Cuộc đời lẻ bóng của người đàn bà làm bạn với... hài cốt

Cuộc đời lẻ bóng của người đàn bà làm bạn với... hài cốt
(PLO) - Đến thôn Đại Cầu, xã Tiên Tân (Duy Tiên, Hà Nam), chỉ cần hỏi chị “Bình hài cốt”, sẽ được người dân địa phương chỉ dẫn tận tình. Ngôi nhà ngói tuềnh toàng, cũ kỹ nép mình tận phía cuối làng đứng trầm lặng y như cái nghề bốc mộ, vớt xác, khâm liệm người xấu số, và cuộc đời lẻ bóng của chủ nhân vậy.
Vớt xác, khâm liệm người “chết đường, chết chợ”
Người phụ nữ làm nghề “không giống ai” ấy khá cao lớn và vâm váp, từ nhỏ đã làm bạn với… hài cốt, bởi cái nghiệp cha truyền con nối. Lần đầu, ở sông Nhuệ gần nhà chị có người chết đuối, thấy mọi người gọi, chị liền ra vớt giúp. Thành quen, hễ có người bị tai nạn trên “đường một” hay xác trôi sông Nhuệ, sông Đáy đoạn qua Hà Nam này, người ta lại gọi chị… Từ đó tới nay, chị chẳng nhớ nổi là mình đã vớt bao nhiêu người chết như thế. 
Có người chết gần một tuần, đang trong quá trình phân hủy, người bình thường chỉ nhìn cũng rùng mình, ớn lạnh nhưng chị vẫn không nề hà, làm vệ sinh rồi khâm liệm xác. Ngay gần xóm chị, có bà cụ sống một mình, chết trong nhà lúc nào không hay. Khi được phát hiện, thi thể người xấu số đã bị phân hủy nặng, con cháu và người làng không dám đến gần, chị vẫn xắn tay áo, tận tình làm vệ sinh rồi khâm liệm với suy nghĩ để bà cụ ra đi đỡ “tủi thân”…
Những vụ tai nạn trên đường, cán bộ pháp y cũng  gọi chị Bình đến, nhờ khâm liệm nạn nhân. Dù đêm hôm, hễ nhìn thấy dáng người “kềnh càng”, đi như đàn ông là cán bộ pháp y nhận ra chị. Họ thường gọi chị là “trợ thủ” của pháp y. Khi vớt xác người trôi sông, liệm cho người chết do tai nạn, giúp pháp y, chị không đòi hỏi tiền công. Người nhà nạn nhân đưa bao nhiêu tiền chị cầm bấy nhiêu, không đưa thì chị làm phúc. Nhiều người biết đến chị nên dù ở các tỉnh xa như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên cũng nhờ chị đến làm công việc sửa sang cho người chết. 
Bốc mộ từ thuở… 13
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ năm 13-14 tuổi chị đã theo cha đi làm mọi việc từ đồng áng, cuốc mướn đến bốc mộ. Cha chị vốn là người chuyên bốc mộ trong vùng nên nhà nào có việc cũng tìm đến ông. Nhiều lần theo phụ giúp cho cha nên chị cũng biết được quy trình bốc mộ là như thế nào. 
Và cũng thật lạ lùng, từ thời bé tẹo đi theo cha đó, chị đã không hề biết sợ… ma. Vậy nên, sau này có lần đi bốc mộ cho một gia đình ở Đồng Văn, do tới sớm, chị ra thẳng nghĩa địa đợi. Ngồi dưới đất ướt át, sương sớm khó chịu nên chị leo lên cây, phe phẩy cành lá, đợi người nhà gia chủ ra. Lúc sau, gia chủ ra, nhìn thấy từ xa, chị chưa kịp gọi, cứ tưởng ma, hò nhau chạy, ngã lên ngã xuống.
Chị còn nhớ như in lần đầu tiên khi bố dặn sang làng Lão Cầu, bốc mộ cho nhà người ta vào lúc 2 giờ sáng. Bố chị đi từ chiều, dặn chị cứ tới giờ, ra chờ sẵn ông ở mộ. Hôm đó trời cuối năm mưa phùn, rét buốt nên chị vừa mặc áo mưa, quần xắn cao tới gối, vừa xách đèn đi bộ, băng qua cánh đồng rộng mênh mông, heo hút. 
