Nhà tôi và nhà cô bé hàng xóm cách nhau một bức tường. Bức tường cũ bong tróc vữa để lộ lớp gạch đỏ nằm trầm tư đếm bước chân thời gian. In lằn dấu mưa, dấu nắng, những viên gạch bở vụn, bột gạch màu hồng cam mịn như bột mì cứ mỗi khi ngón tay gió vô tình khẽ chạm là rơi rơi phủ một lớp dày chân tường rêu mốc.
Với thứ bột diệu kì ấy lũ trẻ chúng tôi bày được bao nhiêu trò nghịch ngợm. Bột gạch nhào với nước cho quánh lại rồi gói vào lá râm bụt cột lại bằng dây rơm thành những chiếc bánh chưng để chơi bán đồ hàng. Nó cũng làm gia vị nêm vào chiếc chảo làm bằng miếng ngói vỡ với dăm ba thứ lá cây dại xé nhỏ đặt trên hai viên gạch được kê làm bếp.
Lũ chúng tôi còn dùng nó để xây thành những lâu đài tí hon và tưởng tượng mình là những công chúa, hoàng tử trong ngôi lâu đài đó. Hay là rây đều bột gạch lên nền ngõ rồi dùng đầu ngón tay vẽ lên đó những ước mơ ngày mai lớn lên, nắn nót từng nét vẽ rồi ngồi ngắm nghía những bức tranh không biết chán. Chúng tôi gom bột gạch đổ đầy vào những chiếc hộp kẹo C và cất giữ như những báu vật.
Bên kia là nhà của một cô bé ít hơn tôi một tuổi. Mẹ cô bé đi xuất khẩu lao động tận Đài Loan, em ở với bố. Bố đi làm là khóa cửa nhốt em trong nhà không cho đi chơi với đám bạn trong xóm. Từ sáng sớm đến chiều muộn em cứ quanh quẩn lủi thủi chơi một mình với con gấu bông cũ, bộ lông loang lổ đủ thứ màu nào là màu mực tím, màu xỉn nước trà, màu lấm lem bẩn lại còn mất một mắt. Chúng tôi biết nhiều lần em ôm con gấu bông đứng nép áp tai vào tường nghe tiếng cười đùa của chúng tôi bên này. Chắc em muốn sang chơi với chúng tôi! Chắc em buồn lắm, tủi thân lắm!
Thế là chúng tôi nghĩ ra một cách, những thám tử tí hon lần mò tìm từng xen ti mét trên bức tường phát hiện ra một khe hở nhỏ giữa hai viên gạch. Chẳng đứa nào bảo đứa nào, mỗi đứa bẻ một cành cây xúm xít mài mài cho lỗ hổng to dần, bằng quả cau rồi bằng cả nắm tay. Chúng tôi khoái chí khi bao nhiêu ý nghĩ cứ tinh nghịch nhảy nhót trong đầu như lũ chim chuyền cành.
Lũ chúng tôi chen nhau ghé đầu sát lỗ hổng í ới gọi cô bé, nghe tiếng bước chân cuống quýt, thấp thoáng cái bóng áo màu cháo lòng rồi đôi mắt đen lay láy chớp chớp và nụ cười như hoa mười giờ của em. Từ đó, ngày nào chúng tôi cũng túm tụm quanh lỗ hổng đó kể cho cô bé nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, có khi là những câu chuyện hóng được từ người lớn, có khi là những câu chuyện ma tự bịa hay chuyện ở trường, ở lớp,… Còn cô bé kể cho chúng tôi nghe về những trận đòn roi của bố, kể về con gấu bông mẹ mua cho em trước lúc đi xuất khẩu lao động, kể về những giấc mơ, kể về nỗi nhớ mẹ…
Có lần chúng tôi kéo nhau đi thả diều bỏ cô bé hàng xóm ngồi khóc một mình cạnh lỗ hổng trên bức tường gạch. Em giận, chúng tôi luống cuống chẳng biết phải làm gì để xin lỗi, chụm đầu nhỏ to rồi chia nhau đi hái đầy một mũ nan hoa xuyến chi kết thành một chiếc vòng nguyệt quế, đưa qua lỗ hổng, cô bé đội lên đầu soi gương, làm dáng, cười toe toét thế là xí xóa hết giận dỗi.
Cũng có lần mặc sức chúng tôi gọi khản cả cổ họng mà chẳng thấy cô bé đâu, hỏi ra mới biết em bị ốm, bố đưa qua nhà bà ngoại ở làng bên nhờ bà chăm sóc. Mấy hôm sau vừa về đến nhà em đã cuống quýt chạy lại phía cái lỗ hổng, em tròn mắt ngỡ ngàng khi cái lỗ hổng được kết đầy hoa xuyến chi và ở giữa là chiếc kẹo mút cùng một mẩu giấy xé trên có dòng mực tím nguệch ngoạc: “Sớm khỏi bệnh nhé!”.
Giờ đây, bức tường cũ bong tróc vữa để lộ lớp gạch đỏ đã bị phá bỏ và thay vào đó là bước tường mới sơn trắng xóa. Cô bé hàng xóm đã đi lấy chồng còn tôi thì lên thành phố trọ học. Thời gian trôi qua kẽ tay, tất cả đều bước về phía ngày hôm qua, tất cả chỉ còn là kỉ niệm.