Duyên trời với vị vua minh quân
Thân Nhân Trung (1419-1499), người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, nay là thôn Yên Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là cha của Thân Nhân Tín, Thân Nhân Vũ, ông nội của Thân Cảnh Vân. Ông và Đỗ Nhuận cùng được (vua Lê Thánh Tông) vời vào hoàng cung dạy học cho các hoàng tử, là thành viên được vua Lê Thánh Tông phong là “Tao Đàn Phó nguyên soái” (Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam).
Ông đỗ đại khoa vào năm 1469, lúc ông đã trên 50 tuổi, khá muộn so với nhiều người khác. Ông đã phải mất gần 40 năm mới đạt được học vị cuối cùng của khoa cử phong kiến. Tuy muộn, nhưng ông lại gặp may. Đó là việc Lê Thánh Tông lên ngôi Hoàng đế, mở ra một thời kỳ thịnh đạt mới trong sự nghiệp nhà Lê, đồng thời tạo điều kiện cho ông có cơ hội phát huy tài năng và hoài bão của mình.
Dưới triều Lê Thánh Tông, nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới, mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục đều đạt tới đỉnh cao. Cuộc gặp gỡ giữa “minh quân” Lê Thánh Tông và “lương tướng” Thân Nhân Trung quả không phải là điều dễ có trong cuộc đời một con người, nhất là dưới chế độ phong kiến.
Bởi thế, ông mang hết tâm lực của mình ra để đền đáp tấm ơn tri ngộ đối với vị “vua hiền”. Ngược lại, vị vua hiền cũng đã biết dùng đúng tài năng của ông để ông trở thành một danh thần về văn hoá và chính trị nổi tiếng một thời.
Vua Lê Thánh Tông giao Thân Nhân Trung soạn một bài văn cho tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu, để nói về khoa thi hội năm 1442, dưới thời Lê Thánh Tông. Từ khi nhà Lê dựng nước, đây là khoa thi đầu tiên được tổ chức với quy mô rộng lớn, với nguyên tắc chặt chẽ, với sự tham gia chấm thi của nhiều bậc hiền tài như: Lê Văn Linh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Trần Thuấn Du, Nguyễn Tử Tấn.
Khoa thi đã chọn được 33 người trúng cách. Trong số đó có Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Như Đổ đỗ bảng nhãn, Lương Như học đỗ thám hoa. Còn lại là những tiến sĩ, phó bảng trong đó có nhà sử học nổi tiếng là Ngô Sĩ Liên.
Theo đó, vua Lê Thánh Tông thấy cần thiết phải dựng thêm bia đá đề tên tiến sĩ. Ý tốt đẹp của nhà vua, đó là nêu lên vai trò của hiền tài là việc đem lại hưng thịnh cho đất nước. Vâng mệnh nhà vua, Thân Nhân Trung thảo bài văn bia năm 1484 và bài văn bia 1487, qua đó ông nêu những điều cơ bản trong chính sách hiền tài của Nhà nước. Chính sách quyết định sự hưng thịnh của quốc gia.
Ông viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí”.
Thân Nhân Trung nêu lên công lao của các vua đầu nhà Lê như: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. Lê Thái Tổ ngay từ khi quét sạch quân xâm lược xây dựng triều đại mới đã: “Ban bố thi hành văn đức, lo lắng, mong muốn thâu nạp người tài, đổi mới nền chính trị. Ngài bèn ban chiếu khắp thiên hạ cho xây dựng trường học, đào tạo nhân tài.
Bên trong có Quốc Tử Giám, bên ngoài có các phủ học. Ngài thân hành tuyển chọn con cháu các quan, các bậc tuấn tú hào kiệt trong dân cho vào làm học sinh các cục Nhập thị, Cận thị, Ngự tiền và làm giám sinh Quốc Tử Giám. Lại sai quan chuyên trách mở rộng phạm vi tuyển chọn trong dân, lấy con em những nhà lương thiện, bổ sung vào làm việc bồi dưỡng đạo tạo nhân tài thật là rộng rãi vậy”.
Trường đại học đầu tiên: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi ghi danh câu nói bất hủ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” từ 535 trước… |
Lê Thánh Tông tiếp tục sự nghiệp của Lê Thái Tổ và các vua cha anh mình, lấy việc xây dựng nhà học bồi dưỡng nhân tài làm nhiệm vụ hàng đầu. Hơn thế nữa Lê Thánh Tông còn mở rộng quy mô. Ngoài việc đãi ngộ đầy đủ vật chất và tịnh thần theo như lệ cũ, nhà vua “còn cho rằng việc lớn lao đẹp đẽ tuy lừng lẫy vang dội một thời nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ để truyền lại vạn đời”.
Thân Nhân Trung phân tích kỹ hơn việc khắc tên trên bia đá này. Trước hết kẻ sĩ chốn trường ốc, lều tranh, số phận nhỏ bé mà được triều đình đề cao như vậy thì cái chí của họ và lòng tự trọng khiến họ phải hết lòng báo đáp. Trong số những kẻ sĩ ấy cũng có kẻ vì hối lộ mà hư hỏng và sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác, là bởi lúc họ sống chưa được nhìn thấy tấm bia đá trinh bạch này thôi!
