Ngôi nhà của cụ ông Hà Cừu nằm đơn độc bên dòng sông nhưng không lúc nào vắng bóng người ra vào. Họ đến đây không chỉ để hỏi thăm sức khỏe của cụ ông cao tuổi nhất trong làng mà còn đến để được nghe cụ kể chuyện về những tích xưa, người xưa của làng mình. Người dân Phong Ngũ Tây vẫn thường ví von gọi cụ là “từ điển” của làng.
Gặp chúng tôi, cụ Cừu kể: gia đình cụ có 4 anh em nhưng ai nấy đều bình thường, chỉ có riêng cụ không hiểu vì sao khi cao đến 1,1m thì không phát triển thêm được nữa. “Thời đó, nhà cụ Cừu nghèo lắm. Chuyện đi học đối với làng này đã khó huống gì chuyện của nhà cụ. Thành ra, cụ không biết chữ.” – một người hàng xóm cho hay.
Cụ cười bảo rằng: “Thấp bé thế này cũng có cái lợi. Nhớ hồi trước vùng này giặc Pháp chiếm đóng, tất cả thanh niên trong làng đều bị bắt đi lính, còn riêng tôi không đủ chiều cao nên được ở nhà. Ngoài quán xuyến mọi chuyện sinh hoạt và đồng áng, tôi còn đi chăn trâu thuê, ở đợ cho người ta”.
Thời đó, những lúc rảnh, cụ thường ra đình làng nghe người dân hát Bài Chòi (loại hình văn nghệ dân gian truyền thống Quảng Nam). Tuy không được đi học, không biết chữ nhưng cụ lại có một trí nhớ lạ lùng. Mỗi câu hát Bài Chòi, cụ chỉ cần nghe qua một lần là nhớ và hát lại vanh vách, không sai một từ.
Cụ bật mí: “Chính nhờ trí nhớ này mà tôi lấy được hai bà vợ. Hồi đó, các cặp đôi tìm đến với nhau là qua những câu hát Bài Chòi rồi nên duyên vợ chồng. Rồi nhờ thuộc và hát được Bài Chòi, tôi đã may mắn phải lòng người cha vợ (vợ trước)”.
Lấy vợ được một thời gian và có với nhau được một người con trai thì vợ cụ mắc bệnh qua đời. Sau lần ấy, cụ buồn chán nên đêm đêm hay ra làng hát Bài Chòi. Biệt tài hát Bài Chòi của cụ cả làng trên, xóm dưới đều biết. Cụ lại lọt vào “mắt xanh” của một thiếu nữ trong làng (vợ hai), rồi cũng se duyên vợ chồng với một mái ấm 5 người con (2 trai, 3 gái).
Tiếp chúng tôi, cụ Hà Tung (90 tuổi, cháu họ của cụ Cừu) kể rằng: “Chú tôi (tức cụ Cừu) năm nay đã 100 tuổi nhưng trí nhớ không ai sánh bằng. Nhiều chuyện xảy ra trước đây tôi không còn nhớ rõ nữa nhưng chú ấy nhớ như in. Chú ấy nhớ hết thảy người trong làng, từ lớn đến nhỏ. Nhiều khi chỉ cần nghe giọng thôi, chú ấy cũng có thể biết đó là ai rồi”.
Cụ Hà Cừu năm nay đã tròn 100 tuổi nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai, trí tuệ minh mẫn, sáng suốt. |
Không biết chữ, nhưng vẫn nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ
Sau khi cưới vợ hai, có con cái, nhưng dường như áp lực cuộc sống và khoản thu nhập từ nghề chăn trâu thuê ở quê không thể nào trang trải đủ nên cụ quyết định vào Đà Lạt chăm bò sữa thuê cho một trang trại của ông chủ người Pháp kiếm tiền. Công việc hàng ngày của cụ là xúc phân bò đi đổ và vắt sữa. Thời gian rảnh rỗi, cụ còn xin vào đội xây dựng đường sắt của Pháp để kiếm thêm thu nhập.
