Bội thực ngôn ngữ “vỉa hè” của những người mang danh nghệ sĩ
Không chỉ thiếu văn hóa ở đời thường, một số người trẻ tham gia lĩnh vực văn hóa trong làng giải trí Việt biến mạng xã hội thành “chợ giời” . Chỉ cần lướt một vòng trang cá nhân của hàng loạt “người nổi tiếng”, người ta dễ dàng thu thập được cả một cuốn “từ điển” về tiếng lóng, những ngôn ngữ vỉa hè, chợ búa rẻ tiền.
Vừa qua, ca sĩ Tuấn H. khiến dư luận dậy sóng khi đăng một status kèm theo những lời chửi tục chĩa vào Ban tổ chức chương trình Bài hát yêu thích chỉ vì anh chàng thấy tên mình đứng ở sau một số ca sĩ trẻ khác. Khi ca sĩ đàn chị góp ý về văn hóa ứng xử, nam ca sĩ này phản pháo và dọa “thánh bóc” câu chuyện văn hóa của ca sĩ đàn chị 10 năm về trước. Sự ngông nghênh, coi thường đàn chị cùng với ngôn ngữ “vỉa hè” khiến hình ảnh Tuấn. H. bị “nhòe” đi rất nhiều.
Những năm gần đây, công chúng “bội thực” với những người gắn “tem mác” là nghệ sĩ nhưng… tài thì ít mà tật thì nhiều. Hát nghêu ngao một vài bài tự cho mình là ca sĩ; sáng tác một hai bài hát không đầu không cuối tự cho mình là nhạc sĩ, uốn éo vài ba kiểu ảnh tự cho mình là người mẫu, quay một, hai clip tự chế tự cho mình là đạo diễn, dựng một, hai kiểu quần áo tự cho mình là nhà thiết kế. Sự huyễn hoặc bản thân và sự tung hô một số người khiến họ ngỡ mình đẹp thật, tài thật, giỏi thật, là ngôi sao sáng lóa trên bầu trời giải trí. Họ luôn…ngỡ mình là số 1.
Quen ở trên mây, ai dám chê bôi, “thánh bóc” hay “dìm hình ảnh”, họ sẽ cho công chúng thấy mình “không phải dạng vừa đâu” bằng những ngôn ngữ “vỉa hè”.
Nhà thiết kế Đ. M. C bị tố là nhái ý tưởng từ những thương hiệu lớn như Dior, Lavin... Ngỡ nhà thiết kế có ứng xử văn minh, cầu tiến, hóa ra anh chàng đã lên facebook đáp trả những lời chua cay, miệt thị dành cho những ai tố mình: “một đám thú điên rảnh rỗi lẫn vô tích sự”, “mấy cưng cứ tiếp tục sủa...” khiến nhiều người rùng mình.
Họ thể hiện cái “tôi” nghệ thuật thì ít mà những cái “tôi” khiêu khích, thách thức dư luận thì nhiều. Danh hão khiến họ quên đi giá trị nghệ thuật đích thực. Họ chỉ nhăm nhăm vào tô vẽ hình ảnh sao cho “sáng lòa” mà quên đi văn hóa đang trong “ngõ tối”. Họ sẵn sàng “hạ bệ” đồng nghiệp, “dìm hàng” những người được công chúng biết tới như để khẳng định… “đẳng cấp” văn hóa “thiếu hụt” của mình. Những câu chửi tục tĩu, chửi thề, lối ăn nói hăm dọa, đầy bạo lực cùng lỗi chính tả, sai ngữ pháp của những người tự coi là “chuyên chở” văn hóa “rác” văn hóa ấy… được phát ra từ những “ngôi sao” giải trí. Trang Tr. là ví dụ. Trang Tr. được biết tới với biệt danh “cô nàng chân dài chửi bậy”, “động đâu chửi đấy” thay vì hình ảnh người mẫu. Không ít dòng trạng thái của Trang Tr. có những lời lẽ miệt thị, nói móc máy đồng nghiệp khiến nhiều người ngán ngẩm.
