Giây phút sinh tử
Khoảng 12h30 ngày 15/12/2016, em Nguyễn Thị Thúy Hằng (19 tuổi, ngụ thôn Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, sinh viên năm 2 khoa Dược Trường cao đẳng Y tế Huế) trên đường đi học về nhà bằng xe máy.
Khi đi ngang qua nghĩa trang liệt sĩ xã Thủy Thanh, do nước lớn em Hằng đã ngã xuống sông Như Ý rồi bị nước cuốn trôi. Đúng lúc này, ông Nguyễn Thanh Phước đang ở trong nhà (cách nơi Hằng gặp nạn chừng 70 mét) vội lao thẳng xuống sông, bơi ngược dòng nước lũ cứu người.
Ba ngày sau sự việc, XLPL tìm về nhà “người hùng” cứu nữ sinh, xung quanh nhà ông Phước là một vùng nước trắng xóa, mênh mông. Rót chén trà mời khách, lão Phước từ tốn kể lại giây phút kinh hoàng, vật lộn với dòng nước lũ chảy xiết để cứu lấy người thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Bố mẹ của nữ sinh bị nước lũ cuốn trôi tại khu vực xảy ra sự việc |
Theo vợ chồng ông Phước, từ trước đến nay ông bà đã cứu khá nhiều người bị lũ cuốn trôi. Như năm 2000, có thanh niên ở thôn La Xá Bàu (xã Thủy Thanh) trượt chân, ông bà thời đó còn khỏe chạy ra cứu được liền.
Thanh niên này hiện sinh sống ở miền Nam nhưng mỗi lúc về quê đều ghé nhà ông bà để thăm. Năm 1999, ông bà cứu 1 lúc 4 thanh niên, năm 2005 cứu bà lão đang đi chợ. Người gặp nạn được cứu ai cũng cám ơn nhưng có trường hợp ông bà này nhớ mãi.
“Cách đây 2 năm, có một người đàn ông chừng 50 tuổi, đi xe máy bị ngã tại địa điểm cháu Hằng gặp nạn. Tôi lấy sào kéo ông ta lên rồi dựng xe dậy nhưng lại bị ông ta mắng “Đồ điên”. Có lẽ, lúc đó ông ta say rượu hoặc cố ý tìm đến cái chết”.
“Tôi càng đẩy vào trong thì nước càng đẩy ra, phải vật lộn gần 10 phút mới đưa được cô gái vào gần bờ. Lúc đó, chân tôi bị chuột rút, toàn thân rệu rã, mệt lử, sức đuối dần, gần như buông tay nhưng vẫn gắng”.Biết chồng mình đang vật lộn giữa dòng nước để cứu người và có thể bị chết đuối, bà Phan Thị Nguyệt (69 tuổi) cũng chèo thuyền ra sông, cầu cứu thêm người cứu trợ:
“Tôi vừa kêu vừa khóc vì sợ chồng mình cũng gặp nạn. Lúc này đường không có người đi lại, tôi chỉ biết la hét. Cũng may, khi đó có 4 thanh niên bẫy chuột đi ngang qua. Tôi cùng với cậu Dương Văn Tân (32 tuổi, thôn Vân Khê) chèo đò ra, hợp sức đưa cháu gái lên bờ”. Ông Phước và em Hằng lên bờ toàn thân họ tím tái vì lạnh. Cả hai sau đó được người dân sơ cứu, đốt lửa sưởi ấm rồi khỏe lại.
Vợ chồng ông Phước đều là cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ. Ông bà từng được nhận Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 3. Sau giải phóng, ông Phước là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thủy Thanh rồi làm bảo vệ trường cấp 2.
Hiện tại, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh thôn Thanh Tuyền. Vợ chồng ông có với nhau 5 người con, chị con gái đầu đã có chồng đang sinh sống ở miền Nam còn 4 con trai đều bị nhiễm chất độc da cam. Hai vợ chồng ông Phước chỉ biết trông vào đồng lương ít ỏi và vài sào ruộng, chăn nuôi thêm bò để có tiền nuôi con.
Trước lúc chia tay với khách, ông Phước tâm sự: “Tôi biết bơi từ nhỏ, tuy không giỏi nhưng với bản chất của anh lính cụ Hồ, dù tuổi đã cao, người chậm chạp nhưng vẫn gắng cứu người. Hôm xảy ra sự việc, 4 đứa con trai tôi đều có ở nhà nhưng có ai giúp gì được đâu. Đứa con trai út có mang sào ra sông. Tôi đưa tay ra cầm nhưng nó đâu biết kéo lên. Đưa sào xong, nó thả xuống rồi đi nơi khác”, ông kể lại tình huống “dở khóc dở cười”. Nhìn cảnh đôi vợ chồng già chăm sóc những người con tuổi đã lớn, khách không khỏi xót lòng.
