đó cũng chịu sức ép tương tự sau khi Thủ tướng Mossadegh quốc hữu hóa ngành dầu mỏ của Iran vào năm 1951 với sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận.
Anh không hài lòng với việc phải chia sẻ lợi ích và tìm cách phối hợp với giới tình báo Mỹ nhằm lật đổ Thủ tướng Muhammad.
Sau khi cuộc đảo chính thành công và vương triều thân phương Tây giành lại quyền lực, Công ty Anglo-Iran đổi tên thành Công ty Dầu khí Anh quốc (BP). Tuy nhiên, cuộc đảo chính đã làm bùng phát làn sóng chủ nghĩa dân tộc kịch liệt phản đối việc để cho nước ngoài kiểm soát dầu mỏ quá nhiều. Cuối cùng, BP và nhiều công ty khác cũng buộc phải chia sẻ dầu mỏ với Iran.
Giáo sư Abbas Milani, hiện đang làm việc tại Đại học Standford cho rằng bên cạnh việc làm rõ vai trò của CIA trong cuộc đảo chính này, các tài liệu giải mật vừa được công bố còn cho thấy những chi tiết rất thú vị về xu hướng chính trị của Đại giáo chủ Abol-Ghasem Kashani, một giáo sỹ rất nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng tại Iran đầu những năm 1950. Giới tăng lữ thường rất được coi trọng tại Iran.
Ông Kashani vốn được xem là một người anh hùng của chủ nghĩa dân tộc và Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei hồi tháng 1/2017 còn ca ngợi ông Kashani là người có công lớn trong quốc hữu hóa dầu mỏ theo đường lối của Thủ tướng Mosaddegh. Tuy nhiên, theo các tài liệu giải mật, ông Kashani lại là người chống đối ông Mosaddegh.
Mối quan hệ của ông Kashani với cựu Thủ tướng Mossadegh không mấy tốt đẹp là điều dễ hiểu. Giới tăng lữ Iran trong thập niên 1950 lo ngại chính quyền Mosaddegh quá yếu ớt, có thể khiến đảng Tudeh theo đường lối xã hội chủ nghĩa thâu tóm quyền lực.
Điều này đã khiến giáo sĩ Kashani “quay lưng” với Thủ tướng Mosaddegh. Ông Kashani đã liên hệ chặt chẽ với giới tình báo và yêu cầu được hỗ trợ về tài chính trong thời gian dài để chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc đảo chính. Foreign Policy bình luận: “Dù chưa rõ ông Kashani có nhận tiền của Mỹ hay không, nhưng vào ngày 19/8/1953, Kashani tổng động viên lực lượng đánh bại ông Mosaddegh”.