Diễn viên - người mẫu Phương M. có không ít status trên facebook cá nhân chẳng phải dạng vừa. Khi tác giả cuốn “Xách balo lên và đi” chia sẻ bài viết bàn về quan điểm của cô trong việc ăn thịt chó, Phương M. đã có những ý kiến phản bác bằng những từ ngữ cực kỳ nặng nề để chê bai: “Phải thấy tội cho nó. Ai biểu nó xấu gái, vô duyên lại thêm man di mọi rợ... Nó - quần đùi áo ba lỗ ngồi vỉa hè, cái tay vừa bốc miếng thịt vừa gãi mông...”.
Ca sĩ Pha L. hầu như để lại dấu ấn khá mờ nhạt trong mắt công chúng về sản phẩm nghệ thuật, nhưng lại “nổi danh” là ca sĩ có tính nóng nảy, bốp chát và nói tục, chửi thề. Cô không ngần ngại “đăng đàn” những từ “chợ búa” ở đời thực lẫn thế giới ảo. Cũng như Pha L., ca sĩ Vũ Hạnh N. có “tài”... “chửi bậy như hát hay” của mình. Không ít lần Vũ Hạnh N. công khai chửi anti-fan trên trang cá nhân. Hễ có những ý kiến trái chiều động chạm đến “yêu nữ” là ngay lập tức sẽ được cô dành tặng cho một status dài dằng dặc những lời mạt sát, công kích. Elly Tr. đã lên tiếng “chửi” anti-fan. Trong “bài chửi”, Elly Tr. sử dụng hàng loạt ngôn từ ngoa ngoắt và tục tĩu. Và ngay lập tức dư luận tỏ ra rất bức xức trước những phát ngôn của cô.
Có người còn tự hào về “văn hóa” bậy bạ của mình. Hoa hậu Thu Th. từng gây sóng gió dư luận khi cô viết một note dài khoe khoang về các con số trên facebook mình, kèm theo câu chuyện với những lời lẽ dung tục khiến nhiều người đọc còn ngượng “chín mặt” : “số lượt người truy cập vào trang SOI tăng lên từ hôm mình vào share link về vụ gắn lông trym, ngậm trym vào mồm, cởi chuồng để vươn tới tự do trên FB nhà mình”. Hay “đời mình vừa đủ dài vừa đủ ngắn để làm những việc liên quan đến triết học và chửi bậy”.
Ứng xử văn hóa… thủng lỗ chỗ
Họ viện 1001 lý do: nào là “muốn khẳng định cái tôi”, nào là “nghệ sĩ nhưng rất đời thường”, nào là “nói bậy là mốt, có gì phải ngượng”, rồi thì “facebook là nơi xả stress”…để che đậy, bao biện cách ứng xử văn hóa… thủng lỗ chỗ của mình.
Ở các nước, một khi người làm nghệ thuật phát ngôn thiếu thận trọng, ứng xử vô văn hóa sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc từ cơ quan quản lý lẫn công chúng. Nhưng ở Việt Nam, mọi chuyện dường như đảo lộn. Những người tham gia nghệ thuật càng phát ngôn sốc, càng có hành động phản cảm càng nổi tiếng, bầu sô trọng vọng, catxe tăng vùn vụt. Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ có quy định, chế tài xử phạt khi các ca sĩ, người mẫu... tham gia vào hoạt động nghệ thuật biểu diễn, còn những hình ảnh, lời nói phản cảm được họ đưa lên blog, mạng xã hội thì Cục Nghệ thuật biểu diễn…bó tay! Chưa có người nào bị Cục Nghệ thuật biểu diễn “tuýt còi” vì có ngôn từ bậy bạ, hành động “gai mắt”. Vì lẽ đó, những người tham gia làng giải trí không ngần ngại biến mạng xã hội thành… chợ giời, biến mình thành kẻ thiếu hụt văn hóa ứng xử.
Với những phát ngôn, hành động phản cảm, họ đã làm rẻ rúng tên tuổi của mình, “đại hạ giá” hai chữ nghệ sĩ, gây tổn hại đến hình ảnh của giới nghệ sỹ chân chính. Họ đã biến làng giải trí Việt trở nên nhộm nhoạm, bát nháo đầy thị phi./.