Giả sử hồi đó họ kịp nhìn thấy thì ắt hẳn lòng thiện sẽ tràn đầy, ý ác được ngăn chặn, đâu dám lạm chuyện càn bậy. Thế thì việc dựng tấm bia đá này, ích lợi biết chừng nào. Kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà cố gắng…
Thu hút và trọng dụng nhân tài xưa
Có thể nói, tuyển dụng, sử dụng nhân tài có hệ thống và quy củ ở nước ta bắt đầu từ thời nhà Lý. Năm 1070, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng trường đại học đầu tiên, đó là Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Lúc đầu, Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ đào tạo người tài trong số con em tầng lớp quý tộc, sau đó, đào tạo những người thi tuyển tài năng và đỗ đạt của mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt địa vị xã hội, sang hèn. Đến năm 1075, vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Minh kinh bác học đầu tiên để tuyển chọn nhân tài ra làm quan (Lê Văn Thịnh là người đỗ Tiến sỹ đầu tiên trong kỳ thi này).
Phương pháp tuyển chọn nhân tài bằng thi cử ở Việt Nam bắt đầu từ thời nhà Lý và kéo dài đến thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XX). Cùng với Trường Quốc Tử Giám (để đào tạo văn quan), còn có các Giảng Võ đường để đào tạo võ quan. Các võ quan cũng thường tham gia các kỳ thi tài theo định kỳ.
Đối với các triều đại phong kiến Việt Nam, tuyển chọn nhân tài có nhiều cách, nhưng việc tuyển chọn tốt nhất, công bằng nhất là tổ chức các khoa thi. Các khoa thi được tổ chức thường xuyên, ngày càng nghiêm túc và chặt chẽ; trở thành cơ chế tuyển chọn nhân tài chủ yếu cho bộ máy cai trị ở trung ương và các cấp địa phương.
Dưới triều Lê sơ, khoa cử đã được quy định tương đối hoàn chỉnh. Cách ba năm có một kỳ thi. Gần mười thế kỷ khoa cử trong lịch sử hành chính nhà nước Việt Nam (từ khoa thi Nho học đầu tiên dưới triều Lý năm 1075 đến khoa thi cuối cùng dưới triều Nguyễn năm 1919), đã có 118 kỳ thi Hội, thi Đình, tuyển chọn được 2.898 tiến sỹ, trong đó có 48 người đỗ trạng nguyên, 48 bảng nhãn và 78 thám hoa. Trong số đó, có nhiều nhà chính trị, ngoại giao, giáo dục, văn hóa... nổi tiếng.
Để tỏ lòng yêu mến “kẻ sỹ”, nhiều vị vua phong kiến Việt Nam đã đề ra các chính sách khác nhau để khuyến khích, động viên việc học. Những người thi đỗ trong các kỳ thi Hội, thi Đình đều được triều đình ban cấp mũ áo, được vinh quy bái tổ, khắc bia tiến sỹ và được bố trí những chức quan tương xứng.
Xưa Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn đã cho người tìm kiếm nhân tài giúp sức “Cỗ xe cầu hiền thường chăm chăm còn dành phía tả”. Đến thời vua Lê Thánh Tông, người hiền tài đỗ đạt cao không chỉ được xướng danh, yết bảng, đãi yến, vinh qui mà còn khắc tên bia đá lưu giữ nghìn năm, vang danh cùng hậu thế. Quang Trung vừa lên ngôi đã ban ngay chiếu cầu hiền, xem hiền tài là “ngôi sao sáng trên trời cao”, là “ sứ giả của thiên tử”.
Theo GS Vũ Khiêu: Dân tộc ta sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh thường xuyên bị đe doạ bởi thiên tai và địch hoạ. Dân tộc ta không thể tồn tại và phát triển nếu không có tinh thần yêu nước và khí phách anh hùng của toàn thể nhân dân. Họ chính là những hiền tài của đất nước.
Họ là nguyên khí của quốc gia, thể hiện tinh hoa của phẩm chất và tâm hồn được chắt lọc và nâng cao từ trong nhân dân. Không có hiền tài thì không có những thành công rực rỡ của nhân dân. Không có những nền tảng vật chất và tinh thần từ trong nhân dân thì cũng không có hiền tài. Từ trong mối quan hệ giữa nhân dân và hiền tài, nảy sinh sức mạnh trường tồn của dân tộc.
Như vậy, với hai văn bia ngắn gọn, TS Thân Nhân Trung đã để lại cho đời sau những ý kiến vô cùng sâu sắc về vai trò của người trí thức, về chính sách đối với hiền tài, nhắc nhở đời sau một chân lý lịch sử: “Kẻ sĩ có quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước” (Bia 1484).
Hai tấm bia nói trên vẫn tồn tại ở Văn Miếu trên 500 năm nay, thường xuyên nhắc nhở các triều đại về chính sách đối với kẻ sĩ và đã luôn luôn chứng minh lời nói bất hủ của ông về sự thịnh suy của đất nước gắn liền với sự thịnh suy của hiền tài.