Tối thứ 7 không công nghệ
Chị Phan Hồ Điệp – giảng viên Trường Đại học Sư phạm, mẹ của cậu bé Đỗ Nhật Nam kể rằng, để nuôi dạy Nam chị cũng gặp khó khăn như bất kỳ bà mẹ nào khác thậm chí khó khăn hơn. “Vì khác với anh Thảo chồng tôi, tôi là con út trong gia đình có 3 anh em nên được nuông chiều, vì vậy khi lấy chồng gần như tôi rất vụng về, không có nhiều kiến thức. Khi mang bầu Nam thì tôi ở bên Nhật và quyết tâm thực hiện việc nuôi dạy con theo kiểu của người Nhật. Vốn có tiền sử không tốt về sức khỏe, lúc mang bầu tôi lúc nào cũng ở trong tình trạng ốm yếu. Nhưng hễ khỏe lúc nào là tôi thực hiện việc thai giáo mặc dù tình trạng sức khỏe kiệt quệ” – chị Điệp kể.
Sự kiên trì chính là bí quyết lớn nhất của chị Điệp khi nuôi dạy Đỗ Nhật Nam. Theo lời chị, Đỗ Nhật Nam cũng như nhiều đứa trẻ khác, có lúc ốm yếu, có lúc không tương tác với kế hoạch học tập bố mẹ đặt ra. Nhưng vợ chồng chị luôn nghĩ nếu con không giỏi được thì con cũng sẽ tốt hơn nên luôn giữ vững lòng kiên trì. “Ví dụ như việc để đọc sách cùng con, để con có niềm yêu sách thì tôi làm phải ròng rã suốt một năm trời. Dạy con nghe nhạc cũng vậy” – chị Điệp nhớ lại.
Kỷ niệm không thể quên trong chặng đường làm mẹ của chị Phan Hồ Điệp là khi Đỗ Nhật Nam 5 tuổi, em bị chẩn đoán nhầm bị bệnh bạch cầu, ung thư máu. Ở trong Viện Nhi, quãng thời gian đó thật là kinh hoàng đối với hai vợ chồng. Chờ đợi kết quả xét nghiệm, trong lòng đầy bão tố nhưng chị Điệp vẫn cùng Nam đọc sách, nghe nhạc, vui chơi để con thấy rằng cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Thật may mắn, sau đó bác sĩ thông báo đã chẩn đoán nhầm.
“Lúc đó tôi cảm thấy thế giới lần nữa mở ra trước mắt mình. Tôi cũng như những bà mẹ khác, trong quá trình nuôi Nam cũng gặp những khó khăn, thậm chí rơi vào thời gian hoang mang dài, nhưng cuối cùng tôi chỉ có tâm niệm rằng đem lại niềm vui cho con, giờ khắc nói chuyện với con là giờ khắc hạnh phúc nhất của người mẹ nên tôi luôn tận dụng nó. Và ngay cả bây giờ khi Nam lớn lên rồi, bất kỳ lúc nào rảnh thì tôi dành thời gian nói chuyện với con” – chị Điệp cho biết.
Được biết, trong gia đình Đỗ Nhật Nam có một quy định bất thành văn rằng, tất cả buổi tối thứ 7 sẽ tắt hết tất cả các thiết bị di động để cả nhà dành thời gian nói chuyện với nhau, thậm chí là nói chuyện trong bóng tối. Làm thế, bố mẹ Đỗ Nhật Nam muốn con mình nhớ lại tuổi thơ của bố mẹ khi ngồi nói chuyện dưới trăng, muốn Nam lớn lên với tâm hồn giàu có. Bởi họ tâm niệm, những điều mà mình làm cho con giống như những hạt mưa nhỏ thấm sâu vào trong lòng đất và nuôi dưỡng những hạt mầm lớn lên.
Đỗ Nhật Nam trong lớp dạy tiếng Anh miễn phí của mình. |
Khắc chế tư duy gia trưởng để làm bạn với con
Theo lời kể của cha mẹ, ngay từ bé Nam đã không bao giờ phải nghe những câu mệnh lệnh từ bố mẹ. Chị Phan Hồ Điệp cho biết: “Điều cả tôi và anh Thảo đều tâm đắc và nhất trí đó là dạy con trí thông minh cảm xúc. Để làm được điều này thì đó là quá trình lâu dài chứ không phải một sớm một chiều. Trong nhà tôi hầu như không có từ thuộc mệnh lệnh như: con dừng lại ngay, con tắt ti vi đi…, mà trước đó tôi dùng ngôn ngữ để giải thích cho con.
Ví dụ như, mẹ biết con rất thích xem chương trình này nhưng đã đến giờ ăn rồi nên dừng lại một lúc. Tôi dùng ngôn ngữ để như vừa giải thích lại vừa chia sẻ cảm xúc của con. Trẻ con cũng có cảm xúc như bất cứ người lớn nào khác, cũng có khi giận dữ, buồn, khi vui và cha mẹ cố gắng chia sẻ cảm xúc đó với con”.
Để giáo dục Đỗ Nhật Nam, không phải lúc nào bố mẹ em cũng thống nhất với nhau về mặt phương pháp. Nhưng quan trọng là họ đã dung hòa được những suy nghĩ khác biệt để cũng đạt mục đích. PGS.TS Đỗ Xuân Thảo – bố Đỗ Nhật Nam cho biết, trong việc giáo dục con vợ chồng anh có nhiều điểm khác nhau lắm.
“Tôi con nhà nông, bà xã lớn lên ở thành phố. Tôi quen tự lập từ nhỏ nên sống có kế hoạch còn vợ tôi sống theo bản năng nhiều hơn nên dung hòa nhau rất khó. Ví dụ đơn giản thế này, trong việc giáo dục con tôi giáo dục theo kiểu truyền thống, nghĩ ngày xưa khổ quá rồi không có cái ăn thì bây giờ cho con ăn thoải mái, còn vợ tôi thì hãm con, muốn giáo dục con theo hiện đại, ăn uống phải vì sức khỏe. Dung hòa không dễ đâu nhưng qua quá trình tự điều chỉnh lẫn nhau, chúng tôi đã làm được” – anh Thảo kể.
Đỗ Nhật Nam được cha mẹ dạy theo “Công thức 3T: Tự tin, Tự trọng và Tự lập”. Dù biết rằng, công thức này sẽ làm quyền lực cha mẹ ảnh hưởng ít nhiều. “Chúng ta cứ lấy quyền lực làm mẹ, làm cha nên cái gì cũng là chân lý cả mà không chịu học hỏi. Cha mẹ muốn làm bạn với con thì phải thu nhỏ mình lại, hy sinh cái tôi của mình đi, đơn giản như con cái có sở thích của nó, bố mẹ tuy không hiểu nhưng phải lắng nghe con. Hy sinh này đối người cha rất khó vì người đàn ông nào cũng có máu gia trưởng trong người.
Ví dụ như con tôi có đam mê về máy ảnh, hàng giờ ngồi trước máy ảnh luyên thuyên nói đủ thứ, tôi chẳng biết gì về máy ảnh cả nhưng cứ phải ngồi nghe, phải vào google tìm hiểu để nói chuyện với con. Làm bạn với con trong từng chi tiết của cuộc sống là vậy” - PGS.TS Đỗ Xuân Thảo bật mí bí quyết làm bạn với con của mình.