Vừa ra tới nơi, chị thấy bố đi uống rượu ở đâu ngã ngay xuống cái mộ vừa được đào lên lúc chiều. Cuống quá, chị vội vứt dép, nhảy xuống hố lôi ông lên bờ. Gia chủ lo không ai làm tiếp, người nọ nói người kia là thuê phải “ông nát rượu”. Chị liền nhận: “ Tôi làm được” nhưng gia chủ vẫn không tin tưởng.
Oái oăm thay, ca đầu tiên nhập môn ấy lại là ca khó. Khi mở nắp áo quan ra, tử thi nằm trong da thịt chưa phân hủy hết. Chị phải nhớ lại xem cha đã “ róc thịt, róc xương” ra sao để làm. Người nhà ở trên thì cuống quýt khóc lóc sốt hết cả ruột, họ đi gọi người khác tới làm. 
Hồi đó, chưa có điện thoại di động như bây giờ, nên khi họ gọi được người khác tới làm thay thì chị cũng đã cho bộ hài cốt sạch sẽ, ngay ngắn vào tiểu sành. Nếu một ca bốc mộ thông thường chỉ mất một tiếng thì những ca khó như mộ kết, chưa phân hủy thế này phải mất tới ba giờ. 
Từ bấy tới nay, hàng năm cứ vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch là “vào mùa” bốc mộ, có ngày 7-8 ca, chị “chạy sô” không kịp. Vừa xong nhà nọ, chưa kịp nghỉ ngơi, lại có người nhà khác tới đón. Những ngày cuối năm bận rộn, chị làm nhiều, riêng ngửi hương khói nghi ngút cũng đã “u đầu”. 
Việc bốc mộ thường tiến hành vào ban đêm, thông thường diễn ra lúc 1h -2h đêm và kết thúc trước khi trời sáng. Trời lạnh thấu xương, chị vẫn mò mẫm dưới mộ, vì sợ sơ ý có thể để xót chiếc xương nào. Bây giờ chỉ cần nhìn qua là chị có thể biết được người đã khuất còn thiếu đốt xương nào, dù cuối năm bận rộn, nhưng đám nào chị cũng đều chu đáo, tỉ mỉ nên chị làm không xuể.
Vừa kiếm sống, vừa tích đức
Sau gần 30 năm bốc mộ, do thường xuyên phải thức đêm và tiếp xúc nhiều với tử khí nên sức khỏe chị ngày một yếu đi. Nhưng chị vẫn tâm niệm: còn sức khỏe ngày nào thì còn đi làm vì mọi người đến nhờ, mình không giúp thì thấy áy náy. Tiền kiếm được từ việc bốc mộ chỉ đủ cho chị trang trải cuộc sống, chưa thể bù đắp tổn hại cho sức khỏe. 
Trước đây,  không ít người kỳ thị, xa lánh những người làm nghề bốc mộ. Cha chị luôn căn dặn các con rằng đây là làm nghề, nhưng cũng là làm phúc cho thiên hạ. Bởi nếu làm tốt thì mình sẽ tạo phúc cho gia đình người ta, cũng là tích đức cho con cháu nhà mình. Chỉ cần để sót lại một chiếc xương, hay một chiếc răng cũng là mắc tội lớn với người đã khuất và người còn sống.
Cũng chính vì theo nghiệp cha mà duyên phận của người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu này khó được theo lẽ thường. Bởi đàn ông theo nghề này đã khó lấy vợ, huống chi chị là phận nữ nhi. Thế nhưng, với khát khao làm mẹ, thời trẻ chị cũng đã từng chung sống với một người đàn ông nhưng khi cái thai trong bụng chị được 6 tháng thì anh ta bỏ đi không tung tích. Con gái chị giờ đã đi lấy chồng ở Thủy Nguyên, Hải Phòng và chị đã lên chức bà ngoại. Đối với chị, nghĩa tử là nghĩa tận nên chị luôn hết lòng tận tụy .

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.