Gia đình tôi bám trụ tại làng quê. Bố là bệnh binh, sức khỏe không tốt như người khác. Khi tôi học lớp 6, mẹ nghỉ chế độ. Vậy là ngoài đồng lương còm, bố mẹ bươn bả làm thêm nuôi bầy con đang tuổi ăn học. Bố chạy chợ, mẹ nhận thêm vài sào ruộng. Không biết có phải do suốt ngày lăn lộn kiếm tiền nuôi các con mà mẹ tôi trở nên khó tính, mẹ hay cằn nhằn, mắng chửi con cái, chê bố thế này thế khác. Bố chán nản, rượu chè liên miên. Bố mẹ hay cãi nhau, lúc ấy anh em chúng tôi thấy thật buồn tủi khi bữa cơm gia đình luôn xảy ra khẩu chiến ác liệt giữa bố mẹ.
Mẹ tôi lao động cật lực, mẹ mong muốn con cái phải thật giỏi giang để cuộc đời mỗi đứa sau này sung túc, an nhàn. (Ảnh minh họa) |
Sau này, bà nội tôi khuyên nhủ bố đừng rượu chè để con cái còn yên tâm học hành. Bố mở quán nhỏ sửa chữa xe đạp, kiếm thêm đồng ra đồng vào. Mẹ tôi nhiều lúc than thở chê bố làm ăn lề mề, chậm chạp. Bố tôi trầm ngâm bên chén nước chè, phả thuốc lào bên hiên, im lặng không nói gì. Cáu quá, bố trừng mắt văng tục vài câu. Bữa cơm cuối ngày buồn thiu.
Mẹ tôi lao động cật lực, mẹ mong muốn con cái phải thật giỏi giang để cuộc đời mỗi đứa sau này sung túc, an nhàn. Mong muốn của mẹ hoàn toàn chính đáng, nhưng cái cách mẹ dạy bảo chúng tôi thật bức bối. Nhất là tôi, một đứa trẻ nhạy cảm, tôi tổn thương ghê gớm sau những câu nói nặng nề, lúc tức giận mẹ chửi mắng chúng tôi hết lời.
Khi 3 anh em chúng tôi đạt thành tích cao trong học tập, mẹ hãnh diện, tự hào với hàng xóm, tự hào với anh em họ hàng. Nhưng khi chúng tôi thất bại, mẹ nạt nộ, khóc lóc, chửi mắng khiến chúng tôi đi về như cái bóng trong nhà. Sĩ diện đối với mẹ là nhất. Mẹ hiếm khi động viên con cái, mẹ chỉ quen chì chiết. Câu ca dao mẹ hay đọc cho chúng tôi nghe, đến giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi : "Thế gian trọng của, trọng công. Nào có ai trọng người không bao giờ".
Ngày đó, tôi chỉ biết chúi mũi vào sách vở, không mấy khi giao lưu bạn bè nên tôi rất cô đơn. Lúc tôi thi trượt, bạn bè bên cạnh chẳng còn mấy người. Tôi nhớ lúc đi cắt lúa, mẹ bảo tôi "mày sang xách dép cho cái Hằng cạnh nhà. Nhà nó cấy gặt, bạn bè đến giúp công, mẹ nó mát mặt". Mẹ than trời, số mẹ khổ, chồng con vô dụng chả được nết gì. Chúng tôi chỉ biết cúi gằm mặt xuống thửa ruộng, chị em chúng tôi đã khóc cay đắng trong một ngày nắng gắt như thế. Cứ lâu lâu sau một buổi đi gặp người thân quen về, mẹ lúc nào cũng ca tụng con cái nhà cô bác này học giỏi mà giản dị, ngoan. Sao con mẹ chả được như thế?.
Chị em tôi vụng về khoản bếp núc, thay vì hướng dẫn mẹ lại được dịp so bì "chúng mày không khôn ngoan, nhanh nhẹn như mấy chị con nhà bác". Khổ sở nhất là vụ tôi thi trượt đại học, mẹ mắng nhiếc đến phát khiếp. Mẹ còn bảo "hay mày ngày xưa đi học chuyên quay cóp bài bạn mà được học sinh giỏi? Tốt nhất mày về quê cấy lúa, rồi lấy thằng nọ thằng kia cho tao đỡ khổ".
Lúc đi học trường nghề về nhà chịu cảnh thất nghiệp vài tháng, không ngày nào mẹ không kêu ca mỏi miệng. Mẹ nhìn tôi móc máy "hay mày ra chợ Long Biên mà buôn hoa quả, chứ cứ nuôi mày ăn không ngồi rồi thế này lấy đâu cơm?" Lúc đó, chị em tôi đều đã tuổi đôi mươi, nhưng hiếm khi có bạn bè đến chơi nhà. Tôi nghĩ một phần do mẹ tôi rất lạnh nhạt với khoản bạn bè giao tiếp của con. Mẹ luôn nói sau này học giỏi, có nghề ngon kiếm đâu chả được chồng xịn.
Cái tính so sánh không ngừng của mẹ khiến chị em chúng tôi không mấy khi vui vẻ. (Ảnh minh họa) |
Cái tính so sánh không ngừng của mẹ khiến chị em chúng tôi không mấy khi vui vẻ mỗi lúc trở về quê nhà. Tôi đau xót khi mẹ tôi vô tâm nói những lời dao cứa, lúc tôi sinh nở đang còn rất đau đớn, mẹ thao thao bất tuyệt với mấy bà cùng phòng sản "con gái lấy được chồng giàu thì bố mẹ mới sướng, con gái phải xinh phải giỏi, đố thằng chồng nào dám coi thường". Gia cảnh nhà chồng tôi bình thường, vợ chồng tôi hoàn toàn tự lập với đồng lương công nhân lo cuộc sống cũng trầy trật. Mẹ đã đánh một đòn đau khiến tôi òa khóc nức nở lúc nằm viện. Trong mắt mẹ, giá trị của tôi thật thấp kém, mẹ chả còn gì để khoe khoang về tôi nữa.
Mấy anh em chúng tôi đều đã trưởng thành, đôi lúc ngồi vui vẻ nói chuyện là thế nào mẹ cũng xen vào vài câu lửng lơ, kể vài người bạn của anh em tôi giờ thành đạt thế nào. Chúng tôi thường đánh trống lảng, không vào hùa trong câu chuyện không có hồi kết của mẹ. Mẹ không nhận ra, sự so sánh không có điểm dừng của mẹ chỉ làm chúng tôi phẫn nộ. Năng lực của mỗi người khác nhau, điểm xuất phát và quan điểm sống không ai giống ai nên nhiều khi mỗi người nên bằng lòng với những gì mình có, để cuộc sống có thật nhiều những gam màu tươi vui và hạnh phúc.