Nhưng con số trong năm 2015 có 31.754 trường hợp trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bị nhắc nhở, xử phạt và hàng loạt vụ tai nạn giao thông có nạn nhân tử vong là trẻ em do không đội mũ bảo hiểm đã cho thấy vẫn còn rất nhiều bậc cha mẹ chưa “trọn tình”, hay nói cách khác là họ đã tự tay “dập tắt” ước mơ của chính con mình.
Những câu nói “giá như” muộn màng
Cách đây gần 3 năm, tháng 3/2013 tại cầu Cần Thơ, TP Cần Thơ đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm khiến 3 mẹ con chết thảm. Chị Liên ở Vĩnh Long đi xe máy chở theo 3 con nhỏ lưu thông trên cầu. Tuy nhiên, do mất lái nên xe đã đâm vào đuôi xe tải đang dừng trên cầu khiến cả 4 mẹ con bị ngã xuống đường.
Hậu quả, chị Liên cùng 2 con trai tử vong tại chỗ, trong khi cháu trai đầu lòng bị thương phải nhập viện cấp cứu. Cháu bé may mắn sống sót là nạn nhân duy nhất đội mũ bảo hiểm (MBH) lúc đó.
Mỗi tháng trung bình Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM tiếp nhận 30-40 trẻ bị chấn thương sọ não, trong đó khoảng 20% trường hợp do không đội MBH khi tham gia giao thông. Bố của một bệnh nhi cho biết dù công việc của anh là tuyên truyền người lớn đội MBH cho trẻ nhưng chính con gái anh lại bị chấn thương sọ não vì không đội MBH do một lần anh chủ quan chở con đi bằng xe máy ở gần nhà.
Tại hội nghị tổng kết thực hiện quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em năm 2015 và thảo luận kế hoạch triển khai trong năm 2016 diễn ra cuối tuần trước, một số vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã được đại diện Cục Cảnh sát Giao thông dẫn ra như: vụ tai nạn giao thông xảy ra tháng 1/2015 trên quốc lộ 26 giữa xe tải mang BKS 79D-0215 đi hướng Đắk Lắk với xe mô tô mang BKS 47L-828.55 chở 4 người (có 2 trẻ nhỏ).
Tai nạn giao thông xảy ra do xe mô tô đi không đúng phần đường, hậu quả làm 3 người chết và 1 người bị thương. Đáng nói, cả 4 người trên xe mô tô đều không đội MBH.
Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tỉnh lộ 367 thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên (tháng 2/2015) khi chiếc ô tô Fortuner mang BKS CT-3529 của Tòa án Quân sự Trung ương đi lấn làn đã tông vào xe mô tô BKS 14F1-5492 chở 5 người (trong đó có 2 trẻ em) không đội MBH, khiến cả 5 người trên xe mô tô đều thiệt mạng…
Trong năm 2015, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã tiến hành nhắc nhở đối với 31.754 trường hợp trẻ em không đội MBH khi tham gia giao thông, lập biên bản xử phạt 11.857 trường hợp…
Cha mẹ gieo rắc cho con suy nghĩ chống đối
Cách đây gần 1 năm, ngày 10/4/2015 Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã công bố Kế hoạch hành động về thực hiện quy định đội MBH với trẻ em và cả nước ra quân xử phạt việc cha mẹ không đội MBH cho con, tập trung vào khu vực xung quanh trường học, sau đó duy trì theo kế hoạch tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, trật tự ATGT.
Tại cổng một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, phóng viên đã nghe được đoạn đối thoại giữa hai cha con. Bé gái học lớp 1 phụng phịu không đội MBH vì nóng, người cha thay vì giảng giải cho con đã dỗ dành: “Thôi, con cố đội đi, qua khuất ngã tư kia công an không nhìn thấy thì bố bỏ ra cho”.
Một trường hợp không hề cá biệt cho thấy ý thức của những người làm cha, làm mẹ trong việc giữ an toàn cho con mình là vô cùng thấp.
Bên cạnh đó, việc xử lý người điều khiển, người ngồi trên xe gắn máy, xe đạp máy không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách có lúc, có nơi chưa triệt để nên vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em.
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia năm 2014 cho thấy, có 94,6% người lớn đội MBH khi tham gia giao thông, tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em đội mũ chỉ đạt 23,6%. Năm 2015, việc triển khai Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em được thực hiện gắt gao hơn đã góp phần tích cực trong việc kéo giảm tai nạn giao thông liên quan tới đối tượng là trẻ em.
So với cùng kỳ năm 2014, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em (từ 6-11 tuổi) giảm 39,4% về số vụ, giảm 37,5% số người chết và giảm 31,25% số người bị thương. Nghiên cứu độc lập của Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á, từ tháng 3 năm 2014 đến tháng 12 năm 2015 cũng cho thấy, ngay sau đợt cao điểm tháng 4/2015, tỷ lệ trẻ em đội MBH tăng 32% so với cùng kỳ năm trước (tăng từ 36% vào tháng 3/2014 lên tới 68% vào tháng 4/2015).
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia - cho rằng, tỷ lệ chấp hành đội MBH cho trẻ em ở các địa phương đều tăng lên, tuy nhiên vẫn ở mức thấp và tỷ lệ không được duy trì ổn định; so với giai đoạn đầu của Kế hoạch khi chúng ta triển khai đợt cao điểm nhắc nhở, xử lý vi phạm thì đến giai đoạn sau tỷ lệ đội MBH cho trẻ em lại giảm xuống.
Điều đó chứng tỏ rằng vai trò việc tăng cường sự giám sát, kiểm tra, nhắc nhở của nhà trường và việc thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm trong công tác xử phạt vi phạm của lực lượng Cảnh sát Giao thông là hết sức quan trọng” - ông Hùng cho biết thêm.