Chuyện của chồng... hèn
Một người chồng sau khi mất tất cả kể lại câu chuyện “biếu vợ” của mình trong ân hận muộn màng. “Cô ấy đã tới bên tôi. Cô ấy là một người con gái mà tôi có mơ cũng không dám với tới, khi tôi đang ở tận cùng của sự tuyệt vọng. Mặc cho sự cấm cản của gia đình, cô ấy vẫn quyết lấy tôi. Cuối cùng cha mẹ cô ấy vì sợ mất con nên đành chấp nhận một chàng rể không nghề nghiệp, không bằng cấp, không nhà cửa, tiền đồ như tôi.
Sau khi kết hôn, cha mẹ cô ấy vì không muốn con gái phải sống khổ sở nên đã mua cho vợ chồng tôi một căn hộ chung cư, xin cho tôi một công việc. Những ngày tháng đó tôi như được sống trong mơ, chính cô ấy đã cứu rỗi cuộc đời tôi.
Tôi nguyện cả đời yêu vợ, cả đời sẽ mang hạnh phúc đến cho vợ. Vậy mà thời gian trôi đi lòng người cũng đổi thay. Chính tay tôi đã đem vợ đi “biếu” sếp chỉ để có được cái chức vụ mà gã sếp ấy đã hứa mang đến cho tôi.
Tưởng rằng mọi chuyện sẽ kết thúc ở đó, nhưng không ngờ một tháng sau vợ tôi nhận được những bức ảnh nóng từ chính gã sếp bỉ ổi. Ngoài những hình ảnh ấy ra ông ta còn đòi được ân ái, vợ tôi như chết lặng sau khi phát hiện ra tất cả.
Đêm đó tôi đã diễn một màn kịch hoàn hảo, khi cô ấy say cũng là lúc tôi nhường giường cho gã sếp vô đạo. Vợ chồng tôi vẫn sống hạnh phúc sau khi màn kịch kết thúc, kể từ đó tôi cố gắng yêu thương để bù đắp lại những lỗi lầm mình gây ra. Chức vụ mà tôi nhận được là niềm vui sướng hãnh diện của cô ấy nhưng đằng sau nó là cả một nỗi đau, nỗi ám ảnh trong cuộc đời tôi.
Những ngày sau khi phát hiện ra sự thật cô ấy trở nên trầm cảm, mặc dù không còn nghĩ đến ý định tự tử nữa nhưng kể từ đó cô ấy không nói chuyện với ai, không tiếp xúc với bất kỳ ai.
Phải mất hơn 2 tháng nằm viện điều trị cô ấy mới bình phục trở lại. Bố mẹ vợ quyết từ bỏ tôi, bạn bè coi thường tôi, và chính cái chức vụ mà tôi đã đánh đổi cả vợ để có cũng mất đi nhanh chóng”.
Ở góc độ xã hội, chuyên gia tâm lý Đỗ Thảo Hương (Trung tâm Linh Tâm) cho rằng, nhiều người chấp nhận quan hệ ngoài luồng để thỏa mãn mục đích vật chất của mình. Cũng theo lời kể của chị Hương, trong một lần tư vấn cho khách hàng chị đã nghe một câu chuyện không phải hi hữu nhưng cũng nhói lòng:
Anh chồng vì lâu không được thăng quan, tiến chức trong khi năng lực cũng không xoàng nên đã tìm cách cho sếp để được “ghế” trưởng phòng.
Câu chuyện cứ từng bước diễn biến theo ý đồ của anh chồng. Ban đầu chỉ là cuộc gặp gỡ bình thường, thấy sếp có vẻ ngưỡng mộ vẻ xinh đẹp, dịu dàng của vợ nên anh chồng đã nung nấu ý định “dâng” vợ cho sếp. Những cuộc gặp sếp nhiều hơn, lần nào người chồng cũng kéo vợ đi cùng.
Và chuyện gì đến cũng đến, cuộc “mặc cả” nửa đùa nửa thật sếp nói:“Cậu cho tớ mượn vợ, tớ cho cậu mượn ghế trưởng phòng”... Anh chồng cũng ớm ờ: “Miễn là sếp mượn rồi trả em là được”. Vậy là có cuộc chúc tụng sếp tại nhà vợ chồng nhân viên. Tối anh chồng ngủ trên sô-pha còn sếp vào “nhầm” phòng ngủ.
Sáng ra, mọi chuyện đã “an bài”, chẳng ai nói một câu gì. Anh chồng cũng được thăng chức trưởng phòng và lại ngấp nghé chức phó giám đốc, tuy nhiên, quen mùi, chị vợ xinh đẹp lại có nhiều lần đi “ăn” một mình với sếp khiến anh chồng há miệng mắc quai. Đau khổ, bất lực, anh chồng tìm đến Trung tâm nhờ tư vấn.
