Độc quyền tại 15 quận, huyện
Cty TNHH MTV Sách – Thiết bị và xây dựng trường học là đơn vị độc quyền cung ứng sách giáo khoa tại 15 quận, huyện của Hà Nội. Ông Bùi Sỹ Hùng, Phó Tổng Giám đốc Cty này nói: “Đầu năm tài chính, Cty đã ký kết hợp đồng với Nhà Xuất bản Giáo dục. Tháng 3 hàng năm, Cty làm tờ trình gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Sau đó, Sở giao cho Cty chúng tôi là đơn vị độc quyền cung cấp sách giáo khoa và sách bổ trợ cho học sinh trên địa bàn thành phố”.
Tính đến thời điểm này, việc cung cấp sách đến các trường phục vụ năm học 2015 - 2016 đã hoàn thành với con số 8 triệu đầu sách, tương đương 70 tỷ đồng. Để duy trì được lượng khách hàng ổn định như vậy, ông Hùng không ngần ngại tiết lộ phương cách thu hút các Phòng Giáo dục và trường học tham gia làm “đại lý, phân phối” sách cho doanh nghiệp này: “Nhà xuất bản chiết khấu cho Cty chúng tôi 20%, Cty chia sẻ quyền lợi cho các Phòng Giáo dục 2-3 % do họ có công chỉ đạo xuống các trường; còn các trường được hưởng 10 - 12% chiết khấu”.
Ngoài ra, các loại sách tham khảo, bổ trợ thì tùy thuộc vào các nhà xuất bản - có vài chục phần trăm, thậm chí có nhà xuất bản chiết khấu tới 50 - 60% tùy loại sách. Do đó, Cty cũng chiết khấu 40-50%, tạo thành một sức hấp dẫn ghê gớm đối với các đại lý và trường học.
Lợi nhuận làm “hỏng” hình ảnh nhà giáo
Theo tìm hiểu của PLVN, ngoài sách giáo khoa, sách bổ trợ các loại, đồ dùng học tập... cũng được coi là là một thị trường béo bở đối với những doanh nghiệp chuyên doanh lĩnh vực này, tuy mức cạnh tranh có phần khó khăn. Vì thế, ngoài cách làm truyền thống là “phần trăm”, “trên ấn xuống”..., các doanh nghiệp còn sử dùng nhiều phương thức khác để tiếp cận các trường học.
Đáng nói, có nhiều trường trên địa bàn Hà Nội “định hướng” học sinh chỉ nên dùng tập vở hay mực viết của Cty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà thay vì mực Qeen do một đơn vị ở phía Nam sản xuất, với lý do mực này lâu khô?.
Phóng viên đã liên hệ với đại diện Cty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà - doanh nghiệp được cho là đã “cắm cờ” tại nhiều trường học trong việc bán văn phòng phẩm, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi từ đơn vị này.
Với thực trạng doanh nghiệp tăng cường câu kéo bằng tỷ lệ phần trăm, còn cơ quan quản lý nhà nước giáo dục và trường học “hái hoa hồng nơi trồng người”, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp có thể đến cơ sở đào tạo giới thiệu sản phẩm. Nếu thấy tốt, uy tín, nhà trường, giáo viên có thể tư vấn cho phụ huynh, học sinh. Doanh nghiệp, nhà trường có thể giới thiệu, nhưng tự do lựa chọn sản phẩm nên để phụ huynh và học sinh quyết định.
Sở dĩ như vậy là vì việc trích phần trăm sẽ khiến nhà trường bị cuốn vào món lợi, tự biến mình thành “đại lý” cho các đơn vị doanh nghiệp, gián tiếp “ép” học sinh dùng các sản phẩm mà phụ huynh chưa chắc đã muốn dùng.
“Khi yếu tố kinh doanh, lợi nhuận len lỏi vào trường học, nhất là các trường tiểu học thì phụ huynh sẽ có cách nhìn khác về môi trường giáo dục. Lúc đó, vị thế nhà giáo trong mắt phụ huynh và xã hội sẽ bị giảm sút”, vị GS này khẳng định.
Trao đổi với PLVN, Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tỏ ra đồng tình với quan điểm trên. Nhà giáo này nói: “Sợ ảnh hưởng đến uy tín của giáo viên và nhà trường, năm nay chúng tôi không cho doanh nghiệp kết hợp với nhà trường để bán sản phẩm. Liên kết với doanh nghiệp như vậy nhiều phụ huynh xì xào, bàn tán, gây dư luận không tốt về môi trường giáo dục”.
“Doanh nghiệp không nên đưa ra lời chào chia “hoa hồng” cho trường học. Điều này sẽ tác động đến tâm lý thầy cô, vì lợi ích “hoa hồng” mà nhận sản phẩm, ép xuống học sinh. Trong bất kỳ trường hợp nào, nhà trường cũng không được phép là nơi kinh doanh” - GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.