Trên Lazada có tới 4500 đơn vị cung cấp sản phẩm này. Nguyên nhân bởi nhiều kênh truyền hình, vlog và các spa làm đẹp đều ra sức “lăng xê” công dụng thần kỳ giúp da đẹp mịn màng của máy rửa mặt.
Loạn máy rửa mặt trên thị trường
Người tiêu dùng đặt câu hỏi, nếu máy rửa mặt không có tác dụng thần thánh như quảng cáo thì có nhất thiết phải mua máy xịn. Ngược lại, một số chị em tỏ ra e ngại những loại máy rửa mặt có giá rẻ chỉ tầm vài chục nghìn đồng. Vậy đâu là điều người tiêu dùng cần biết?
Nhìn chung loại máy này có cấu tạo nhỏ gọn và gồm 2 phần: phần đầu với thiết kế chổi lông hoặc miếng bông dùng để rửa mặt và phần thân là các nút điều chỉnh (chế độ bật/ tắt hay chế độ chuyển động nhanh/ chậm của từng loại máy), bao gồm cả phần động cơ (lắp pin hoặc có phần sạc pin). Cách dùng không có gì khó, sau khi làm ướt mặt và phần đầu cọ/bông rửa mặt, người dùng phải bật máy và áp dụng lên mặt theo chuyển động tròn xung quanh các vùng trán, cằm, 2 bên má, vùng 2 bên mũi, cuối cùng là rửa mặt sạch bằng nước.
Tuy cùng giống nhau về cấu tạo nhưng máy rửa mặt khá đa dạng: từ 80.000 đồng cho đến 5 triệu đồng/máy. Đa số các máy được tin tưởng đều có giá từ 2 triệu trở lên như: Clarisonic, Olay, Neutrogena…
Ngoài việc mua máy, người dùng còn phải chi một khoản kha khá để “nuôi” máy rửa mặt. Đối với các loại máy sử dụng bông, vì miếng bông chủ yếu đã được tẩm sẵn sữa rửa và chỉ sử dụng được 1 lần nên hầu như bông phải thay liên tục. Giá 1 hộp bông rửa mặt được bán trên thị trường Việt Nam rơi vào khoảng 170 - 250 ngàn/hộp/30 miếng.
Những loại máy rửa mặt sử dụng cọ thì sau 3 tháng phải thay 1 lần. Giá của đầu cọ cũng không rẻ, dao động từ 200 – 500 ngàn/cọ. Loại không thể thay cọ còn đắt hơn nhiều, vì sau 6 tháng người dùng phải thay máy mới. Vậy tính ra, một máy rửa mặt có thể tiêu tốn ngân sách của chị em ngang với việc… mua tủ lạnh!
Dĩ nhiên để đầu tư cho nhan sắc, các chị em sẽ sẵn sàng rút hầu bao dù sản phẩm có đắt đỏ thế nào. Ngặt nỗi loại sản phẩm này trên thị trường không được quản lý chặt chẽ, hàng thật, hàng giả trà trộn đánh lừa người mua hàng. Qua khảo sát, đa số máy rửa mặt đều được tiêu thụ qua các cửa hàng bán mỹ phẩm. Người bán quảng cáo sản phẩm này chính gốc của Mỹ, Nhật Bản, Úc…, được xách tay đem về, nhưng giá bán thường rẻ hơn 20 – 50% so với giá niêm yết của website hãng.
Chủ một cửa hàng bán máy rửa mặt Miniso tư vấn: “Nguyên tắc để mua hàng chính hãng là mua trực tiếp trên web hãng hoặc có người đến tận hãng nhặt về. Ngay cả amazon, ebay cũng nhiều hàng giả lắm, các website này không được ủy quyền từ hãng để bán máy. Mua hàng trên facebook càng phải cẩn thận vì không có gì tin tưởng tuyệt đối cả”.
Trong khi đó, cùng một kiểu dáng cơ bản Clarisonic và Neutrogena là 2 hãng bị làm nhái nhiều nhất bởi hàng chục cái tên khác nhau khiến không ít chị em loạn mắt khi chọn lựa. Các sản phẩm “nhái” được sản xuất từ Trung Quốc, giá thành dao động từ 80 – 200 ngàn, nhưng chất lượng chỉ ngang với… bàn chải thông thường.
Tác dụng không như lời đồn
Được quảng cáo là có tác dụng trị mụn, trị thâm nám, se lỗ chân lông, làm sạch sâu da mặt, lấy đi những lớp tế bào chết, giúp da thẩm thấu nhanh các sản phẩm dưỡng da, máy rửa mặt khiến không ít chị em mê mẩn.
Nhưng đa số người từng dùng trên sotaychame cho rằng, mọi người không nên quá hy vọng vào việc những chiếc máy này sẽ giúp da trắng hồng, xóa vết thâm, vết nám hay tàn nhang, bởi chưa có một loại thần dược hay phương thức nào giúp thay đổi làn da hay trị mụn dứt điểm. Sản phẩm này chỉ đơn giản rửa mặt sạch hơn rửa bằng tay. Tùy cơ địa của mỗi người, máy có tác dụng riêng. Đôi khi người dùng không hiểu làn da của mình nhưng vẫn sử dụng máy dẫn đến phản tác dụng.
Chị Thùy Linh, một thành viên bình luận: “Nếu ai kỳ vọng máy này trị mụn, trị nám thì chỉ có thất vọng mà thôi. Đầu cọ của máy C.M quét sâu vào lỗ chân lông, lấy đi cặn trang điểm nên da mặt sẽ sạch hơn so với rửa tay. Nhưng đấy là C.M thật, giá 225 USD loại máy “nhái” lại hay hàng giả thì chẳng khác gì rửa bằng tay. Tôi đã từng mua loại 235 ngàn của Trung Quốc, đầu cọ cứng như bàn chải.
Ngoài ra, việc rửa mặt 2 lần/ngày bằng máy sẽ khiến đầu cọ bị ẩm, bẩn và nhanh hỏng. Chỉ tầm 1 tuần, đầu cọ của tôi không còn trắng tinh nữa mà chuyển sang màu ngà, bụi rất dễ dính vào lông. Thêm vấn đề lâu khô và để trong nhà wc khiến mình cảm thấy cọ có mùi hôi và bẩn, có khi còn làm mụn trở lại. Với người da nhạy cảm thì đừng dùng máy.
Máy rửa mặt chà xát khá nhiều khiến lỗ chân lông to ra nên tôichỉ khuyên mọi người dùng 2 lần/tuần như việc tẩy da chết. Nhìn chung là bạn nào muốn da mặt sạch hơn thì đầu tư, còn kỳ vọng máy làm nên kỳ tích thì đừng”.
Ngược lại, Loan Diệp, 2 vlogger nổi tiếng về chuyên mục làm đẹp thì chia sẻ: “Nếu bạn có da dầu, nhờn, và trang điểm thường xuyên, có những vấn đề về da mặt sạm màu, mụn li ti mình nghĩ 1 chiếc máy/chổi rửa mặt sẽ là 1 khoản đầu tư cực kì cần thiết và có lí. Nếu da bạn quá nhiều mụn hoặc mẫn cảm thì thay vì bỏ nhiều tiền ra mua 1 em và trông mong vào những điều kì diệu, hãy tìm đến các chuyên gia hoặc bác sĩ da liễu xin vài lời khuyên đã”.
Theo các chuyên gia làm đẹp, lựa chọn máy rửa mặt tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng chi trả và nhất là da mặt của mỗi người. Người tiêu dùng không nên chạy theo trào lưu, tránh lãng phí vô ích và làm hại da mặt của mình./.