Người đàn ông "vác tiền nhà" đi xây đảo, canh bão biển Trường Sa

Cặp tàu của ông Hiển xuất phát đi biển.
Cặp tàu của ông Hiển xuất phát đi biển.
(PLO) -Đi gần hết cuộc đời ông mới hiểu, biển không chỉ là không gian sinh tồn, là cơm, áo, gạo, tiền của người làm nghề chài  lưới mà còn là máu thịt thiêng liêng của đất Mẹ, là phên dậu, lá chắn vô hình của Tổ quốc. 

“Cả đời tôi gắn bó với biển. Biển đã ngấm vào máu thịt tôi. Thời gian còn lại của cuộc đời, nếu làm việc gì về biển, kể cả cống hiến tài sản, tính mạng, tôi luôn sẵn sàng”- lão “kình ngư” Phạm Thế Hiển (65 tuổi, ở phường 3 TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tâm sự.
Dốc vốn mua tàu đi xây đảo
15 tuổi trở thành ngư phủ 50 năm lăn lộn khắp vùng biển Hoàng Sa, 30 năm làm thuyền trưởng, gọi hàng ngàn lượt ghe tàu vào đất liền tránh bão an toàn, đó là thành tích đáng nể của lão “kình ngư” tuổi 65. Mời tôi ly nước trà trong căn nhà khá khang trang tận cuối hẻm sâu ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Vũng Tàu, ông Hiển không nhớ bao nhiêu lần giong thuyền vượt sóng ra khơi, nhưng lần ông mua tàu gỗ ra Trường Sa cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân vận chuyển vật liệu xây đảo Đá Lát thì không thể nào quên.
“Lúc đó tôi là “lính không đeo quân hàm”. Nói đi Trường Sa ngày ấy háo hức lắm. Những ngày ngâm mình dưới biển, vác đá xây đảo Đá Lát là thời gian ý nghĩa, tự hào, đẹp đẽ nhất của đời tôi. Và cũng chính từ đó, tôi quyết tâm gắn đời mình với nghề đi biển”. Ông Hiển mắt rưng rưng nhìn ra hướng biển. Giọng ông nghèn nghẹn, kỷ niệm về những ngày tháng vác đá xây đảo ùa về trong tiềm thức.
Tháng 5/1985, phong trào “Tất cả vì Trường Sa thân yêu” được phát động trên toàn quốc. Một buổi chiều từ cảng cá về nhà, nghe đài truyền thanh của phường thông báo “Vận động bà con ngư dân đi Trường Sa, cùng bộ đội Hải quân xây đảo, bảo vệ Tổ quốc”. Tay cầm lưới, mắt hướng lên loa truyền thanh, ông nhủ thầm: “Đi Trường Sa xây đảo - một nghĩa cử cao đẹp với Tổ quốc, tại sao mình không đi”. Rồi ông băn khoăn, tiền đâu mua tàu khi vốn liếng của mình chưa đầy chục triệu đồng, vợ không việc làm, 3 con còn nhỏ?.
Sau bữa cơm tối, ông tìm sách báo viết về Trường Sa đọc. Hình ảnh bộ đội Hải quân canh biển, xây đảo đã làm ông xúc động. Đêm nằm bên vợ, ông bảo: “Anh có ý định mua tàu gỗ tham gia chiến dịch đi Trường Sa xây đảo cùng bộ đội Hải quân”. Bà Võ Thị Phần quay ngoắt lại: “Ông khùng hay sao mà mang tiền đổ biển. Nhiệm vụ ấy đã có Quân đội lo, việc gì đến ông?”. Ông Hiển phân trần: “Mình góp công sức cùng bộ đội xây đảo là bảo vệ Tổ quốc. Bây giờ Tổ quốc đang cần, mình không làm thì lúc nào làm được”. Sau nhiều lần thuyết phục, phân tích điều hơn lẽ thiệt, cuối cùng bà Phần cũng đồng ý cho ông Hiển mua tàu. “Con tàu gỗ lúc đó hơn 30 triệu, một số tiền quá lớn đối với tôi. Nhưng tôi đã quyết, khó khăn mấy cũng phải thực hiện”, ông Hiển chia sẻ.
Dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp 20 năm đi biển không đủ, vận động người thân, bạn bè góp thêm chẳng ăn thua gì, bà Phần đành đi vay lãi cho đủ số tiền 33 triệu đồng mua tàu. Ngày giong thuyền ra khơi, ông Hiển sung sướng cầm vô lăng thẳng hướng Trường Sa kiêu hãnh, còn bà Phần mắt đỏ hoe tiễn chồng mong ông bình yên, sớm trở về. “Đối với biển Trường Sa, tôi chẳng lạ gì, nhưng cùng bộ đội xây đảo thì đây là “nhiệm vụ đặc biệt” trong đời tôi. Lúc đó tôi đi theo tiếng thúc giục của trái tim. Nói thiệt chớ, đêm nằm bên vợ mà cứ hình dung mình cùng các chiến sĩ vác đá xây đảo”, ông Hiển chia sẻ.
Con tàu 15 mã lực hướng Trường Sa thẳng tiến. Sau 2 ngày đêm chồm lên, ngụp xuống trong sóng và ngược gió, ông Hiển và 6 thuyền viên đến đảo Đá Lát. Tàu của ông được giao nhiệm vụ chở đá, cát, xi măng từ tàu Mỹ Á vào đảo Đá Lát cho cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân xây dựng. Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, giữa sóng biển gầm gào suốt ngày đêm, ông và 6 thuyền viên cùng  các chiến sĩ trên tàu Mỹ Á chuyển hàng nghìn tấn vật liệu từ tàu vào đảo. 
“Lúc đó chúng tôi làm quần quật từ sáng sớm đến chiều tối. Chúng tôi chạy đua với thời gian. Nếu thủy triều lên, tôi lái cho ghe chạy sát mép đảo, thủy triều xuống thì dừng lại cách đảo chừng 100 mét rồi chuyển vật liệu vào đảo bằng tay. Sau một ngày làm việc cật lực, nhìn nhau chỉ thấy con mắt và hàm răng. Ai cũng đen nhẻm, chai sạm vì nắng gió”, ông Hiển xúc động giấu giọt nước mắt sau ly trà chát nóng.
Bảy “người lính không quân hàm” cùng cán bộ, chiến sĩ công binh sau một tuần chạy đua, lăn lộn cùng sóng gió, đảo chìm Đá Lát mọc giữa đại dương. Nhìn “loa thành” mang hình Tổ quốc sừng sững giữa biển trời, cán bộ chiến sĩ Đoàn 83 công binh Hải quân ôm nhau khóc vì sung sướng. Trong niềm hạnh phúc vô bờ ấy, có cả giọt nước mắt mặn mòi của ông Hiển và 6 thuyền viên của ông. “Lúc đó, chúng tôi nhảy lên hò reo. Anh em đi xung quanh nhà, sờ tay vào tường cảm nhận như mình đang chạm trái tim Tổ quốc. Tôi nhủ thầm trong bụng, việc tự nguyện mua tàu đi Trường Sa thật ý nghĩa. Tôi nghĩ đến ngày trở về đất liền gặp vợ và 3 con đang mong chờ”, ông Hiển nhớ lại.
Ông Phạm Thế Hiển với chiếc máy I-com, kỷ vật một thời chiến chinh trên biển.
Ông Phạm Thế Hiển với chiếc máy I-com, kỷ vật một thời chiến chinh trên biển.
 
