Nhờ sự mai mối, chị Huỳnh Thị Loan Em và anh Phạm Thanh Vinh đến với nhau trong sự chúc phúc của mọi người. Năm 2009 cả hai có cái đám cưới nho nhỏ có sự chứng kiến của họ hàng hai bên. Không lâu sau, họ sinh được cô công chúa kháu khỉnh có tên Phạm Huỳnh Nhi (SN 2010). Thời gian đầu do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên 2 vợ chồng khăn gói lên TP HCM lập nghiệp, giao con lại cho nhà nội nuôi dạy.
Cuộc sống hôn nhân hạnh phúc không được bao lâu thì cả hai nảy sinh mâu thuẫn do vợ chồng bất đồng quan điểm. Nhận thấy mâu thuẫn không thể giải quyết nên anh Vinh đâm đơn ly hôn. Nhiều lần hòa giải không thành, ngày 10/3/2016, TAND quận Thốt Nốt thuận tình cho vợ chồng anh Vinh ly hôn. Theo đó, anh Vinh được quyền nuôi con, chị Em không cần phải cấp dưỡng, chị có quyền thăm nuôi con không ai được ngăn cản.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, chị Em làm đơn kháng cáo giành quyền nuôi con. Phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 11/7 tại TAND TP Cần Thơ. Tại phiên tòa, chị Em cho biết nguyên nhân dẫn đến vợ chồng chia đôi ngả là do anh Vinh có mối quan hệ bất chính, có thời gian anh Vinh bỏ chị bơ vơ giữa Sài Gòn suốt 3 tháng trời. Vì thương con nên chị nhẫn nhục chịu đựng, khuyên nhủ chồng quay về nhưng đành bất lực. Đến khoảng đầu năm 2015, vợ chồng bắt đầu sống ly thân, cháu Nhi được bên nội chăm sóc. Đến khoảng đầu năm 2016, cháu Nhi được chị rước về chăm sóc đến hôm nay. Cho rằng anh Vinh có nhân tình bên ngoài từ trước, sớm muộn gì cũng sẽ cưới vợ mới, con chị sẽ bị hắt hủi nên muốn đem con về chăm sóc.
Trước những lời buộc tội của chị Em, anh Vinh phủ nhận tất cả, cho rằng mình không có quan hệ ngoài luồng, cũng quyết giành nuôi con đến cùng. Vinh lập luận rằng ngay từ nhỏ cháu Nhi đã được bên nội chăm sóc rất tốt nên giao cho bên nội nuôi dưỡng là vô cùng hợp lý.
Cuộc chiến giành quyền nuôi con diễn ra ngày càng quyết liệt, ai cũng cho rằng mình thương con, đủ tư cách và khả năng tài chính để chăm sóc con chu đáo. Từng người một liệt kê rõ ràng, chi tiết của cải vật chất, lương bổng chứng minh “thực lực” của mình. Người chồng bảo mình làm lương tháng được 10 triệu, cháu về sẽ được bà nội chăm sóc tốt. Người vợ cũng chứng minh thu nhập của mình được 6 triệu/tháng đủ sức nuôi con, cháu về sẽ được bên ngoại chăm sóc. Ai cũng mạnh miệng khẳng định mình không đi bước nữa, nếu được quyền nuôi con sẽ bỏ công việc ở Sài Gòn về quê làm để tiện chăm sóc con.
Trước thái độ gay gắt của hai bên, vị chủ tọa lên tiếng: “Từ trước tới giờ 2 người đã nuôi con ngày nào chưa hay chỉ giao lại cho nội, ngoại nuôi. Làm cha mẹ phải có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng con cái chứ không phải giành về rồi phó mặc cho cha mẹ chăm sóc”.
Nghe đến đây cả hai cúi mặt lặng thinh. Phiên tòa ngày càng nóng lên với cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai bên nội, ngoại. Hai bên không ngại buông ra những lời mạt sát nhau.
Bà nội cháu bé vẫn khăng khăng muốn giữ quyền trực tiếp nuôi cháu. Bà cho rằng gia đình bà chăm sóc cho cháu tốt hơn. “Cháu ở bên nội được ăn học đàng hoàng, còn ở bên ngoại phải theo ngoại đi mót khoai suốt ngày, bị bỏ đói, lại không được đi học, tôi thấy xót lắm".
Đáp lại, bà ngoại cháu cho rằng bên nội vu khống, bà trông cháu, bà đi đâu cháu phải theo đó sao có thể bỏ cháu ở nhà một mình được. Còn việc học hành của cháu là do gia đình bên nội cố tình giấu, không cung cấp giấy khai sinh nên không thể làm hồ sơ nhập học được, lỗi là do bên nội. Cứ thế mỗi bên lần lượt đưa ra những lý do “hợp lý” nhất để bảo vệ quan điểm của mình.
Phiên tòa kéo dài trong sự tranh cãi nảy lửa của hai bên, ai cũng lấy lý do thương con, thương cháu để giành quyền nuôi dưỡng về mình. Việc phân định có lẽ sẽ dễ dàng hơn đối với HĐXX nếu “tài sản chung” ở đây không phải là một đứa trẻ.
Sau khi xem xét, cân nhắc, HĐXX đã quyết định sửa bản án sơ thẩm, thay đổi quyền nuôi con, giao bé Nhi lại cho chị Em tiếp tục chăm sóc. Tòa giải thích, mặc dù cháu được bên nội chăm sóc tới lớn nhưng trước khi ly hôn đến nay cháu đã sống với mẹ đã quen, nếu lại thay đổi người chăm sóc sẽ làm xáo trộn cuộc sống của cháu lần nữa. Hơn nữa, cháu Nhi là bé gái và ngày càng lớn nên việc giao cháu cho mẹ chăm sóc sẽ hợp lý hơn. Phiên tòa kết thúc trong sự vui mừng, háo hức của chị Em, còn chồng và mẹ chồng cũ mặt đầy hậm hực bước nhanh khỏi tòa nhưng không quên trao cho chị Em và gia đình chị ánh mắt hình viên đạn.