Hoạt động buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp dù đã có sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ. Ảnh: MH |
Từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 828.488 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trong đó có 117.714 vụ buôn lậu, chiếm trên 14% tổng số vụ vi phạm bị bắt giữ, xử lý.
Đáng chú ý, riêng trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã thu giữ 7.548.378 lít xăng dầu. Gần đây nhất, ngày 9/12/2013, tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 45 hải lý về phía Đông Nam, lực lượng Cảnh sát Biển 4 đã kiểm tra, bắt giữ tàu HADUCO chở 2.125.626 lít dầu DO không có giấy tờ hợp pháp. Đây là vụ bắt giữ xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay.
Việc đấu tranh phòng ngừa vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu bất hợp pháp cũng đạt những kết quả tích cực. Sau 9 tháng triển khai Đề án phòng ngừa, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 1.691 vụ.
Số tiền phạt hành chính thu được từ 1.691 vụ này là 2,839 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ quan này cũng thu giữ 54.614kg gà lông, 200.741kg gà thịt, 2.764.019 quả trứng, 9.729kg phụ phẩm gia cầm nhập lậu (nội tạng, chân, cổ, cánh), 1.587.313 con gà giống, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy là 3,631 tỷ đồng.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Hoạt động buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp dù đã có sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng”.
Cốt lõi là giải quyết công ăn việc làm cho cư dân biên giới
Dẫn chứng nhiều vụ buôn lậu “đình đám” lọt qua cửa khẩu, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt câu hỏi, lực lượng có liên quan làm ngơ, bất lực hay “đâu đó lấp ló tiêu cực bỏ qua cho buôn lậu”? Còn đại biểu Trần Du Lịch thì cho rằng: “Chúng ta chưa đánh giá hết hệ quả nghiêm trọng của hàng giả. Hệ quả là phá hoại nền kinh tế Việt Nam, làm mất niềm tin tất cả doanh nghiệp, kể cả ngành nông nghiệp Việt Nam”.
Ông Lịch cũng nghi ngờ: “Phải chăng tiêu cực trong nội bộ những người chống tiêu cực”?. Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn: “Không thể không có tiêu cực trong lực lượng chức năng phòng chống buôn lậu, trong đó có cả quản lý thị trường”. Tuy nhiên theo Bộ trưởng, tiêu cực chỉ là số ít.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng tỏ rõ sự không bằng lòng khi việc chống buôn lậu chỉ “nhằm” vào bắt những người làm thuê, trong khi lẽ ra phải đánh vào đầu nậu. “Chúng ta không giải quyết phần gốc mà chứ xử phần ngọn thì sao giải quyết được vấn đề” - ông Lịch nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận nếu chỉ bắt và xử lý những người mang, vác hàng lậu nhỏ lẻ ở khu vực biên giới thì không có nhiều ý nghĩa. Bởi tại khu vực này, nhiều người dân vì mưu kế sinh nhai nên tham gia mang, vác hàng lậu một cách vô thức. Theo Bộ trưởng, giải pháp cốt lõi là phải giải quyết tốt công ăn việc làm cho cư dân biên giới.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Ủy ban Tư pháp) và đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Ủy ban Quốc phòng - An ninh) đều nhận định: “Dường như chúng ta chưa có giải pháp để ngăn chặn, có sự bao che, tiếp tay trong thuốc lá, xăng dầu”. Tuy nhiên, các vụ vi phạm bị xử lý hình sự rất ít, mà chủ yếu là xử lý hành chính. Hai đại biểu này cùng muốn biết giải pháp sắp tới của người đứng đầu ngành Công Thương.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn nhiều nguyên nhân, trong đó có lực lượng quản lý thị trường hiện còn mỏng so với yêu cầu. Cùng tham gia giải trình về vấn đề này, đại diện Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cũng cho rằng, nguyên nhân ít xử hình sự các vụ buôn lậu còn do vướng mắc về cơ chế pháp luật.
Chính vì vậy, trong phiên giải trình, nhiều đại biểu đề nghị cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý thì việc bổ sung lực lượng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đồng thời xử lý nghiêm tiêu cực là những giải pháp quan trọng trong việc hạn chế buôn lậu qua biên giới.