Không họ, không tên, không gia đình, không người thân thích, không quê quán và không biết mình là ai... - đó là số phận chung của những bệnh nhân tâm thần ở Trung tâm Nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần Thủ Đức, TP.HCM. Những cái tên được khai từ người tâm thần khó ai tin nổi.
Có người lúc khai tên, tuổi, quê quán ở nơi này, nhưng có lúc lại khai khác... Có người khai nhiều lần nhưng không lần nào trùng khớp nhau. Nhiều người hoàn toàn không nói được, không biết mình ở đâu. Khi các nhân viên hoặc khách hỏi, họ chỉ biết cười, khóc, có người lại vùng lên xửng cồ quát tháo, chửi mắng té tát vào mặt người hỏi. Có bệnh nhân còn khạc cả đờm, nhảy xổ, rượt đuổi đánh, đấm nhân viên tán loạn...
Những người “tự do” không ký ức
Khoa A- C là hai khoa dành cho nữ với khoảng 300 bệnh nhân. Có thể nói họ là những người “tự do” nhất, tự do nói năng không ngần ngại; tự do đi lại; tự do ôm ấp, sờ mó, choàng cổ; tự do tắm giặt; tự do lột hết quần áo; tự do chạy nhảy, hét hò, khóc lóc và cả tự do phá phách bất cứ thứ gì mà họ muốn.
Chúng tôi đang ngồi trò chuyện với các nhân viên thì có bệnh nhân nữ còn rất trẻ xồng xộc chạy vào la toáng lên rồi nhe răng cười khanh khách, quỳ xuống mà mồm liên tục kêu lên: “Cô ơi, con B đánh mấy người rồi cô ơi”. Nói xong, kêu xong, cô gái ngửa mặt cười khoái chí, bước đi ngật ngưỡng. Cứ liên tục như vậy một hồi dài, ai cũng thấy xót xa vì gương mặt bệnh nhân này xinh xắn, trắng trẻo.
“Nó là đứa trẻ nhất trong khoa, nó vào trại lúc mới 16 tuổi. Nó ở Bến Tre, nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ đi bán vé số, bỏ nó ở quán Internet chơi game, nhưng không hiểu sao nó bị như vậy…”- chị Nguyễn Thị Phượng- Trưởng khoa C cho biết.
Một bệnh nhân lên cơn đang la hét, chửi bới inh ỏi. Ảnh Hoàng Quý |
Chị Phượng tâm sự: “Họ rất đáng thương. Nhiều trường hợp rất thương tâm, có cô gái tên T ở ngoài Bắc cùng chồng qua nước ngoài thực tập. T có bầu được bảy tháng thì về nước nghỉ đẻ. Tuy nhiên, mới về được mấy hôm thì cô ta phát hiện chồng mình có bồ nên uất ức khiến sẩy thai và điên loạn. Mỗi khi lên cơn, cô ấy lại đập đầu, xé hết quần áo để thắt cổ khiến ai cũng rơi nước mắt.
Có lần đang ăn cơm thì những bệnh nhân khác kêu toáng lên báo rằng T tự tử. Chúng tôi lập tức bỏ bát chạy xuống thì thấy hai bệnh nhân khác đang cứu T, nhưng do những bệnh nhân này không nhận thức được nên họ làm ngược lại, càng làm cho dây siết chặt cổ hơn. Sau nhiều lần tự tử, cuối cùng T cũng đã ra đi vào một đêm khuya bằng sợi giây mùng…” - chị Phượng vừa kể vừa rơi nước mắt.
Cán bộ quản lý bị đánh như cơm bữa
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đang diễn ra thì có tiếng bước chân huỳnh huỵch và tiếng cười nói, hát hò đột nhiên vang lên. Trước mắt chúng tôi là một cô gái khoảng 30 tuổi, đầu đinh, to bự, trần như nhộng đang lừ lừ tiến đến. Cô gái vừa chửi, vừa đạp chân vào hàng rào thép, đưa tay lên chỉ vào mặt chúng tôi và cười khoái chí. Hết cơn chửi, cô gái bắt đầu màn “khủng bố”.
