Con trai Bảng nhãn vướng… án thi cử

Sách Trung dung, Đại học học trò học để thi cử
Sách Trung dung, Đại học học trò học để thi cử
(PLO) - Thời Lê Trung hưng, Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784) đã nức danh là người học rộng, biết nhiều, được đời sau còn mãi xưng tụng cũng như trân trọng những giá trị từ các trước tác ông để lại. Ấy nhưng, hẳn ít người biết tới hậu sinh của vị bảng nhãn, từng vướng vào án thi cử. 

Ngày nay, những tác phẩm của Lê Quý Đôn để lại cho đời như Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ, Thư kinh diễn nghĩa… vẫn còn được hậu thế tham khảo rất nhiều.

Còn riêng bản thân vị Bảng nhãn có tên hiệu Quế Đường này, con đường khoa cử cũng rất ư đặc biệt, như “Tam khôi bị lục” cho biết, ông được người đời gọi là Tam Nguyên Tự bởi từ thi Hương đến thi Đình đều đỗ đầu (dù là Bảng nhãn, nhưng năm ấy triều đình không lấy được Trạng nguyên, Thám hoa, chỉ có Bảng nhãn là ông). 

Con nhà dòng dõi trâm anh

Trong các người con của Lê Quý Đôn, sử cũ có điểm tên ít nhất hai người, là Lê Quý Hằng và Lê Quý Kiệt. Với Lê Quý Hằng, “Đại Việt sử ký tục biên” từng có chép việc liên quan năm Ất Mùi (1775): “Chúa cho Bùi Phùng Ninh; Nguyễn Trọng Miên, Lê Quý Hằng (con Lê Quý Đôn) tiến triều”. Theo lệ xưa, những quan viên được tiến triều là những người đã hầu chúa lâu ngày, có nhiều công lao, giỏi văn chương, có danh tiếng. Xét ra, Lê Quý Hằng đã phần nào nối gót được cha. 

Ngoài Lê Quý Hằng được sử nhắc tới, thì nhiều hơn cả, sử điểm tên một người con khác của Lê Quý Đôn rất nhiều lần. Đó là Lê Quý Kiệt. Riêng về Lê Quý Kiệt, được thừa hưởng nền tảng nếp nhà của người cha xuất chúng, nên Kiệt cũng là một người có khả năng về văn thơ.

Bằng chứng còn được ghi nơi “Quốc sử di biên” vào năm Ất Sửu (1805): “Đặng Đình Thường kết nghĩa bạn bè với Lê Quý Kiệt [con của Lê Quý Đôn] ở làng Diên Hà; Lê Danh Phát ở làng Công Ngư (thuộc Yên Lãng) và Thủ khoa Huy Đán… cùng nhau thảo luận các điển tích xưa”. 

Có cha là nhà bác học nổi tiếng ở đời, bản thân được học hành đầy đủ, kinh qua các sách thánh hiền nào “Tứ thư”, nào “Ngũ kinh”, hiểu được lẽ phải trái, được đạo lý của kẻ sĩ. Tỉ như đạo “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, cách sửa mình thành người tốt (sách Đại học); đạo của người quân tử (Luận ngữ); phép tu tâm, dưỡng tính (Trung dung)… Vậy mà, vì mong muốn danh vọng quá lớn, Lê Quý Kiệt lý thuyết làu thông đấy, mà thực hành lại theo nẻo khác, từ đó mà dẫn tới việc vướng vào án thi cử làm cho tên tuổi bị vẩn đục. 

Vụ việc ấy, trong “Đại Việt sử ký tục biên” có ghi lại, xảy ra cuối năm Ất Mùi (1775) nhằm thời vua Lê Hiến Tông (1740-1786): “Mùa đông, tháng mười, hội thi những người đã trúng cử (thi Hương). Lấy bọn Phan Huy Ích 18 người trúng cách. Khoa ấy ở Thanh Hoa có giám sinh Đinh Thì Trung đổi quyển làm văn cho Lê Quý Kiệt (con Lê Quý Đôn)”.

Dù đã có các quan giám trường giám sát chặt chẽ là vậy, nhưng việc gian lận trong thi cử vẫn cứ xảy ra như cơm bữa, cũng chỉ vì sĩ tử muốn làm mọi cách để được ghi tên lên bảng vàng, để danh phận được thay đổi rạng rỡ hơn.

Kẻ bị tội bị đi đày. Tranh minh họa
Kẻ bị tội bị đi đày. Tranh minh họa

Dính án tráo bài thi

Hiềm nỗi, ngay đến con quan như Lê Quý Kiệt, có cha là Bảng nhãn, đường đường làm quan đương triều, mà lại phạm tội lớn nơi trường thi. Lúc này, Lê Quý Kiệt thi Hội đã vào đến kỳ bốn, muốn chắc ăn được đậu, nên đã nhờ Đinh Thì Trung là người giỏi chữ nghĩa thi thay, nhưng bị lộ.

“Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có ghi: “Quý Kiệt con Quý Đôn. Kỳ đệ tứ khoa thi [thi Hội] này, Quý Kiệt cùng Đinh [Thì] Trung đổi quyển cho nhau để làm bài. Việc bị lộ”. Bởi vậy nên sự việc không thể bỏ qua. “Đại Việt sử ký tục biên” cho biết sau khi sự việc bị phát giác, hai người này đều bị nghị tội: “Thì Trung phải tội đi đày nơi xa. Quý Kiệt bị bắt về dân làm đinh tráng (lúc bấy giờ người kinh đô có câu rằng: “Thì Trung đi đày nơi xa, nổi tiếng văn phong Đông Hải. Quý Kiệt cho về làng cũ, thêm một suất đinh Diên Hà”)”. 

