Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11/2016, Báo PL&TĐ liên tiếp nhận được các cuộc gọi qua đường dây nóng phản ánh việc suất ăn cho công nhân ở Công ty TNHH may mặc Alliance One (gọi tắt là Công ty Alliance One, trụ sở tại KCN Giao Long, xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) không đảm bảo chất lượng. Qua tìm hiểu thông tin, được biết đây không phải là lần đầu công ty này vi phạm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công nhân nhiều lần ngộ độc thực phẩm phải nhập viện
Sau khi tiếp nhận thông tin từ bạn đọc, phóng viên PL&TĐ xác minh được biết, Công ty Alliance One có 100% vốn của Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Công ty có hàng ngàn công nhân làm việc. Nguồn tin cho biết, công nhân của Công ty Alliance One đã nhiều lần nhập viện đều nghi do vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngày 15/1/2013, tại bữa cơm trưa, tại tầng 1 nhà ăn Công ty, trong khi hơn một nửa công nhân đã ăn xong cơm trưa thì một người phát hiện trong khay cơm gà của mình có giòi đang bò.
Thời điểm đó, đại diện Công ty cho rằng thực phẩm đã nấu chín thì không thể có giòi còn sống nên cho rằng có thể giòi từ trong trái ớt bò ra. Công ty cũng cho biết đơn vị cung cấp cơm trưa là một công ty chuyên nấu suất ăn công nghiệp.
Do Công ty liên tiếp gặp các sự cố nghi liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm nên tại thời điểm phát hiện “thức ăn có giòi”, một số công nhân đã có thái độ bức xúc trước sự thiếu trách nhiệm, của công ty đối với sức khỏe của người lao động.
Đơn cử năm 2008, công ty này xảy ra hai vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng lên đến 100 công nhân. Điển hình là vào tối ngày 27/06/2008, Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành (Bến Tre) đã tiếp nhận cấp cứu trên 60 công nhân của Công ty Alliance One, nghi bị ngộ độc do nhà bếp nấu cho công nhân ăn giữa ca.
Tiếp đến trong năm 2010, Công ty Alliance One xảy ra liên tiếp hai vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm công nhân nhập viện. Cụ thể, sau khi ăn bữa tối 27/4/2010 để chuẩn bị làm ca đêm, hơn 100 công nhân Công ty bị đau bụng, ói và tiêu chảy.
Các bệnh nhân cho hay buổi tối hôm đó đã ăn hủ tiếu mì nấu thịt lợn do nhà bếp của Công ty chế biến. Lần này ghi nhận có tới 137 công nhân Công ty Alliance One có triệu chứng ngộ độc thức ăn.
Bốn tháng sau đó, Quân y tỉnh Bến Tre tiếp nhận và cấp cứu 14 nữ công nhân nghi ngộ độc thực phẩm của Công ty Alliance One. Cũng như những lần trước, lần này các công nhân cũng nhập viện với triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Trước đó, số công nhân này đã ăn món đậu phụ nhồi thịt tại nhà bếp Công ty Alliance One.
Chưa hết, vào ngày 15/1/2013, tại bữa cơm trưa, tại tầng 1 nhà ăn Công ty, trong khi hơn một nửa công nhân đã ăn xong cơm trưa thì một người phát hiện trong khay cơm gà của mình có giòi đang bò.
Thời điểm đó, đại diện Công ty cho rằng thực phẩm đã nấu chín thì không thể có giòi còn sống nên cho rằng có thể giòi từ trong trái ớt bò ra. Công ty cũng cho biết đơn vị cung cấp cơm trưa là một công ty chuyên nấu suất ăn công nghiệp.
Do Công ty liên tiếp gặp các sự cố nghi liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm nên tại thời điểm phát hiện “thức ăn có giòi”, một số công nhân đã có thái độ bức xúc trước sự thiếu trách nhiệm, của công ty đối với sức khỏe của người lao động.
Đại diện Công ty nói gì?
