Xót lòng những danh hiệu đến muộn
“Cách đây chừng 10 năm, vợ chồng Dũng đều làm đơn xin danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân (NSND). Cả 2 đều đủ tiêu chuẩn, nhưng hồ sơ đến vòng cuối cùng thì hỏng vì những lý do riêng”- nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, bạn thân của cố nghệ sỹ Anh Dũng chia sẻ. Sau khi nghệ sĩ Anh Dũng mất, các đồng nghiệp gấp rút hoàn thiện hồ sơ xin truy tặng danh hiệu NSND cho Anh Dũng.
Trước đó, dư luận từng xót xa cho “ông trưởng thôn” Văn Hiệp qua đời mới được truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT). Hay như trường hợp NSƯT Tố Uyên với vai diễn để đời trong phim “Con chim vành khuyên” từng phải lận đận làm hồ sơ xin xét duyệt tới 3 lần và qua 10 năm chờ đợi mới chạm tay được tới danh hiệu cao quý này. Tương tự là NSƯT Tuệ Minh đang nằm liệt giường, nhưng vẫn thấp thỏm chờ kết quả đợt xét tặng danh hiệu NSND vào tháng 9 tới liệu mình có còn bị “trượt” hay không, vì nhiều lần xét tặng trước bà đều không đủ phiếu dù có rất nhiều thành tích và đóng góp.
NSƯT Tố Uyên |
Sau nhiều ý kiến về việc xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ, mới đây nhất Nghị định 89/2014/NĐ-CP về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cũng vẫn có những tiêu chí: tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSƯT yêu cầu nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên (riêng loại hình xiếc, múa từ 10 năm trở lên); phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia hoặc 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia.
Còn với danh hiệu NSND thì yêu cầu nghệ sĩ phải được công nhận danh hiệu NSƯT; có ít nhất 2 giải vàng quốc gia sau khi đã được tặng danh hiệu này. Đây thực sự là một tiêu chuẩn “làm khó” những người hoạt động nghệ thuật.
Nghệ sĩ Đào Quang - Trưởng Đoàn kịch Nam Định thẳng thắn cho hay, những tấm Huy chương Vàng không phải là thước đo chuẩn mực để đánh giá người nghệ sĩ. “Có những người may mắn có được vai diễn hay ở hội diễn thì dễ dàng đoạt Huy chương Vàng. Ngược lại, có những người có thực tài, cống hiến lâu dài cho nghề nhưng vì một lý do nào đó không tham gia hội diễn thì phải chịu thiệt thòi, “trắng tay”.
Ví như các nghệ sĩ Thoại Miêu, Trương Hồng Long, Kim Phượng… gắn bó với Nhà hát từ ngày giải phóng, đã cùng các đồng nghiệp vượt qua những thời điểm khó khăn để nghệ thuật cải lương không bị lãng quên. Thậm chí, khi có cơ hội, họ sẵn sàng nhường vai diễn chính để diễn viên trẻ có cơ hội khẳng định bản thân. Tuy không có huy chương nhưng sự cống hiến của những nghệ sĩ này cho sân khấu lại rất lớn. Nếu họ không được xét tặng danh hiệu cao quý thì thật là một sự thiệt thòi và điều đó là không công bằng.
Nặng nề cơ chế “xin - cho”
Theo quy định, nghệ sĩ muốn được phong tặng danh hiệu thì phải viết đơn xin và kê khai thành tích. Chính cơ chế “xin - cho” này là nguyên nhân làm các nghệ sĩ cảm thấy bị tổn thương. NSƯT Bảo Quốc và nhiều nghệ sĩ đã tỏ thái độ không đồng tình với cơ chế “xin - cho” này.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng từng từ chối khi viết đơn xin danh hiệu “Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Tác giả của bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” từng thẳng thắn: “Cá nhân tôi sẽ không bao giờ làm đơn để xin giải thưởng. Những tác phẩm nghệ thuật đã có công chúng và thời gian làm công tác thẩm định”.
Rõ ràng, việc yêu cầu nghệ sĩ phải viết đơn “xin” và kê khai thành tích là một quy định hết sức bất cập và vô lý. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, trên thế giới chẳng có ai phải làm đơn xin phong tặng danh hiệu. Sự cống hiến và tài năng là thước đo cho danh vị được phong tặng. Không thể để tồn tại cơ chế “xin - cho” kiểu ban ơn hay thủ tục rườm rà khiến nghệ sĩ bị tổn thương. Vì lẽ đó, khán giả lẫn người trong giới đều mong muốn có một cơ chế xét tặng danh hiệu minh bạch, chuẩn xác để vinh danh nghệ sĩ thông qua những đóng góp xứng đáng với lao động nghệ thuật mà họ đã cả đời “sống vì nghề, tử vì nghề”.