Hậu quả kéo dài 4 thế hệ
Chất Hồng. Chất Tím. Chất Xanh, Trắng và Xanh lá cây. Cùng với Chất Da cam, những hóa chất có tên dễ thương này do Công ty Monsanto và Công ty hóa chất Dow sản xuất để phục vụ mục đích quân sự của Mỹ tại chiến khu rừng dày đặc thảm thực vật của Việt Nam.
Tuy nhiên, không chất nào trong số những vũ khí hóa học nói trên có ảnh hưởng nặng nề đến nhiều thế hệ người bị tác động như Chất độc Da cam.
Nếu bạn nghĩ rằng Mỹ đã ngừng gây tàn tật và giết chết các binh sỹ cũng như dân thường ở Việt Nam khi các binh lính Mỹ rời khỏi Việt Nam vào tháng 3/1973 hay khi những chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi Sài Gòn 41 năm trước thì bạn đã nhầm.
Chỉ riêng trong năm nay, hơn 300000 trẻ em người Việt Nam đã được sinh ra với dị tật bẩm sinh khủng khiếp mà nguyên nhân được lý giải là có thể do cha mẹ hoặc ông bà của chúng đã phơi nhiễm với các chất làm rụng lá Chất độc Da cam được quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam để phục vụ nỗ lực giành chiến thắng của họ trong cuộc xung đột không thể chiến thắng năm nào.
Được bào chế để phá hủy thảm thực vật, Chất độc Da cam có nguồn gốc từ dioxin là vũ khí hóa học chủ chốt được sử dụng trong một cuộc tấn công của quân đội Mỹ có mật hiệu “Ranch Hand”. Trong chiến dịch này, hàng triệu lít Chất độc Da cam đã được rải xuống hàng triệu hecta đất ở dọc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và những cánh rừng ở Việt Nam.
Danh sách những bệnh mà Bộ các vấn đề cựu binh Mỹ giả định là do có liên quan đến việc phơi nhiễm Chất độc Da cam khiến nhiều người sửng sốt.
Bộ trên hiện phải bồi thường và chi trả phí chăm sóc sức khỏe cho các cựu binh bị mắc các bệnh liên quan đến tủy, bệnh bạch cầu tế bào B mãn tính, bệnh thần kinh ngoại biên, ung thư mô mềm, bệnh tim mạch, ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh chết người hoặc làm suy giảm chức năng của các bộ phận trong cơ thể khác được cho là kết quả của việc phơi nhiễm với các vũ khí hóa học trong thời gian họ tham chiến ở Đông Dương.
Bộ các vấn đề cựu binh Mỹ cũng đang xem xét lại lập trường của họ đối với bệnh ung thư bàng quang mà nhiều cựu binh có thể đã bị mắc bệnh do phơi nhiễm với vũ khí hóa học chỉ đơn giản được gọi là “cam” trên chiến trường.
Theo kênh Lịch sử, Chiến dịch “Ranch Hand” được thực hiện từ năm 1961 tới 1972, trực tiếp dẫn tới các ảnh hưởng của Chất độc Da cam bao gồm ung thư, các khối u, các dị tật bẩm sinh và những tổn thương về thần kinh và tâm lý lâu dài lên các cựu binh Mỹ cũng như người dân Việt Nam.
Các binh lính người Mỹ bị ảnh hưởng bởi Chất độc Da cam đã và đang tiếp tục được chăm sóc y tế sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, 4 thế hệ người Việt Nam bị ảnh hưởng lại không được may mắn như vậy.
Những con người bị lãng quên
Năm 2006, ông Christopher Hitchens tới thăm tỉnh Bến Tre. Năm sau đó, trong một cuộc trò chuyện với tờ tạp chí Vanity Fair, ông đã kể lại những kỷ niệm trong chuyến thăm của mình đồng thời đưa ra lời giải thích về việc tại sao lại có quá nhiều người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Chất độc Da cam như vậy, đặc biệt là tình trạng trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, không nhận được sự giúp đỡ về y tế mà họ cần.
“Chính phủ quá nghèo để có thể chi nhiều tiền cho các nạn nhân. Hơn nữa, họ lại có xu hướng muốn nhấn mạnh đến yếu tố anh hùng của cuộc chiến tranh hơn những khía cạnh có thể làm bẽ mặt.
Ngoài ra, văn hóa truyền thống của người Việt Nam có xu hướng khó chịu với những đứa trẻ bị dị tật, vốn được nhiều người cho rằng đó là hậu quả của những tội lỗi của kiếp trước” - ông này nói tại cuộc phỏng vấn diễn ra năm 2007.