Trong thời gian làm việc ở đây, cụ thường tiếp xúc với lính Pháp nên được tự nâng cao vốn tiếng Pháp. Chỉ một năm, cụ đã có thể tự giao tiếp thông thạo bằng tiếng Pháp.
Cụ kể rằng, ngày ấy nhờ nói và hiểu được tiếng Pháp nên những người Việt làm việc trong trang trại này đều nhờ cụ thông dịch mỗi lần lính Pháp tới nhắc nhở. “Lúc đó họ thấy tôi nhỏ bé mà đi làm công việc đào hầm qua núi xây dựng đường sắt thì bọn Pháp bảo tôi không đủ sức khỏe mà làm đâu. Tôi bảo lại cứ cho tôi thử một thời gian là biết. Sau đó chúng thấy tôi có thể làm việc ngang ngửa với người bình thường, thế là nhận tôi vào làm luôn”, cụ tâm sự.
Thân hình nhỏ con nhưng cụ hầu như rất hiếm khi đau ốm. Cụ nhớ, có lần làm ở Đà Lạt vào rừng cắt cỏ cho bò bị muỗi cắn đến sốt rét, nhưng chỉ 2-3 ngày sau là sức khỏe hồi phục.
“Sở dĩ tôi sống thọ là nhờ có chế độ ăn uống, sinh hoạt đều đặn thôi. Những thói quen hàng ngày, nhất là buổi sáng của tôi là uống cà phê. Tôi nghiện lắm. Thời làm ở Đà Lạt ngày nào cũng uống, giờ về già rồi cũng không bỏ được.”.
Cụ Cừu đã chia sẻ như vậy khi nói về bí quyết giúp mình sống trường thọ và trí óc minh mẫn khi đã bước qua tuổi 100.
Cháu nội cụ Hà Cừu, chị Hà Thị Linh (44 tuổi) chia sẻ: “Tất cả con, cháu, chút, chít… của nội bây giờ cũng cả trăm người rồi nhưng ai cũng quý nội cả. Có một điều lạ là nội thì thấp như thế nhưng con cháu không có ai thấp như nội cả. Người nào cũng cao lớn bình thường, đạt chiều cao 1,60 -1,70m hết cả. Đứa nào về nhà hay gọi điện thoại gì cũng hỏi thăm nội đầu tiên. Nội thương con cháu lắm nên đứa nào cũng quý.
Những lúc con cháu đi đâu thì không nói chứ mỗi lần về nhà quây quần bên nhau là nội lại nhắc nhở chúng tôi rằng anh em phải biết quý mến nhau, chăm chỉ lao động để có sức khỏe được như nội. Được như thế thì nội cũng cảm thấy vui vẻ mà sống thọ được để chứng kiến con cháu của mình thành đạt.
Nội bảo rằng chỉ cần sống thoải mái, vui vẻ, đừng nên vướng bận điều gì quá thì không suy nghĩ nhiều, sẽ sống thọ”.
Đã qua tuổi 100 nhưng cụ Cừu ngày ngày có thể đi bộ từ đầu thôn đến cuối thôn mà vẫn không thấy mệt. Cụ bảo rằng đi như thế vừa khỏe người, vừa thăm được bà con trong vùng nên rất thích đi. Cụ xem uống cà phê, đi bộ, hát Bài Chòi và đôi khi ôn lại vốn tiếng Pháp như là thói quen thường nhật của mình. Con cháu thấy cụ tuổi cao, khuyên cụ nên ở nhà chứ đi lại nhiều như thế lỡ xảy ra chuyện gì, nhưng cụ nhất quyết không chịu.
“Tôi còn khỏe thế này thì làm sao xảy ra chuyện gì được mà đứa nào cũng lo. Mà có xảy ra chuyện gì thì có bà con hàng xóm đó rồi còn sợ gì nữa chứ”, cụ cụ kết thúc câu chuyện bằng nụ cười hóm hỉnh./.