Lời “kêu cứu” của VBA
Văn bản kiến nghị mà ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch của VBA ký ngày 27/2 để trình lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cho hay, ngay từ đầu năm 2020, ngành này bị ảnh hưởng bởi tác động kép do Nghị định 100 và ngay sau đó là ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Vì vậy, tình hình sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn.
Trong đó, văn bản cũng đã trích dẫn báo cáo của công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và SSI cho thấy ngành bia rượu sẽ giảm 10 - 20% sản lượng tiêu thụ trong năm 2020. Kèm theo đó là số liệu doanh nghiệp giảm 40-50% và một số nhà hàng ăn uống giảm đến 70-80% .
“Việc giảm sản lượng tiêu thụ, có tác động tiêu cực làm giảm doanh thu. Điều này sẽ làm không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bia rượu. Mà còn ảnh hưởng đến các đối tác khác như nhà sản xuất và giải quyết công ăn việc làm của người lao động” - văn bản nêu.
Bên cạnh đó, văn bản cũng cho biết, ngành bia rượu đã đóng góp cho ngân sách 60.000 tỉ đồng mỗi năm. VBA dự báo năm nay, với việc giảm sản lượng tiêu thụ sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, nội dung văn bản mà Chủ tịch VBA nêu ra và đề nghị Chính phủ gỡ khó cho ngành này, đó chính là việc giảm một số loại thuế phí và trong thời gian tới cũng tạm hoãn tăng một số loại phí, thuế.
Văn bản của VBA. |
Ngoài ra VBA cũng đề nghị, Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định trong xử phạt hành chính liên quan tới việc sử dụng bia rượu, vì mức sử phạt hiện nay là quá cao so với thu nhập của người dân. Đặc biệt là mức phạt đối với xe máy và các địa phương vùng sâu vùng xa.
Có thể nói, trong bối cảnh chung, dịch Covid- 19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội và các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đều bị ảnh hướng lớn. Hiện chính phủ, các bộ, ngành cũng đang tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nguồn thu có bù được mối lo của toàn xã hội?
Tuy nhiên, trong một báo cáo mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.248 người chết vì TNGT. Còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho hay, TNGT tại Việt Nam đã gây thiệt hại 2,5% GDP mỗi năm cho Việt Nam, tương ứng với 300 - 500 tỉ đồng mỗi ngày.
Ngoài ra, WHO chỉ ra rằng, thuế đối với bia rượu ở Việt Nam còn khá thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi các quốc gia khác mức thuế đang dao động từ 40 - 85%. “Mức thuế chỉ khoảng 30% cũng chính là nguyên làm cho mức tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam nằm trong top 5 thế giới” - WHO nêu.
Tại Hội nghị “Tham vấn Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”cho thấy, tỷ lệ dân số sử dụng rượu, bia ngày càng trẻ hóa chiếm đến 47,5% (14-17 tuổi) và trong độ tuổi 18-21 là 67%.
“Bia, rượu không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai, đặc biệt là chất lượng giống nòi. Đồng thời, tỷ lệ phụ nữ chịu hậu quả từ người thân trong gia đình sử dụng rượu bia (50%) nhiều hơn gấp 7 lần so với nam giới (14,9%), 21% trẻ em đã chịu tác hại từ việc sử dụng rượu bia của người xung quanh và 14%. Trẻ em đã chịu ít nhất một trong năm tác hại liên quan” - PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, đã khẳng định.
Chi phí giải quyết các tác hại của rượu, bia đang tạo gánh nặng cho nền kinh tế và hệ lụy đối với xã hội. |
Rõ ràng, việc giải cứu hay không thì cũng phải nhìn vào tình hình thực tế. Bởi hàng năm, chi phí giải quyết tác hại của rượu, bia không chỉ đang tạo gánh nặng cho nền kinh tế và ngân sách quốc gia, mà còn hệ lụy của bia, rượu đối với gia đình và xã hội cũng đang là vấn đề đáng báo động.
Vì vậy, có "giải cứu" ngành bia, rượu không, hay là các doanh nghiệp phải tự chuyển hướng mô hình sản xuất kinh doanh? Đây là bài toán mà cả Chính phủ và doanh nghiệp phải tìm lời giải, để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp, vừa phải đảm bảo phát triển bền vững của xã hội.