Để làm rõ những thông tin liên quan đến phản ánh trên, PV đã liên hệ làm việc qua điện thoại và trực tiếp đến Công ty Alliance One. Đại diện Công ty yêu cầu PV phải có giấy giới thiệu của Ban quản lý các KCN tỉnh Bến Tre mới làm việc.
Mặc dù đã có thẻ và giấy giới thiệu của tòa soạn báo nhưng PV vẫn phải ngược từ Châu Thành lên TP Bến Tre xin giấy giới thiệu của Ban quản lý các KCN tỉnh để làm việc với Công ty Alliance One.
Sau đó, lãnh đạo Công ty đã cử bà Phạm Thị Phương Trúc, Trưởng phòng nhân sự làm việc với PV. Đáng tiếc, nữ trưởng phòng này cho biết mình là nhân sự mới nên không biết những việc cũ và không muốn lật lại những chuyện “không tốt” trước đây. Đồng thời, thay vì xác nhận hoặc bác bỏ thông tin một cách chính thức thì người đại diện của Công ty lại cho rằng: PV có thể tra cứu, tìm hiểu từ những nguồn thông tin khác.
Tại thời điểm hiện tại, Trưởng phòng nhân sự cho biết phía: Công ty Alliance One ký hợp đồng nấu ăn với một doanh nghiệp bên ngoài. Doanh nghiệp này sẽ cung cấp và chế biến thức ăn tại nhà bếp của Công ty.
Đồng thời, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Công ty tiếp tục ký kết với một bên thứ ba khác. Bên thứ ba này có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm một cách độc lập với doanh nghiệp cung cấp, chế biến thức ăn.
Ngoài ra, phía Công ty cũng đã thành lập Ban an toàn vệ sinh thực phẩm và đi kiểm tra hằng ngày đối với nhà bếp về vệ sinh an toàn thực phẩm và còn có sự kiểm tra định kỳ của các cơ quan nhà nước.
Nữ trưởng phòng nhân sự này khẳng định: “Trong thời gian gần đây, phía Công ty và Công đoàn cơ sở chưa nhận được bất cứ khiếu nại, phản ánh, trình báo nào của công nhân liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm của nhà bếp. Công ty có số đường dây nóng và có người trực 24/24 để tiếp nhận phản ánh”.
Tuy khẳng định quy trình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của công ty là nghiêm ngặt như vậy, song bà Trúc không đưa ra được hợp đồng dịch vụ hay hồ sơ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Công ty.
Mặc khác, bà này cũng thừa nhận Công ty vừa mới chấm dứt hợp đồng với một doanh nghiệp cung cấp, nấu ăn cho nhà bếp vì không đáp ứng được những yêu cầu của Công ty đặt ra và chưa đạt về tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tháng 6/2016, Công ty Alliance One là một trong 6 doanh nghiệp vi phạm bản quyền trong đợt kiểm tra của Đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch phối hợp với C50 (Bộ Công An).
Đoàn thanh tra liên ngành đã triển khai các đợt thanh tra trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp nghi sử dụng phần mềm không bản quyền. Tổng cộng 6 doanh nghiệp đã bị kiểm tra với giá trị phần mềm bất hợp pháp bị phát hiện theo ước tính của chủ sở hữu khoảng 6,5 tỉ đồng, trong đó có Công ty Alliance One.
Theo đó, lực lượng thanh tra đã kiểm tra 247 máy tính mà các doanh nghiệp này đang sử dụng cho mục đích vận hành kinh doanh, hơn 500 phần mềm bất hợp pháp đã được tìm thấy. Trong số những phần mềm không bản quyền bị phát hiện, bên cạnh các phần mềm văn phòng phổ biến, còn có các phần mềm chuyên dụng cho thiết kế.
Đại diện của 6 doanh nghiệp đã ký vào biên bản thanh tra, thừa nhận vi phạm và hứa gỡ bỏ tất cả các phần mềm không phép cũng như sẽ hợp thức hóa toàn bộ các phần mềm sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Về vấn đề này, đại diện được Công ty cử làm việc với PV là bà Phạm Thị Phương Trúc, Trưởng phòng nhân sự, cho biết mình không phụ trách nên không biết và không trả lời.