Cô gái thoát chết tỏ lòng biết ơn ông Phước |
“Ông bà đã sinh con tôi thêm lần nữa”
Sức khỏe của cô sinh viên trường Y được ông Phước cứu sống đã ổn định, em vui vẻ trao đổi: “Hôm ấy trời lụt nhưng vì là buổi kết thúc học phần nên em vẫn gắng đến trường. Sáng ra em có mang áo quần theo định ở lại phòng trọ bạn nhưng đến trưa tan học, em thấy trời ngớt mưa, lại có bạn đi cùng nên quyết định về nhà.
Lúc đến gần nghĩa trang liệt sĩ xã Thủy Thanh, em chần chừ dừng xe lại gọi điện ba về đón nhưng có hai vợ chồng đi cùng hướng nói: “Đi đi. Không sao đâu”. Thế là em chạy tiếp. Đến nơi nước chảy xiết em không còn thấy đường, mất lái rồi bị cuốn trôi. Chỉ nhớ có một người lao ra lôi em vào, rồi sau đó em không còn biết gì nữa. Sau sự việc, bạn bè thầy cô đa phần đều cảm thông rồi động viên em rất nhiều”.
Điện thoại của Hằng bị hỏng, chiếc xe máy của em được vớt lên đang đi sửa. Gia đình em cũng khó khăn, có tới 7 anh chị em (5 gái, 2 trai), bố mẹ làm nông nghiệp. Bố mẹ nữ sinh này nhiều lần đến cám ơn cũng như mong được hậu tạ bằng tiền cho “người hùng” Phước nhưng ông không nhận, ông chỉ mấy lon bia để hai bên ngồi lại tâm sự, chuyện trò.
Nhìn đứa con may mắn được người tốt cứu, ông Nguyễn Viết Đài (62 tuổi) nói: “Khi Hằng trên đường từ trường về nhà, có điện thoại nói tôi đi đón. Vì cô con gái út này không biết bơi nên tôi đã chuẩn bị để đưa về. Nghe tin dữ từ người thân, tôi như chết lặng, chân nhấc không đi được nữa, toàn thân rụng rời. Nhìn thấy con mình được cứu sống, tôi thầm cảm ơn ông Phước, ông là ân nhân của cả gia đình tôi. Nếu không có ông bà, chắc bây giờ chúng tôi đang đi tìm xác của con gái rồi”.
Có mặt tại sông Như Ý nơi Hằng gặp nạn, mẹ của em (62 tuổi) chia sẻ: “Mấy hôm nay tôi rất vui vì con mình thoát chết, thậm chí không ngủ được. Người thân khắp nơi điện hỏi thăm khá nhiều, tôi chỉ muốn ôm con vào lòng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế trao thưởng cho ông Nguyễn Thanh Phước |
Tuy là thương nhưng vẫn mắng Hằng một trận vì cháu không cẩn thận, không ở lại thành phố hoặc chờ ba đưa về nhà khi nước lũ lớn. Vợ chồng ông Phước đã có tuổi, sức khỏe không được tốt nhưng vẫn gắng cứu người là điều hi hữu. Ông bà đã sinh con tôi thêm lần nữa. Tôi cũng có ý định để Hằng làm con nuôi của họ, coi như một ân tình, cái duyên trời định”.
Theo ông Nguyễn Mậu Hòa (Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh): “Khi nhận được tin có người bị đuối nước, đội xung kích của xã đã có mặt và kịp thời hỗ trợ sơ cấp cứu bước đầu cho người gặp nạn. Dù tuổi đã già, sức yếu nhưng ông Phước vẫn không ngại nguy hiểm để cứu người.
Đây là hành động rất đáng khen. Gia đình ông chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp người tàn tật của các con. Tuy khó khăn vậy, nhưng trong nhiều đợt lũ trước, ông bà cũng đã chèo đò đi cứu hàng xóm thoát khỏi nguy hiểm. Vì vậy, dân ở đây ai cũng quý mến đôi vợ chồng già này”.
Sáng 18/12, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Phương (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) đã đến thăm và trao tặng 2 triệu đồng cho ông Phước vì đã quả cảm cứu sinh viên Nguyễn Thị Thúy Hằng bị lũ cuốn trôi vào trưa 15/12.
Vị Phó Chủ tịch UBND này hoan nghênh tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, không ngại hy sinh của ông Phước để cứu người trong hoạn nạn. Đồng thời vị này cũng động viên gia đình ông Phước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. UBND tỉnh sẽ trao tặng bằng khen cho ông Phước sau.
Trước đó, UBND TX Hương Thủy trao tặng cho ông Phước 1 triệu đồng. Sắp đến, UBND xã Thủy Thanh dự định cũng sẽ tuyên dương và khen thưởng hành động quả cảm của ông. Ngoài ra, cấp trên cũng sẽ trang bị cho vợ chồng này áo phao, loa tay để lúc lũ lụt, ông bà dễ dàng cảnh báo cho người đi đường.