Để đảm bảo an toàn, người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị hành chính thường chọn những người có thâm niên để giao trọng trách. Còn những người trẻ - mặc dù có năng lực, trình độ cao hơn, nhưng vì lý do “thiếu kinh nghiệm” nên vẫn chưa được tin tưởng.
Người tài thiếu cơ hội thể hiện
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, bởi vậy, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, hiệu quả là cách tạo điều kiện tốt nhất để những người tài có cơ hội đóng góp cho xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, tại Kết luận 86-KL/TW, ngày 24/01/2014 về “Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện… Trước đó, từ năm 1997, Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thực hiện các Kết luận và Nghị quyết trên, những năm qua, nhiều cơ quan ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ để thu hút những người có trình độ cao.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc từ các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước đã được tuyển dụng làm công chức, viên chức không qua thi tuyển; phần lớn đã được bố trí công tác phù hợp với trình độ, chuyên môn, phát huy tốt năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ và được bổ sung vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả chưa như mong đợi. Nói như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thì các chính sách này còn tùy thuộc vào khả năng của từng bộ ngành, địa phương, có nơi khá thành công, có nơi thì không. Bên cạnh đó, việc sử dụng và tạo điều kiện cho người tài có môi trường phát huy tốt khả năng còn nhiều khó khăn, bất cập.
Đặc biệt, trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác thu hút người tài cũng như tại các cuộc họp, hội nghị bàn giải pháp triển khai vấn đề này, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều nhấn mạnh đến việc các cấp uỷ đảng phải đổi mới tư duy, mạnh dạn trao trọng trách để tạo điều kiện cho lớp trẻ cống hiến.
Nhưng trên thực tế, dù đã “trải thảm đỏ” đón các tài năng trẻ về cơ quan, đơn vị, nhưng ở một số nơi, người đứng đầu các đơn vị này chưa thật sự quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân tài phát huy hết tài năng, sở trường. “Thậm chí, có nơi sếp còn sợ nhân viên giỏi hơn mình, rồi nảy sinh tâm lý đề phòng”- một chuyên gia trong lĩnh vực hành chính công thừa nhận.
Trong chừng mực nào đó, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ đảm nhận những cương vị quan trọng cũng gây không ít xì xào, chính điều này đã tạo ra tâm lý e dè trong việc cân nhắc bổ nhiệm cán bộ trẻ thuộc diện tài năng.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, một số nơi, người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị hành chính công thường chọn những người có thâm niên để giao trọng trách, còn những người trẻ - mặc dù có trình độ cao hơn, nhưng vì lý do “thiếu kinh nghiệm” nên chưa được lãnh đạo tin tưởng.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội chỉ ra thực tế: giới trẻ và những người có tài thường không thích vào khu vực công bởi khu vực này đang có nhiều bất ổn về chế độ đãi ngộ.
Ông Thông cũng cho rằng, nhân tài phải được cống hiến và mong muốn được cống hiến trong khu vực công chứ không phải thu hút để sai vặt, pha trà rót nước… “Nhưng thực tế họ ít được giao việc vì các “bề trên” ngồi đó cả rồi, các cháu phải đợi các chú về mới đến lượt...”- ông Thông nhận xét.
Từ góc độ quản lý, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng cho biết, nhiều nơi “nhân tài” chưa nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên, không được dạy thêm những kiến thức thực tiễn. “Ông lãnh đạo không tốt còn quy chụp các bạn ngay.
Chẳng hạn nói: học cho lắm bằng này, bằng nọ mà về làm cứ ngơ ngơ. Lãnh đạo nói thế là không phù hợp, các bạn tâm tư là sinh chuyện”- Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã thẳng thắn như vậy tại buổi trò chuyện với các nhân tài thuộc đề án 922 của TP diễn ra vào giữa năm 2018.
Tâm lý muốn ổn định, ngại thay đổi
Trao đổi với PLVN, TS. Phùng Thị Phong Lan (Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng: “Không thể phủ nhận yếu tố kinh nghiệm, nhưng nó có tác động quá lâu trong nền kinh tế tiểu nông của Việt Nam, do đó nó chi phối rất nhiều. Người ta hình dung rằng có kinh nghiệm, có thâm niên sẽ đồng nghĩa với việc năng lực tốt và đại đa phần cảm thấy rất e dè về những người trẻ vì cho rằng trẻ thế này, thế kia.
TS.Phùng Thị Phong Lan |
Mặc dù thời điểm hiện nay chúng ta cởi mở rất nhiều, giới trẻ được tiếp xúc với internet, với những công nghệ mới, giỏi tiếng Anh... tuy nhiên, những suy nghĩ cố hữu như vậy không phải là không còn ảnh hưởng và chi phối nhiều đến việc cân nhắc có hay không bổ nhiệm đối với những người trẻ…”.
“Hơn nữa, cùng thời điểm đó lại có nhiều trường hợp lợi dụng mối quan hệ cá nhân để được thăng tiến. Tức là khi xã hội còn đang nghi ngờ vào năng lực của người trẻ thì đồng thời có rất nhiều trường hợp cụ thể là sự can thiệp của “con ông cháu cha” vào những chức vụ thần tốc, khiến dư luận nảy sinh tâm lý nghi ngờ” - TS.Lan nói.
Về mặt lợi ích, một lý do khiến những người lãnh đạo không thật sự mặn mà trong việc trọng dụng người trẻ là bởi họ không đủ tự tin những nhân tố này sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy các thành quả mà họ đã dày công xây dựng. “Nhưng tâm lý nói chung là muốn sự ổn định và rất sợ những nhân tố mới, nhân tố trẻ có thể thay đổi quá trình đạt được lợi ích của họ”- TS. Lan nhìn nhận.
Do vậy, để nhân tài có điều kiện phát huy hết tài năng, phải biết “tùy tài mà dùng người”, “tài to ta dùng việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”, dùng đúng năng lực, sở trường của họ - như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều quan trọng, khi đã trọng dụng người tài thì phải tin tưởng tuyệt đối, tránh nghi ngờ. Bởi hơn ai hết, những người có tài năng không chỉ khát khao được cống hiến mà còn mong muốn được tin tưởng giao trọng trách và được làm việc trong môi trường phù hợp.