Nhưng đến nay, mọi việc đã có những tiến triển. Hồi đầu tháng này, một người đàn ông Mỹ tên Rennie Davis đã tới Hà Nội và có cuộc gặp với bà Nguyễn Thị Bình, Jack Nguyen cùng một nhóm những người tình nguyện đang nỗ lực hết mình để giúp Việt Nam thoát khỏi những tàn tích còn sót lại của những loại vũ khí hóa học cùng những vật liệu nổ mà các binh lính Mỹ bỏ lại từ 4 thế hệ trước.
Những nạn nhân của Chất độc Da cam tại Việt Nam. |
Nhấn mạnh việc khoảng 3 triệu người Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả của Chất độc Da cam và những nạn nhân mới vẫn đang được sinh ra mỗi ngày, ông Davis nói rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế đẩy nhanh các nỗ lực và giúp đỡ những con người bị số đông lãng quên này.
Cùng với đó, ông kêu gọi những người từng phản đối chiến tranh Việt Nam và các thành viên trong cộng đồng quốc tế sử dụng những phát hiện điều trị mới để giúp các nạn nhân loại bỏ các chất động trong cơ thể và phục hồi sức sống của các tế bào.
Ông Davis cũng cho rằng hành động của những người có liên quan là cần thiết vì chính phủ các nước cho đến nay không đặt sự quan tâm đúng mức tới tình hình ở Việt Nam. “Chúng ta có thể thay đổi thảm kịch bằng cách quay trở lại Việt Nam.
Với những nạn nhân người Việt Nam không thể tự ăn, tự mặc quần áo hay chăm sóc cho bản thân được, chúng ta có thể chăm sóc, yêu thương và hỗ trợ họ trong phần đời còn lại. Vì gánh nặng của họ với gia đình là không kể xiết, họ đang kêu gọi sự giúp đỡ” – ông nói.
Nhiều việc cần phải làm
Cũng viết về những tác động dai dẳng của Chất độc Da cam lên người Việt Nam, tờ Independent hôm 10/8 cho biết, theo hồ sơ của quân đội Mỹ, tại thời điểm năm 1971, 24% rừng núi cao và 36 đến 50% rừng ngập mặn của Việt Nam đã bị rải hóa chất.
Nghiên cứu của trường Đại học Columbia xác định khoảng từ 2,3 đến 4,8 triệu người Việt Nam đã phơi nhiễm với hóa chất. Ngoài ra, hàng triệu người Lào, Campuchia và các nhân viên quân sự từ Mỹ, Australia, Hàn Quốc, New Zealand, những công nhân sản xuất và vận chuyển hóa chất cũng đã tiếp xúc với các chất độc nói trên.
Ước tính số người bị ảnh hưởng bởi Chất độc Da cam, hay nói chính xác hơn là TCDD dioxin, trên toàn thế giới có thể từ vài trăm nghìn tới hàng triệu người. Tại Việt Nam, những điểm nóng có hóa chất cho đến nay vẫn còn độc hại và tiếp tục ảnh hưởng tới thế hệ hiện tại.
“Cần phải tăng cường hơn nữa hỗ trợ chính thức của Mỹ cho các trẻ em và người trưởng thành còn trẻ bị tàn tật do dioxin ở Việt Nam” – ông Charles Bailey, người đang tiếp tục có các chuyến thăm và thúc đẩy đối thoại giữa Việt Nam và Mỹ trong vấn đề Chất độc Da cam, nhận định.
Tại Việt Nam, những khu rừng ngập mặn đã được phục hồi. Việc khử độc đất tại các khu vực xung quanh 3 căn cứ quân sự cũ của Mỹ đã được tiến hành.
Chính phủ Việt Nam đã thiết lập bộ tiêu chí để xác định các nạn nhân của Chất độc Da cam và một mạng lưới có quy mô toàn quốc có tên Hội các nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam cũng đã bắt đầu giải quyết những nhu cầu cơ bản của các nạn nhân.
Tuy nhiên, ông Wayne Dwernychuk – nhà tư vấn cấp cao của Tập đoàn Hatfield của Canada, đơn vị bắt đầu những nghiên cứu đầu tiên về tình trạng đất nhiễm độc dioxin dai dẳng – lưu ý rằng 3 trong số 4 căn cứ quân sự của Mỹ đang được khử độc.
Song, tại Việt Nam vẫn còn hàng chục điểm nóng ô nhiễm khác nhưng chưa ai nói về việc xử lý tại những điểm nóng này.
Còn bà Merle Ratner – Giám đốc Chiến dịch trách nhiệm và trách nhiệm đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam – thì kêu gọi sự ủng hộ đối với Dự luật cứu trợ các nạn nhân Da cam hiện đang được trình lên 3 ủy ban của Hạ viện Mỹ nhằm tạo điều kiện giúp đỡ hơn nữa cho các nạn nhân Chất độc Da cam tại Việt Nam.