Đó chỉ là một vài trong những sai lầm nghiêm trọng của Bản án sơ thẩm số 163/2015/HSST ngày 14/9/2015 của TAND quận Nam Từ Liêm. Bản án trên bị bị cáo Nguyễn Văn Khai và người liên quan Nguyễn Văn Khoan kháng cáo vì mức án quá nặng, mức bồi thường không hợp lý; VKSND quận Nam Từ Liêm cũng kháng nghị vì mức án tuyên đối với bị cáo quá cao. Luật sư bào chữa cho bị cáo Khai cho rằng bản án sơ thẩm trên có quá nhiều vi phạm nghiêm trọng về cả nội dung và tố tụng không thể khắc phục được nên đề nghị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại.
Bất cẩn gây tai nạn
Theo nội dung bản án, khoảng 17h ngày 11/11/2014, trên đường gom từ Đại lộ Thăng Long hướng từ Hòa Lạc về trung tâm Hà Nội, khi qua cầu vượt Tây Mỗ khoảng 300m (địa bàn xã Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Nguyễn Văn Khai (SN 1990, quê xã Trực Thái, Trực Ninh, Nam Định) có hành vi điều khiến xe máy BKS 18T1- 3839, có giấy phép lái xe, chở Lưu Hồng Đức, do thiếu quan sát nên đã va chạm với xe máy của chị Lê Thị Thùy D. (đang mang thai 32 tuần tuổi) điều khiển theo hướng ngược chiều đang chuyển hướng rẽ trái vào đường vòng nối sang quốc lộ 70, gây tai nạn.
Hậu quả, chị Lê Thị Thùy D. tử vong trên đường đi cấp cứu, thai nhi 32 tuần tuổi cũng không cứu được, anh Lưu Hồng Đức bị thương tật 23%, hai phương tiện bị hư hỏng nặng.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn, gia đình Khai đã bồi thường cho gia đình chị D. số tiền 135 triệu đồng. Chiếc xe máy BKS 18T1- 3839 mà bị cáo điều khiển do ông Nguyễn Văn Khoan làm chủ sở hữu được mua bảo hiểm của Cty Bảo hiểm Quân đội (MIC) chi nhánh tại Nam Định nên MIC Nam Định được xác định có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bản án của TAND quận Từ Liêm |
Ngày 14/9/2015, TAND quận Nam Từ Liêm mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Đại diện Công ty MIC chi nhánh Nam Định vắng mặt do nhận giấy triệu tập muộn. Bị cáo Khai thành khẩn nhận tội, tỏ ra ân hận chỉ vì thiếu quan sát mà phạm tội và xin được hưởng mức án khoan hồng để sớm được trở về lao động bồi thường cho gia đình người bị hại.
Đại diện VKS đề nghị mức án từ 12 - 15 tháng tù giam. Tuy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và phạm tội với lỗi vô ý nhưng Hội đồng xét xử TAND quận Nam Từ Liêm vẫn xác định bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng là “phạm tội với phụ nữ mang thai” và tuyên phạt Nguyễn Văn Khai mức án 4 năm tù.
Sau bản án sơ thẩm, phía người bị hại không kháng cáo. Tuy nhiên, bị cáo Khai không đồng ý với phán quyết của án sơ thẩm nên đã kháng cáo. Ngày 23/9/2015, VKSND quận Nam Từ Liêm ra Quyết định kháng nghị số 02/QĐ-KNPT kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số 163 ngày 14/9/2015 của TAND quận Nam Từ Liêm về phần hình phạt đối với bị cáo Khai vì cho rằng “Tòa án không xem xét áp dụng những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo và đã tuyên bị cáo 4 năm tù là quá nghiêm khắc so với tính chất hành vi phạm tội”. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn Khoan cũng có đơn kháng cáo về phần hình phạt, mức bồi thường.
Vi phạm nghiêm trọng, cần phải hủy án sơ thẩm
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Khai, hồ sơ vụ án có nhiều vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS). Cụ thể, tại Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông vào hồi 17h50 ngày 11/11/2014 thể hiện trong phần các thành phần tham gia, chứng kiến khám nghiệm hiện trường không có mặt kiểm sát viên.
Biên bản kiểm tra xác định biển báo giao thông thể hiện: ngày 29/12/2014 (tức sau khi vụ tai nạn xảy ra được 1 tháng 18 ngày) cơ quan điều tra mới lập biên bản kiểm tra xác định biển báo giao thông nên không đảm bảo tính chính xác vì theo thời gian, rất có thể các biển báo giao thông đã bị thay đổi. Bên cạnh đó, việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, không xác định cụ thể mức độ lỗi của mỗi bên đã quy kết bị cáo có lỗi là chưa thuyết phục.
Chưa hết, ngày 22/12/2014 Công an quận Nam Từ Liêm ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Khai nhưng đến tận ngày 16/1/2015 (21 ngày sau), VKSND quận Nam Từ Liêm mới phê chuẩn quyết định khởi tố bị can là vi phạm nghiêm trọng Khoản 4 Điều 126 BLTTHS.
Sao bị cáo lại phải bồi thường cả tiền khám nghiệm tử thi?
Tại phần bồi thường, án sơ thẩm còn tuyên bị cáo phải trả khoản tiền khám nghiệm tử thi 4,5 triệu đồng là trái pháp luật. Tại Khoản 5 Điều 1 Quyết định số 01/2014 ngày 1/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ án hình sự hoặc vụ việc giám định do cơ quan điều tra có thẩm quyền trưng cầu do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Hàng năm, cơ quan tiến hành tố tụng phải lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phát kinh phí bảo đảm chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp. Việc sử dụng kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”.
Với những vi phạm nghiêm trọng không thể khắc phục nêu trên, thiết nghĩ TAND TP Hà Nội trong phiên xử phúc thẩm tới đây cần phải tuyên hủy Bản án sơ thẩm số 163/2015/HSST của TAND quận Nam Từ Liêm để điều tra lại từ đầu, giải quyết lại vụ án công minh, đúng pháp luật.