Với vóc dáng hộ pháp, cô gái đá, đấm, vật những người xung quanh ngã xuống nền nhà như trời giáng. Nhân viên khôn khéo động viên tâm lý và nhờ lực lượng nam to khỏe ở khoa khác tới trói cô lại thì sự việc mới được yên.
Rời khoa C, chúng tôi đi về phía khoa B có trên 200 bệnh nhân nam. Mấy trăm con người nằm la liệt khắp mọi nơi, từ ngoài hành lang cho tới cả bể nước. Họ trần truồng tắm, dội ào ào. Tắm đó rồi ngang nhiên tè đó. Khi chúng tôi đang trò chuyện với một bệnh nhân thì rất nhiều người tiến lại giơ tay lên chào theo kiểu quân đội rồi hát, múa máy chân tay và cười sảng khoái, nháy mắt ra hiệu cho chúng tôi ghi hình.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, cán bộ nhiều năm chăm sóc bệnh nhân cho hay: “Vào những ngày nắng nóng thì họ loạn cả lên. Cách đây không lâu, chính tôi bị bệnh nhân lao ra đánh đấm gãy xương gò má, phải nhập viện mấy tuần. Bệnh nhân “tặng” đấm đá cho anh chị em ở đây thường xuyên như cơm bữa. Còn chuyện... ôm hôn thắm thiết thì khỏi phải nói”.
Tâm thần nhưng ranh ma, lắt léo
Nghe cán bộ, nhân viên Trung tâm kể về những câu chuyện cười ra nước mắt từ những bệnh nhân tâm thần mà ai nấy đều thấy xót xa. Mỗi khi lên cơn kích động, có người hò hát, nhảy múa thâu đêm suốt sáng. Người này dựng người kia lên cùng nhảy như những... dàn nhạc Pop hay cùng nhau khóc om xòm như gia đình có đám tang.
Chị Phượng kể thêm: “Có hôm các bệnh nhân được xem là tỉnh táo nhất đang lao động nhặt cỏ bỗng dưng đứng phắt dậy, ba bốn người chạy một mạch ra tường rào trèo lên cổ vũ nhau vượt ra ngoài đường phố, làm cho nhân viên một phen hú vía, mỗi người một xe, chạy ra tìm kiếm.
Nhưng bệnh nhân tâm thần nhiều lúc cũng “lắm chiêu lắm”, họ cởi đồ trung tâm ra, trốn ở nghĩa địa… khiến công việc tìm kiếm rất khó khăn. Có bệnh nhân sau khi đi ngoài đã lấy phân bôi khắp mặt mày, thân mình và nhiều bệnh nhân khác. Nhân viên phải tắm cho người đó cả ngày mà vẫn chưa hết. Hôm sau, bệnh nhân này lại tiếp tục kịch bản đó lần nữa”.
Chị Phượng đã gắn bó với hàng trăm bệnh nhân tâm thần mấy chục năm qua. Ảnh Hoàng Quý |
Các bệnh nhân ở đây sợ nhất là xích. Một bệnh nhân bị xích chửi chúng tôi hết lời khi hỏi vì sao chị bị xích: “Nhà báo, tao sợ c... gì. Công an tao còn không sợ nữa là... Hôm trước tao đánh mấy thằng công an chảy máu mũi mà sướng tay ghê...”. Chửi được một lúc, chị ta ngồi khóc nức nở.
Trong hơn một ngàn bệnh nhân ấy, chỉ gần 30% là có thân nhân đến thăm một vài lần, còn lại đều không có họ hàng. Ông Bùi Văn Xây - Giám đốc Trung tâm tâm sự: “Trong những năm gần đây, số bệnh nhân tâm thần không ngừng tăng. Những tháng mùa nắng nóng này, có ngày chúng tôi tiếp nhận bốn đến năm ca bệnh. Xã hội càng phát triển thì bệnh nhân tâm thần càng gia tăng.
nhân dẫn tới bệnh này do rất nhiều yếu tố, trong đó những áp lực của cuộc sống, có thể là những bất trắc trong tình yêu, bần cùng trong cuộc sống, ngược đãi trong gia đình... Mong sao mọi người hãy sống vui vẻ, hòa đồng và sống tích cực để tâm hồn luôn thanh thản, ổn định…”./.