Bi kịch từ “chuẩn mực”
“Con gái là con người ta”; “Đàn bà xây tổ ấm” ;” Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”– đó là những câu đúc kết xưa và đến nay vẫn còn nguyên giá trị với không ít gia đình Việt Nam. Hay nói cách khác, rất nhiều gia đình Việt xem đó nhưng là chuẩn mực văn hóa, chuẩn mực xã hội để điều chỉnh gia đình mình. Và cũng từ đây, không ít những câu chuyện đau lòng đã xảy ra.
Từ chối tiền mừng vì “con gái là con người ta” - đó là phong tục tại nhiều xóm chài ở Nghệ An. Theo thông tin từ báo chí, xóm Kim Liên, xã Diễn Kim, Nghệ An có gần 100% hộ gia đình duy trì phong tục này vì nhiều người cho rằng trước cha ông từng dạy, vì con gái khi đi lấy chồng là mất con, mất họ nên nhà gái không lấy quà mừng. Trong khi đó, con trai lấy vợ là được thêm người, thêm của nên nhà trai được phép lấy tiền mừng của mọi người.
Luật tục này tồn tại từ nhiều đời nay đã vô tình làm nhiều gia đình có con gái rơi vào tình trạng khó khăn hơn về kinh tế, cũng như khoét sâu thêm sự bất bình đẳng nam nữ tại các vùng quê. Ở một câu chuyện khác, một cô gái đi lấy chồng cô luôn bị chồng bạo hành, đánh đập, nhưng mẹ cô không cho phép trở về quê hương vì “con gái là con người ta”, dù cô đã nhiều lần cầu xin do không chịu nổi sự ngược đãi. Bản thân người mẹ của cô gái, lúc còn trẻ chồng mất sớm vì bệnh tật, cũng đã cầu xin cha mẹ mình cho về quê ngoại để kiếm sống nuôi con, nhưng tất cả những gì nhận được là cái lắc đầu bởi “con gái là con người ta, con gái gả đi lấy chồng là đi hẳn, quay về xóm làng dị nghị”.
“Công việc của tôi là tuyên truyền và đấu tranh cho bình đẳng giới, nhưng khi về với chính ngôi nhà của mình thì tôi đành gạt nước mắt chấp nhận” – đó là lời chia sẻ rất thật của một cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Theo lời chị kể, gia đình chị có hai cô con gái và theo quy định chồng chị không được phép ghi tên con mình vào gia phả dù anh là trưởng tộc, áp lực phải đẻ con trai để thờ cúng tổ tiên vẫn ngày ngày ám ảnh gia đình chị. Cũng vì áp lực này và vì quan niệm “con gái không được thờ cúng tổ tiên” mà có người phụ nữ ở vùng núi Kỳ Sơn – Nghệ An đã bị chính chồng mình đấm đá liên tục vào bụng để thai nhi gái chết ngay trong bụng; nhiều phụ nữ phải đẻ bằng được con trai cho chồng…
Không hiệu quả vì lấy văn hóa… phạt bạo lực
Tại hội thảo chia sẻ kết quả rà soát việc thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi như vậy khi nghe TS. Nguyễn Văn Cương – Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn trình bày về khía cạnh này. Theo TS. Nguyễn Văn Cương, trong lời văn của Luật PCBLGĐ và trong những sáng kiến triển khai luật, văn hóa gia đình Việt Nam luôn được xem là giải pháp cho vấn đề BLGĐ mà chưa lưu ý rằng có một số chuẩn mực văn hóa hoặc chuẩn mực xã hội có thể là nguyên nhân gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng BLGĐ.
“Việc nhấn mạnh quá mức tới giá trị văn hóa gia đình trong quy định của Luật PCBLGĐ, cũng như trong các nỗ lực thực thi đã có tác dụng ngoài mong muốn là góp phần duy trì vai trò giới chưa phù hợp, duy trì sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng. Văn hóa gia đình được đề cao như là giải pháp cho vấn đề BLGĐ thay cho cách tiếp cận đề cao việc trừng phạt thủ phạm gây ra BLGĐ làm giảm tính tương thích của luật với các chuẩn mực quốc tế và khu vực về quyền con người, cũng như làm giảm tính tương thích với các đạo luật khác trong hệ thống quốc luật bao gồm cả Hiến pháp 2013” – theo TS. Nguyễn Văn Cương.
Cùng quan điểm này, TS. Bùi Thanh Thủy – Trưởng Khoa Gia đình và công tác xã hội – Đại học Văn hóa cho biết, mặc dù nhiều sinh viên hiện nay vẫn có quan niệm rất cổ hủ về vai trò phụ nữ trong gia đình. Quan niệm này xuyên suốt qua nhiều thế hệ, như một thứ văn hóa gia đình, ăn sâu bám rễ rất chắc, khó thay đổi.
Được biết, Luật PCBLGĐ dự kiến sẽ được Bộ VH-TT&DL xem xét sửa đổi vào năm 2017. Hy vọng, trong lần sửa đổi này, những tác dụng ngoài mong muốn của việc nhấn mạnh quá mức tới giá trị văn hóa gia đình trong quy định của luật sẽ được lưu tâm.