Niềm vui chưa kịp đi vào giấc mơ thì đúng đêm ấy, biển bỗng nhiên nổi sóng, mưa trút dữ dội, sấm chớp ầm ầm. Đứng trên tàu Mỹ Á hướng mắt về đảo Đá Lát, hơn 30 trái tim thắt lại. Nhìn con tàu thân yêu bị sóng nhấn chìm mà ông đứt từng khúc ruột. Ông bật khóc vì thương tàu quá. Dù các anh trong Ban Chỉ huy tàu vỗ vai động viên nhưng thú thật lòng ông tan nát. Nhưng cũng chính từ vụ chìm tàu này mà ông đã hiểu, đánh bắt xa bờ nhất thiết phải sắm tàu lớn mới chịu đựng được sóng gió - ông Hiển chia sẻ.
“Tổng đài canh bão”, cứu tàu
Ông Hiển vào trong buồng ôm ra chiếc máy I-Com sóng ngắn đặt trên bàn nước. Tay mở bọc ni-lon, miệng ông phân trần: “Cái máy này tui mua hơn 22 triệu đồng năm 1997, tương đương hơn 4 cây vàng để gọi tàu tránh bão. Nhờ nó mà hàng ngàn lượt ghe, tàu thoát nạn, nhiều thuyền viên từ biển trở về đấy”.
Tin ông Hiển lập “tổng đài canh bão tại gia” cứu hộ các ghe tàu gặp nạn trên biển được truyền lên tận Trung ương. Năm 2007, Cục Dân quân Bộ Quốc phòng đã   quyết định bổ nhiệm ông giữ chức “Trung đội trưởng Trung đội Dân quân biển” tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có nhiệm vụ thông báo an ninh, tình hình trên biển. Chiếc máy I-com cũ kỹ được ông dời từ “tổng đài tại gia” xuống gắn trên tàu. Thêm một lần nữa, ông lại cùng với 20 ngư dân vượt sóng ra biển Hoàng Sa, Trường Sa vừa đánh cá, vừa trinh sát nắm tình hình. Tất cả những thông tin an ninh, thời tiết, động thái, tàu lạ, được ông Hiển ghi chép đầy đủ, thông báo về Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 
Mang “dòng máu biển khơi” của cha, phần muốn chia sẻ cùng cha nỗi cực nhọc của nghề đi biển, gác giảng đường đại học, người con trai út Phạm Minh Chánh quyết theo nghề bám biển. 45 năm làm vợ, bà Võ Thị Phần không nhớ hết bao đêm thức trắng chờ ngóng tin chồng từ biển mỗi lần bão tố, bao lần gạt nước mắt tiễn chồng đi đánh bắt xa bờ. Dẫu cuộc chia tay nào cũng hẹn ngày trở lại nhưng biển xa sóng gió, giông bão bất thường, biết điều gì sẽ xảy ra giữa đại dương bao la. Ngày ông Hiển giong thuyền ra khơi, cũng là ngày tim bà thảng thốt, lòng bà đau đáu chờ đợi ngày tàu ông cập bến an toàn. Lần ông Hiển trở về trắng tay trong vụ xây đảo Đá Lát, rồi mua máy thông tin làm tổng đài canh bão, bà Phần không giận mà còn động viên ông bình tâm, vì bà hiểu ông Hiển làm việc có ích cho Tổ quốc.
Ngoài chức Chủ tịch Hội Nông dân phường, ông Hiển còn làm Tổ trưởng “Tổ đoàn kết giúp nhau trên biển” và “tổng chỉ huy” 20 truyền trưởng của 20 con tàu trên 100 mã lực với hơn 200 ngư dân do chính ông vận động luôn sẵn sàng xuất kích khi Tổ quốc cần. Dẫu mỗi lần “Biển Đông dậy sóng”, dẫu bao hiểm nguy rình rập song ông Hiển và những con tàu do ông chỉ huy vẫn hiên ngang bám biển, giữ ngư trường như những cây phong ba trên biển Trường Sa.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.