Dai dẳng nỗi đau
Huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) là nơi quân đội Mỹ từng đặt kho chứa chất độc da cam và hiện có khoảng 8000 người bị phơi nhiễm chất độc này.
Trong nhiều trường hợp gia đình oằn mình sống chung với hệ lụy chất độc hóa học, người ta không khỏi xót xa trước hoàn cảnh của gia đình ông Nguyễn Quang Cảnh (SN 1953, ở thôn Chánh Liêm, xã Cát Tường, huyện Phù Cát).
Ngày hòa bình, ông Cảnh mừng vì qua thời lửa đạn mình còn sống lành lặn, hăng hái xây dựng cuộc sống mới mà không thể ngờ di họa của chiến tranh ập xuống gia đình, hành hạ 3 đứa con trai ông. Người con đầu tiên là Nguyễn Quang Nhựt (SN 1987).
Anh Nhựt chào đời bụ bẫm, kháu khỉnh như bao đứa trẻ bình thường khác. Thế nhưng khi bắt đầu lên 7 tuổi, những chuyển biến bất thường xảy ra khi chân tay của Nhựt theo tháng ngày dần bị teo tóp. Chạy chữa mãi cho con cũng không có kết quả, sau này ông Cảnh mới biết, con mình đã mắc di chứng của chất độc da cam.
Sau Nhựt là hai người em trai kề gồm Nguyễn Quang Pháp (SN 1990) và Nguyễn Quang Úc (SN 1992) cũng bị di chứng giống như Nhựt, cũng đang bình thường thì chân tay teo tóp, rồi chạy chữa, rồi bất lực. Nhìn cả ba anh em tay chân khẳng khiu, người nhỏ thó như những đứa trẻ lọt thỏm trong 1 vòng tay ôm khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Chịu nhiều thiệt thòi, 3 người con nhận được sự chăm sóc, yêu thương đặc biệt từ gia đình. Dù nhà chật vật, hơn chục miệng ăn trong căn nhà nhỏ xập xệ, chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng quê nhưng tình cảm luôn đong đầy. Yêu thương cũng chính là cách để cả gia đình bù đắp nỗi đau cho 3 người con lớn tuổi nhưng mãi bé dại.
Hai vợ chồng nông dân cứ đau đáu, mong sao có phép nhiệm màu để con mình thôi cảnh bị đọa đày. Phép màu đã không có, chỉ có tai họa lạnh lùng ập đến khi năm 2012, mẹ của Nhựt mất sớm vì căn bệnh ung thư phổi. Nỗi đau mất mẹ chưa kịp nguội lạnh thì chỉ năm sau, người cha cũng rời bỏ gia đình sau cơn tai biến.
“Ngày đó khi phát hiện mẹ bị ung thư thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Còn ba sau một đêm ngủ dậy ra sau nhà vệ sinh thì loạng choạng té ngã rồi bất tỉnh. Mọi người đưa đi bệnh viện nhưng ba đã mãi không trở về với chúng tôi nữa. Đó là lần thứ 4 ba bị tai biến, cũng là lần cuối cùng…”, Nhựt nghẹn lòng mất đi hai người thân liên tiếp.
“Ở vậy… để chăm sóc mấy đứa em”
Không còn bố mẹ, mấy anh chị em trong nhà nương tựa nhau dưới căn nhà nhỏ. Ngày chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Nga là chị gái thứ 4 trong nhà nay đã ngoài 30 tuổi đang loay hoay cho gà ăn rồi xách nước đổ đầy xô thùng, quét dọn khoảng sân vườn trước nhà.
Nhìn chị Nga tần tảo việc nhà, chúng tôi nhớ lại lời tâm sự của một người đàn ông lớn tuổi chúng tôi gặp khi vào thôn. Ông tâm sự rằng, ở xóm này có nhiều người bị di chứng chất độc da cam. Xóm dưới có thằng Tèo Lết, xóm trên có thằng Tí Lê,… nhưng xót hơn cả là hoàn cảnh của 3 đứa con trai nhà ông Cảnh, là 3 người em trai của chị Nga.
Hồi còn sống, vợ chồng ông Cảnh chăm lo cho 3 đứa con bệnh tật, khi hai vợ chồng ông bà mất rồi thì chị Nga một thân lo cho 3 em. Đến giờ chị cũng ở vậy chưa lấy chồng để chăm sóc mấy đứa em, ai nhìn vào cũng cảm phục, nhưng cũng tránh khỏi xót xa vì thiệt thòi chị tự nguyện nhận về mình.
Anh Nguyễn Quang Tây (SN 1978, anh cả trong nhà) chia sẻ: “Mấy năm nay, Nga là người trực tiếp chăm sóc ba đứa em. Ở vùng quê này ai thuê gì thì nó (chỉ chị Nga-PV) làm nấy, hoặc nó đi buôn bán nhỏ ở ngoài chợ, lấy tiền phụ giúp sinh hoạt gia đình.