Đừng đánh đổi yêu thương
Kể câu chuyện về người chồng “dâng vợ” ở trên, chị Hương lắc đầu: “Chúng tôi cũng chẳng biết khuyên họ như thế nào có tiếp tục hay chấm dứt mối quan hệ kiểu này. Chúng tôi đưa ra những tình huống, phân tích kỹ nó để những người trong cuộc tự tìm cách giải quyết.
Thú thực, ngoại tình kiểu này không phải phổ biến, nhưng tình thường dính đến tiền, và hệ lụy sau ngoại tình cũng là chuyện đưa đẩy khôn lường... Ngoại tình đến độ khiến cho đối phương tán gia bại sản, ngoại tình có chiến lược, có dàn dựng, có thỏa hiệp mới là những kiểu ngoại tình quái chiêu (như kiểu clip sex tự quay) không phải ai cũng dám làm”.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, ngoại tình là cả một câu chuyện dài với hàng trăm lý do và hàng ngàn cảnh ngộ. “Trong quá trình tư vấn tâm lý, nhiều người hỏi tôi rằng, ông ủng hộ hay phản đối chuyện ngoại tình? Hành vi đó có đáng bị lên án hay không?
Tất nhiên, không ai ủng hộ chuyện ngoại tình và cũng không thể bao biện cho những lý do này khác dẫn đến “căn bệnh” này. Vẫn biết, ít có cuộc hôn nhân nào trọn vẹn đôi bề mà không gặp phải những thiếu hụt, có những nhu cầu người ta không được đáp ứng và muốn tìm sự đồng cảm, sẻ chia từ người thứ ba. Chúng ta vẫn có cách giải quyết hay hơn việc đi ngoại tình”.
Cùng quan điểm, chuyên gia tâm lý Đỗ Thảo Hương cũng cho rằng: “Trong quá trình tư vấn, chúng tôi không bao giờ nói thẳng rằng, phê phán hay lên án chuyện ngoại tình. Chúng tôi chỉ tư vấn, mọi người nên làm thế này, nên làm thế kia sao cho đúng đạo lý, ứng xử trong xã hội. Văn hóa truyền thống của người Việt Nam không bao giờ cổ súy, tuy nhiên thực tế diễn ra cũng có thể cảm thông được. Có trường hợp, người trong cuộc không đáng bị lên án. Họ cũng là những con người, mọi chuyện đều có thể xảy ra mà chẳng ai nói trước được”.
Chuyên gia tâm lý, TS Trịnh Trung Hòa bày tỏ: Trong xã hội ngày nay, ngoại tình đã phổ biến và trở thành căn bệnh khó có thuốc chữa. Chuyện quan hệ nam nữ ngoài luồng với một người khác vợ hoặc chồng mình nhằm mục đích vụ lợi hoặc để được thăng tiến trong công việc thì tôi không coi đó là ngoại tình.
Đó là sự mua bán, đổi chác một cách đê tiện. Tuy nhiên, cái mà họ đem ra đổi chác, mua bán đó chính là nhân cách của họ. Những giá trị đó liên quan đến đạo đức, nhân phẩm, lẽ ra người ta phải giữ gìn, nếu mất đi họ sẽ chẳng còn giá trị gì. Vậy mà nhiều người đã can tâm đánh đổi để đạt được mục đích thấp hèn. Điều đó thật đáng bị lên án, GS Trịnh Trung Hòa bày tỏ.
TS Trịnh Trung Hòa dẫn chứng về trường hợp của một nữ bác sĩ gây xôn xao dư luận trước đây. Theo TS Hòa, đó là những hành vi bỉ ổi. Trong 3 con người đó, kẻ bỉ ổi nhất là ông chồng. ông ta biết vợ đi cặp bồ mà vẫn để cho vợ tiếp tục quan hệ với tình nhân, thậm chí còn quay lại clip để gây sức ép với ông cán bộ kia.
Người đàn ông này còn tỏ thái độ xót xa khi phải cắn răng công bố clip sex của vợ với người tình. Nhưng đó là đạo đức giả, thể hiện sự táng tận lương tâm, sự suy đồi về lòng tự trọng. Người vợ trong một phút yếu lòng, lỡ yêu người đàn ông không phải chồng có thể thông cảm được. Nhưng khi biết chồng mình có ý đồ đen tối mà vẫn “nối giáo cho giặc” thì đúng là không có nhân cách.
Có thể nói, có nhiều con đường để tiến thân. Nhưng tiến thân bằng cách đê hèn, “hiến vợ” hoặc cả vợ cả chồng cùng “chung tay” quả là... rùng mình. Ngay cả khi, nếu sự việc êm thấm, thì chính bản thân họ, những người vợ, người chồng ấy có “nhìn” nhau thanh thản được không? Hay chính họ cũng sống trong sự giả dối với chính bản thân mình. Bởi, mái nhà, nơi trú ngụ cuối cùng của mỗi con người dường như đã trở thành sự “lột trần” trơ trẽn...u