Hôm qua (13/4), tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) năm 2016 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận đã tập trung về vấn đề này.
Kiêm nhiệm dễ dẫn tới làm ẩu
Đa số các ý kiến đều cho rằng định hướng xây dựng Luật ĐGTS là nâng cao tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa của nghề ĐGTS nên để đạt được mục tiêu này thì cần việc quy định ĐGV không kiêm nhiệm các ngành, nghề khác là cần thiết. Quy định như vậy cũng đồng bộ, thống nhất với một số quy định của các nghề bổ trợ tư pháp.
Cụ thể, hiện nay, Luật Công chứng đã có quy định cấm công chứng viên kiêm nhiệm các công việc thường xuyên khác. Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về Thừa phát lại đã quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại là không kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc dự thảo Nghị định quy định người được cấp Thẻ ĐGV không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thừa phát lại, quản tài viên và những công việc thường xuyên khác theo quy định của pháp luật là phù hợp với định hướng chuyên nghiệp hóa và pháp luật về bổ trợ tư pháp.
Ủng hộ quy định này, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt - cho rằng, nếu ĐGV được kiêm nhiệm ngành, nghề khác thì họ sẽ không đủ tâm trí để hành nghề, dễ dẫn tới làm ẩu, thậm chí có thể gây ra các tổn thất lớn cho xã hội. Cũng bày tỏ đồng tình, đại diện Vụ pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) đề xuất cần làm rõ hơn khái niệm “những công việc thường xuyên khác theo quy định của pháp luật” để tránh các cách hiểu khác nhau.
Song đại diện một số đơn vị như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vẫn băn khoăn bởi Hiến pháp đã quy định chỉ hạn chế quyền con người, quyền công dân trong Luật mà Luật không cấm kiêm nhiệm thì Nghị định có nên cấm ĐGV kiêm nhiệm các công việc khác.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu cần rà soát lại tổng thể cơ sở pháp lý và đánh giá thực tiễn để đưa ra quy định phù hợp nhất.
Quy định để DN không e ngại khi chuyển đổi
Ngoài nội dung về kiêm nhiệm, việc đăng ký hoạt động của DN ĐGTS thành lập trước ngày Luật ĐGTS có hiệu lực cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Theo đó, để đảm bảo việc DN ĐGTS được thành lập, đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thuận lợi, đơn giản thủ tục hành chính và hoạt động đấu giá của DN được ổn định, liên tục, dự thảo Nghị định đã có quy định về việc đăng ký hoạt động của các DN này.
Tuy đã phân biệt rõ các trường hợp để chuyển đổi nhưng đại diện Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng hầu hết các DN sẽ chọn phương án giải thể, thành lập mới để tiếp tục hành nghề thay vì chuyển đổi bởi vấn đề pháp lý còn nhiều vướng mắc và chi phí chuyển đổi cũng không hề nhỏ. Thắc mắc khi không thấy quy định về trình tự, thủ tục thành lập mà chỉ quy định về trình, tự thủ tục đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề nghị, dự thảo cần quy định một cách đầy đủ để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi giúp các DN không còn e ngại trong việc chuyển đổi.