Mấy anh chị cũng ở gần nhưng thỉnh thoảng mới qua phụ chăm sóc các em, bởi có gia đình riêng nên không túc trực bên cạnh các em thường xuyên được”.
Nơi ba anh em tật nguyền hay ngồi bất động cả buổi liền |
Chuyện chăm sóc các nạn nhân da cam không phải dễ, phải kiên nhẫn và tỉ mỉ. Như cách chị Nga đỡ ba người em trai ngồi dậy trên chiếc đòn gỗ bé tẹo, bàn tay xoãi chạm chân, hai bàn chân mở làm trụ, chỉ cần sai lệch là người ngồi sẽ ngã ngay. Ba đứa em ngồi bất động như tượng, có khi phải “yên vị” như vậy cả buổi liền.
Chị Nga bảo, hơn 20 năm nay, cả ba chỉ có thể ngồi như vậy trong một tư thế, chủ yếu quanh quẩn sinh hoạt trong bán kính chưa đầy 10 mét… Vì là phận gái yếu mềm nên cũng không thể chăm sóc cho các em mình chu toàn được, nhưng chị cũng cố gắng để các em không thấy bị tủi thân. Nói rồi chị lại tất bật đi chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình.
Ngoài chị Nga, còn có vợ chồng chị Tàu (tên thật Nguyễn Thị Tàu,SN 1983, là chị 3 trong nhà, đã có gia đình) và mọi người xung quanh cũng thường xuyên qua phụ giúp chăm sóc, bầu bạn cùng ba anh em. Tình thương bao bọc bởi người thân chính là nguồn sống cho 3 anh em có số phận kém may mắn.
“Ba đứa tôi may nhờ có các anh chị, còn thằng em nhỏ đang học 12 và cả hàng xóm nữa, hay qua giúp ba anh em. Còn có những nhà hảo tâm và các cô chú trong Hội nạn nhân chất độc da cam của tỉnh đến thăm, động viên và tặng quà. Nếu không có mọi người, chúng tôi cũng không biết phải làm sao”, anh Nhựt cảm động.
Rách lành đùm bọc
Sau khi ba mẹ mất, bởi không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, Nhựt từng nhờ đứa em trai nhỏ chở mình đi lang thang đến tận những quán cơm ở xã Cát Hanh, cách nhà cả chục cây số để khất thực. Được một thời gian, căn bệnh phổi đã từ lâu âm ỉ trong người trở chứng ngày càng nặng hơn nên Nhựt mới nghỉ.
Nhiều năm nay, với số tiền khiêm tốn nhận được từ nguồn quỹ hỗ trợ cho các nạn nhân bị di chứng chất độc da cam, Hội chữ thập đỏ và sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền cùng những nhà hảo tâm, ba anh em chi tiêu dè xẻn, dành dụm để gửi tiền cho hai đứa em ăn học.
Khi nói đến hai đứa em của mình, mắt Nhựt ánh lên một niềm hạnh phúc và hy vọng: “Nhìn hai đứa em chăm ngoan học giỏi và khỏe mạnh bình thường là mấy anh cảm thấy hạnh phúc rồi, có chịu khổ chút cũng thấy vui”.
Khi tôi hỏi về đứa em, giọng Nhựt như khản lại: “Mấy hôm nay thằng út trở sốt cao đang nhập viện ở huyện, không biết khi nào mới khỏe lại. Chờ nó mãi mà không thấy về. Muốn lên thăm nhưng lại sợ phiền thêm mọi người”.
Khi tôi hỏi đến điều mà ba anh em của Nhựt mong muốn nhất hiện nay là gì, họ trả lời ngay: “Chỉ mong cả nhà đều mạnh khỏe và có đủ tiền cho hai đứa em ăn học nên người, sau này có công việc đàng hoàng là chúng tôi mãn nguyện rồi”. Mong ước bình dị ấy để lại trong tôi nhiều suy ngẫm và cầu mong nó sẽ không khó thực hiện để mang lại chút bình yên cho mái ấm bé nhỏ đã có quá nhiều sóng gió này.
Chia tay gia đình, trong lòng chúng tôi vẫn còn khắc khoải bởi ánh mắt trĩu tâm tư của ba anh em Nhựt, Pháp, Úc. Mang câu chuyện này trao đổi với bà Đặng Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bình Định và nhận được cái gật đầu chia sẻ. Chính bà Vân cũng không khỏi xót xa cho hoàn cảnh của gia đình.
Hằng năm, nhiều dịp tỉnh hội phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan và huyện Hội đến thăm, tặng quà, động viên gia đình và các nạn nhân. Tôi luôn mong các nạn nhân da cam có thể vươn lên vui sống, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng.
Nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi không chỉ nghị lực cá nhân của các nạn nhân mà rất cần sự sẻ chia, chung tay góp sức của những tấm lòng nhân ái trong xã hội”.