Theo một bản chép khác của sách “Đại Việt sử ký tục biên”, thì trong vụ án thi cử này, có điều khuất tuất. Khi án được tuyên cho hai kẻ phạm tội, thì Đinh Thì Trung bị đày đi châu xa, còn Lê Quý Kiệt được cho là bị giam vào ngục và “cấm không được dự thi (bất đắc ứng thí)”. Việc xử này Đinh Thì Trung bị tội nặng hơn, nên đã đánh chuông kêu oan.

Từ đó mới dẫn tới việc có liên đới tới Lê Quý Đôn. Bằng chứng là “Thì Trung đánh chuông kêu oan, đưa thư riêng của Quý Kiệt và tờ lá số do Lê Quý Đôn gửi cho cùng thư riêng có ghi ba chữ “Tứ Kiệt đăng” (con là Quý Kiệt đỗ), để nói rằng, Lê Quý Đôn chủ mưu. Chúa cho rằng Lê Quý Đôn là đại thần, bỏ qua không hỏi tới. Xuống chỉ cho: Thì Trung vẫn phải tội như đã định, Quý Kiệt thì bị giam vào ngục”. 

Vậy là chưa biết sự vụ đúng sai, minh bạch được bao nhiêu, nhưng rõ ràng là ở đây, luật pháp thi hành đã có sự bất minh, nên kẻ thấp cổ bé họng dù có oan cũng vẫn bị trọng tội, còn cha con vị đại thần có tội, thì cha được chúa Trịnh Sâm miễn tội, còn con thì thọ tội thêm, nhưng nhẹ hơn kẻ đồng tội, nên “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” mới có lời:

“Trịnh Sâm lấy cớ Quý Đôn là bậc đại thần, bỏ đi không xét, mà luận thêm tội Quý Kiệt, bắt giam cấm ở ngục ở cửa Đông”. Còn “Tam khôi bị lục” lại chép khác khi cho hay “nhân việc con ông là Quý Kiệt thi Hội mưu gian bại lộ, ông bị giáng làm Lễ bộ Thị lang”. 

Phạm tội trường thi. Tranh minh họa
Phạm tội trường thi. Tranh minh họa

Triều mới lục dụng

Vậy là từ sau lần ấy, dẫu đã qua con đường khoa cử, nhưng danh đã nhuốm chàm, nên tên tuổi Lê Quý Kiệt chìm lấp, không còn được nhắc tới nữa. Không biết sau đận ấy, Kiệt có được xóa án hay không, nhưng theo “Quốc sử di biên” thì với việc đỗ Hương cống, Kiệt được bổ giữ chức Cai tả tiệp quân, tước Dụ trạch hầu.

Không biết chức tước này là trước hay sau khi phạm tội trường thi ở trên. Thế thời thay đổi, nhà Lê đổ, đến đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn nhất thống giang sơn, kêu gọi các cựu thần nhà Lê ra giúp triều đại mới. Lê Quý Kiệt bởi vậy, danh phận được thay đổi. 

Đời vua Gia Long, năm Tân Mùi (1811), “Quốc sử di biên” cho hay, khi vua Gia Long xuống chiếu tìm người tài, Lê Quý Kiệt đã tự thân vào kinh đô Huế bái yết vua, dâng lên một tập sách cũ. Vua Gia Long hỏi về tình hình Bắc thành, Kiệt dâng một bản điều trần, được “vua khen ông là người có học thuật sâu sắc, làu thông hiến chương”.

Bởi vậy nên sau đó, vua Gia Long “Cho triệu Lê Quý Kiệt ở Diên Hà vào cung giữ chức Thị trung trực học sĩ, tước Tham bồi Lễ bộ sự vụ Lãng Phái hầu”. Sau vua sai ông dạy các hoàng tử, lấy tự hiệu là Tư đình đạo nhân. 

Năm sau, vua Gia Long gia phong cho ông giữ chức Lễ bộ Hữu Tham tri. Được vua trọng dụng tài năng là thế. Nhưng vốn là người nệ cổ, ưa lễ nghi, nên ông lại không hợp với đồng liêu. Vào năm Quý Dậu (1813), nhà nước tổ chức khoa thi Hương, vua Gia Long có ý chọn Lê Quý Kiệt làm giám khảo trường thi Nghệ An, nhưng Kiệt từ chối. Và việc này, liên quan đến án xưa của ông: “Kiệt từ chối vì cho rằng minh có lỗi. Hoàng thượng khen ông là người không che giấu khuyết điểm của mình”. 

Thi Hội. Tranh minh họa
Thi Hội. Tranh minh họa

Đời người “nhân vô thập toàn”, quan trọng là biết lỗi mà sửa, đó mới là người tiến bộ, Lê Quý Kiệt đã làm được điều ấy. Chỉ có điều, trong buổi xã hội Nho giáo trọng danh, thì việc gây ra và thụ án thi cử của Lê Quý Kiêt, đã làm cho tên tuổi, công nghiệp ở đời của ông giảm đi gam màu sáng. Đó cũng là điều đáng tiếc vậy…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.