Theo Luật sư Trần Duy Cảnh, Đoàn luật sư TP HCM chia sẻ: “Tôi ít khi uống rượu bia với người lạ vì hay bị ép uống, lắp lúc nổi nóng lên, khiến tôi bực mình "ông mà ép nữa tôi về đấy". Bạn bè thân thiết biết tôi uống rất có kiểm soát nên không ép uống bao giờ.
Tôi nghĩ, tửu lượng cũng như sức người mang vác vậy. Kẻ vác 10 cân, người kia 20 cân, sao cào bằng được. Trong cuộc nhậu đừng để kẻ gục xuống bàn, đứa nôn thốc nôn tháo, kẻ cười mà người kia không biết gì nữa. Chưa nói đến sức khỏe, là kém văn minh.
Luật mới đưa ra mức phạt lớn nhưng tôi nghĩ chưa đủ, cần phải thu bằng, giam xe. Gây tai nạn có rượu bia là đi tù, phạt bỏ sung cấm lái xe 5 năm...”.
Luật sư Cảnh cho rằng, tập luyện thể thao sẽ khiến tinh thần lành mạnh và cũng là cách tránh xa bia rượu
Luật sư Cảnh cho rằng tập luyện thể thao là một cách tránh xa bia rượu. |
Phạm Hà, sinh viên Đại Học Luật cho rằng người Việt hay "mượn chuyện ăn nhậu" để ngoại giao, công việc và coi chuyện ai "nhậu hay, uống tốt" là công việc mới trôi chảy.
“Bấy lâu nay chúng ta trong lúc giao tiếp cứ phải dựa vào rượu bia để "rượu vào lời ra", không có rượu bia thì nói chuyện không hăng hái, không vui, cảm thấy nhạt nhẽo. Nhất là không có rượu bia tiếp sức thì khó hùng biện được.
Nhưng như vậy cũng chứng tỏ một điểm yếu trong hoạt động ngôn ngữ của não bộ người Việt chúng ta là: Khả năng tổ chức, sắp xếp ngôn ngữ theo một câu chuyện kém, biểu hiện của năng lực ngoại giao hạn chế, rụt rè e ngại, thiếu sự mạnh dạn chủ động tiếp cận trong giao tiếp.
Khi năng lực tự chủ giao tiếp kém thì năng lực diễn thuyết cũng vì thế hạn chế, thiếu tự tin khi phải hùng biện.
Vì vậy nhân cơ hội luật pháp phạt nặng uống rượu bia khi lái xe, chúng ta cũng nên tự phát triển năng lực giao tiếp của chúng ta mà không phải nhờ tới rượu bia để "rượu vào lời ra" nữa”, Phạm Hà nêu quan điểm.
Còn nhà báo Trương Anh Ngọc, bình luận viên bóng đá nổi tiếng nhấn mạnh: “Những cuộc tranh cãi về việc phạt người uống rượu bia lái xe ra đường là đắt hay rẻ luôn vô nghĩa, bởi không có gì đắt bằng mạng sống của con người.
Mấy ngày qua, theo dõi một số diễn đàn tập trung đông anh em lái xe, tôi thấy nóng bỏng nhất là chuyện phạt nặng người lái xe có nồng độ cồn trong máu. Rất nhiều ý kiến cho rằng phạt thế là quá nặng, một số ý kiến khác chống lại quy định mới áp dụng từ 1/1/2020, không ít ý kiến khác bày cho mọi người cách lách luật.
Họ lao xao, đơn giản là bởi quy định mới đã đánh vào một thói quen khó bỏ của không ít người Việt: uống. Uống là một thứ văn hoá đã ăn sâu vào máu của không ít người trong chúng ta, và hậu quả của nhiều cuộc chén chú chén anh, của việc "mày khinh tao, không nể tao" là mạng sống của nhiều người, khiến bao gia đình tan vỡ.
Cái sự sĩ diện của người uống hoá ra còn có giá hơn chính mạng sống của họ và những người khác.
Tôi hoàn toàn ủng hộ quy định mới này, và tin rằng, lẽ ra chúng ta phải làm nghiêm, làm chặt điều này từ lâu mới phải. Ở các nước phát triển, việc này được thực hiện rất chặt, không có "vùng cấm", không có tiêu cực, không nhân nhượng.
Bạn không chỉ bị tước bằng mà còn có thể ra toà và đi tù chỉ vì vài chén rượu. Đàn ông nước ngoài (những người tôi đã gặp) cũng sĩ diện lắm, nhưng không bao giờ tự hào vì mình uống tốt hơn, nhiều hơn, ngồi bền bỉ hơn người khác, mà tự hào vì nam tính của họ trên giường, vì sự quyến rũ với phụ nữ, vì sự khoẻ mạnh của cơ thể, vì đã đi nhiều nơi trên thế giới, vì tri thức và kiến thức, vì thành đạt trong sự nghiệp.
Nhiều người vẫn cho rằng, quy định mới này là cực đoan, nhưng không cực đoan không được các bạn. Phải thế thôi, đừng lằng nhằng, vì đã nói rồi, mạng sống của chúng ta và của những người khác là vô giá...”
Cộng đồng mạng "chế tác" ra nhiều hình thức chế giễu "dân nhậu" |
Theo Nghị định số 100/2019/CP-NĐ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020 (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP), các hành vi vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị phạt rất nặng.
Cụ thể, với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn sẽ phạt tiền tối đa từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.
Người điều khiển xe môtô bị phạt tối đa tới 8 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Riêng với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ nếu vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền cao nhất là 600.000đ.