Chạy đâu cho khỏi rác, xú uế?
Suốt tuần qua, gây “rối loạn” dư luận đó là bức ảnh một người đàn ông ngoài 30 tuổi ăn vận vest đen, đi xe ô tô mang biển kiểm soát 30A 306..., khi đến ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ thì gặp đèn đỏ. Người này đã dừng xe và thản nhiên xuống đường phóng uế vào dải phân cách trước sự kinh hãi của rất đông người đi đường.
Các bức ảnh sau khi xuất hiện ngay lập tức “gây bão” trên mạng xã hội với tốc độ chia sẻ chóng mặt và hàng ngàn bình luận. Tất cả đều tỏ ra bức xúc và lên án gay gắt hành động kém văn minh, lịch sự ngay giữa Thủ đô của người đàn ông trên.
Sự việc này là “giọt nước làm tràn ly” về sự vô ý thức của người dân Hà Nội. Cảnh “tè bậy” ngoài đường không hề xa lạ ở mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Các tuyến đường dẫn đến bến xe như Phạm Hùng, Trần Thái Tông, Tôn Thất Thuyết… xuất hiện hàng chục điểm thường xuyên có người tạt vào tiểu tiện công khai giữa rất đông người qua lại. Khu vực gần các bến xe lớn như Giáp Bát, Mỹ Đình…luôn trong tình trạng “nặng mùi” với nước thải lênh láng đầy đường.
Nhiều người nghĩ, Hà Nội thiếu nhà vệ sinh công cộng, nhưng không phải. Ngay trong khu vực và cả quanh bến xe luôn có những nhà vệ sinh công cộng. Chỉ tính riêng bến xe Mỹ Đình có tới 4 nhà vệ sinh công cộng, ngoài cổng cũng có một nhà vệ sinh. Thế nhưng thay vì vào đó, nhiều người lại chọn cách phóng uế ngay trên vỉa hè, phớt lờ những người xung quanh đang lắc đầu, chán nản.
Sự vô ý thức ấy không chỉ dừng lại ở căn bệnh “tiểu đường” mà còn là chuyện vứt rác bừa bãi ra đường. Những đống rác tràn ngập từ phố lớn đến phố nhỏ, từ đường mới đến phố cổ, từ ngõ xóm cho đến đường quanh các khu tập thể.
Ngoài ra còn có tình trạng người ăn quà vặt thản nhiên vứt rác ngay tại chỗ mình đang ngồi hoặc nếu ngồi gần hồ thì vung tay ném thẳng xuống hồ, thậm chí cả xác súc vật cũng bị ném xuống hồ bốc mùi phân hủy.
Ở những nơi công cộng hoặc trên các đường phố, công ty công viên cây xanh đã đặt nhiều thùng rác để giữ gìn vệ sinh chung nhưng hầu như chẳng mấy ai bỏ rác vào đúng chỗ mà cứ vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống trầm trọng.
Tương tự là hành vi thản nhiên hút thuốc tại nơi công cộng. Tác hại của việc phải hút thuốc lá thụ động là điều ai cũng biết, trong bối cảnh các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cảnh báo. Do vậy, khó có thể nói rằng những người cầm điều thuốc phì phèo trong không gian chung… không biết, không hay.
“Nhờn luật”
PGS.TS Lê Kế Sơn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, hiện nay luật pháp về bảo vệ môi trường đã quy định khá rõ về việc cấm xả rác bừa bãi, quy định về thu gom rác thải, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, kể cả việc kiểm tra, xử phạt hành vi này.
Tuy nhiên, việc thực thi lại vô cùng khó khi người xả rác bừa bãi quá nhiều, ở khắp mọi nơi, nhưng người có trách nhiệm thi hành công vụ quản lý môi trường, xử phạt các hành vi vi phạm lại quá ít.
Tình trạng “nhờn luật” và tâm lý “cha chung không ai khóc” khiến hành vi vô ý thức của người dân Hà Nội ngày càng bùng phát. Bộ mặt đô thị ngày càng nhếch nhác, bẩn thỉu, khó coi.
Một số chuyên gia văn hóa, môi trường cho rằng, ngoài việc vận động tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt thật nặng và việc xử phạt này nên giao cho Công ty Vệ sinh Môi trường, phối hợp với Cảnh sát Môi trường và công an phường tiến hành.
Tiền phạt có thể trích 70% bồi dưỡng cho những người làm công tác này, còn 30% mua các dụng cụ phục vụ cho công tác vệ sinh chung. Qua đó, ý thức người dân được nâng lên và cũng thể hiện sự nghiêm minh, kỷ cương của pháp luật.
Để làm trong sạch môi trường và nâng cao ý thức người dân, Nghị định 179/2013 của Chính phủ về xử phạt các hành vi vi phạm về môi trường thay thế Nghị định 23/2009, có hiệu lực ngày 30/12/2013 quy định rõ về các khung xử phạt hành chính liên quan đến việc vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn lấp, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường như:
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Nghị định 176 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ 31/12/2013, quy định: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với các trường hợp hút thuốc lá bỏ mẩu, tàn thuốc tại địa điểm có quy định cấm.
Mặc dù có chế tài nhưng rất hiếm khi người vô ý thức bị phạt. Ngoại trừ trường hợp người đàn ông đi ô tô thản nhiên phóng uế ra đường bị phạt 200 nghìn đồng, còn lại vô số các trường hợp khác đều không ai bị xử phạt.