Cô gái nhỏ bất hạnh phải hứng chịu búa rìu dư luận và gia đình
Long là một cô gái nhỏ sinh ra trong một gia đình có mối quan hệ phức tạp. Bố em có một vài người vợ trước mẹ Long và anh em cùng cha khác mẹ với Long thì không ưa và thường xuyên gây khó khăn cho hai mẹ con em. Một ngày đầu tháng 9/2015 đường dây nóng của Tổ chức Hagar nhận được cuộc gọi của Long.
Em gọi với hy vọng nhận được hỗ trợ tài chính để phá thai. Khi được hỏi Long không hay biết mình đã có thai bao lâu và cũng không hề có kiến thức gì về việc mang thai. Em chỉ muốn phá thai, bởi vì bạn trai rời bỏ em sau khi biết em có thai, còn bố mẹ em thì vô cùng giận dữ và đổ lỗi cho em. Sau cuộc gọi đó một tháng, Long lại thay đổi ý định và cho biết em quyết định giữ đứa bé.
Tiếp xúc với Long, nhân viên của Hagar nhận thấy em thực sự là một thử thách bởi em từ chối mọi tương tác xã hội và hầu như không thể hiện cảm xúc gì khi kể cho chuyên gia tâm lý của Hagar về những sự việc tồi tệ xảy đến với em trong quá khứ. Trong khi hỗ trợ Long, Hagar phát hiện ra em từng bị bắt cóc sang làm lao động ở Trung Quốc mà không được trả lương và bị ép làm việc trong một quán karaoke.
Nhưng tổn thương nghiêm trọng nhất em từng trải qua là việc em bị một nhóm con trai cưỡng hiếp và đánh đập khi em đang đi lang thang trên đường phố Hà Nội.
Vụ này được xét xử tại tòa và tòa tuyên án bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho gia đình Long. Tuy nhiên, cho đến giờ gia đình em chỉ nhận được 1/10 số tiền phạt mà tòa tuyên án. Khoản tiền ít ỏi này không thể giúp em thoát khỏi tổn thương và hồi phục, thậm chí còn làm tình trạng tồi tệ hơn vì hàng xóm láng giềng nghĩ rằng gia đình Long, nhờ vào việc bán dâm của con gái, đã nhận được một khoản bồi thường lớn và trở nên giàu có.
Gia đình Long trở thành chủ đề bàn tán của cộng đồng. Đó là lý do vì sao khi bố mẹ biết tin Long có thai, họ lại giận dữ, thất vọng nhưng không thể nói ra vì sợ mọi người phát hiện ra và sẽ càng bàn tán về gia đình mình...
Tháng 3/2016, Hagar đón chào sự ra đời của bé Mon con của Long. Giờ đây, Long đã phần nào quên đi những nỗi đau trong quá khứ để toàn tâm toàn ý nuôi con với niềm hi vọng rằng con gái lớn lên sẽ không phải chịu thiệt thòi như mẹ. Lần đầu tiên bế con trong lòng, Long tâm sự: “Khi ôm con trong lòng, ngắm giấc ngủ bình yên của con, em vui và cảm thấy hạnh phúc”.
Tiên đạp xe đi học. |
Trốn khỏi xứ người và những giọt nước mắt ở chính nơi quê nhà
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ li dị từ sớm, Tiên sống với nhà nội và không nhận được nhiều tình thương yêu từ cha mẹ mà một đứa trẻ bình thường cần có. Tiên bị một nhóm người Việt lừa bán sang Trung Quốc lúc 16 tuổi.
Tại Trung Quốc, Tiên đã phải làm vợ của ba người đàn ông Trung Quốc khác nhau. Gần 2 năm sau, Tiên bỏ trốn thành công về Việt Nam nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô không thể tiếp tục đi học dù trước đây Tiên học giỏi và rất thích đi học. Thay vào đó, Tiên phải làm việc tại quán cà phê của chú để kiếm tiền.
Cứ ngỡ mọi chuyện cuối cùng đã tốt đẹp khi có thể trốn về Việt Nam, nhưng Tiên kinh ngạc khi nhận ra hàng xóm láng giềng, những người quen biết Tiên bắt đầu lảng tránh và hắt hủi Tiên. Họ xì xào bàn tán về cô và nhìn cô bằng ánh mắt dè chừng. Tiên vô cùng sợ hãi, trở nên tự ti và không dám nhìn vào mắt người khác mỗi khi ra ngoài. Tiên từng nghĩ đến việc tự tử khi phải đối diện với sự kì thị từ chính cộng đồng. Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã giới thiệu trường hợp của Tiên đến Hagar. Tại đây, Tiên được nhận dịch vụ hỗ trợ về chỗ ở an toàn, chăm sóc sức khỏe, kĩ năng sống và định hướng nghề nghiệp.
Sau quá trình phục hồi và được sự tư vấn của các cán bộ xã hội, Tiên đã cởi mở hơn và bộc lộ ước muốn của mình là được quay trở lại trường học. Hiện giờ Tiên đang theo học lớp 9 tại một trường trung học ở Hà Nội. Việc đi học trở lại sau một thời gian dài xa trường lớp với các bạn học nhỏ tuổi hơn mình không phải là một điều dễ dàng với Tiên. Thế nhưng mặc cho tất cả những thử thách đó, Tiên đang dần nỗ lực thực hiện được ước mơ của mình là một ngày nào đó sẽ trở thành một cán bộ xã hội để có thể quay trở về quê hương và giúp đỡ những người gặp phải hoàn cảnh như Tiên từng trải qua.
Giới thiệu bức tranh mình vẽ trong một buổi trị liệu nghệ thuật với hình ảnh những vách đá tượng trưng cho những khó khăn, chông gai trong cuộc sống mà Tiên đã, sẽ trải qua và ba chiếc thuyền buồm tạo thành một khuôn mặt cười để nhắc nhở rằng dù có khó khăn đến đâu thì cũng luôn nhớ phải nở nụ cười, Tiên cho biết: “Trước đây em luôn tự trách bản thân mình đã không cẩn thận để bản thân bị mua bán. Em cũng trách đời vì tại sao em lại kém may mắn đến thế. Nhưng giờ em nhận ra rằng thật ra mỗi người một hoàn cảnh, có nhiều người khó khăn còn chưa được trợ giúp như mình, rằng mình vẫn thật may mắn”...
Những bức tranh lau khô nước mắt
Long và Tiên là hai trong hơn 300 trường hợp phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng từ mua bán người, bạo lực gia đình và xâm hại tình dục thông qua các dịch vụ toàn diện và lâu dài bao gồm: nhà ở an toàn, tham vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, y tế, giáo dục, đào tạo nghề... mà Hagar đã hỗ trợ trực tiếp để vượt qua khủng hoảng và tái hòa nhập thành công từ năm 2009 đến nay. Hagar là tổ chức quốc tế được thành lập tại Campuchia năm 1994, sau đó mở rộng hoạt động sang Việt Nam năm 2009.
Chiều nay - 9/1 buổi triển lãm mang tên “Nảy mầm từ tàn tro” khai mạc vào lúc 17h và kéo dài đến hết ngày 14/1/2017 tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, 49 Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên, Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam tổ chức triển lãm về phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Triển lãm tập hợp tranh chân dung tự họa do chính phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, mua bán thực hiện thông qua hoạt động trị liệu nghệ thuật để minh chứng cho sứ mệnh của Hagar là luôn đồng hành với các chị em phụ nữ trong toàn bộ quá trình phục hồi sau những tổn thương do mua bán người, bạo lực gia đình và xâm hại tình dục gây ra.