Điện, đường... là những yếu tố quan trọng tạo nên tăng trưởng. Riêng về điện, dự báo nhu cầu cả năm tăng khoảng 9% và riêng những tháng đầu năm đã tăng 13%; nhu cầu điện miền Bắc lúc cao điểm tăng tới 17%...
Tại cuộc họp này, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong triển khai đường dây 500kV mạch 3, nhiều công việc đã và đang làm tốt, như giải phóng mặt bằng, xây dựng móng, cột, kéo dây. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc về cột, khoảng néo, nhân lực và thông quan thiết bị cũng được chỉ ra cụ thể.
Việc xây dựng đường dây 500kV mạch 3 được người đứng đầu Chính phủ nêu rõ là công việc trọng tâm, trọng điểm, cũng là việc khó, đòi hỏi huy động tổng lực các nguồn lực và phối hợp tốt giữa các lực lượng. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu rà soát, xây dựng lại tiến độ dự án, kiểm soát theo ngày, tuần, tới ngày 20/6 phải hoàn thành việc kéo dây, sau đó thử nghiệm, nghiệm thu và đóng điện chậm nhất ngày 30/6.
Ngoài đường dây 500kV mạch 3, một dự án khác cũng rất trọng tâm, trọng điểm, được Chính phủ rất quan tâm đến tiến độ, là đường bộ cao tốc phía Đông. Có dự án thành phần hoàn thành đưa vào khai thác vượt tiến độ nhiều tháng; tuy nhiên có dự án thành phần đứng trước nguy cơ chậm tiến độ đến 6 tháng.
Trước đây, chậm tiến độ, giãn tiến độ là tình trạng thường gặp với một số dự án. Với dự án đầu tư công, nếu xảy ra tình trạng trên thì tất cả “cùng chịu”; và dù thiệt thòi (về lãi suất ngân hàng, bảo dưỡng máy móc, thiết bị công trình...) nhưng các nhà thầu đều phải “cắn răng”. Những năm gần đây, khi thực hiện các dự án vay ODA, câu chuyện đã khác. Các tổng thầu nước ngoài bao giờ cũng “sòng phẳng”, vì thế một số chủ đầu tư, hoặc pháp nhân thay mặt chủ đầu tư, đã và đang bị kiện, yêu cầu đền bù.
Chậm tiến độ dự án, ngoài chậm giải phóng mặt bằng, năng lực ban quản lý dự án, nhà thầu, thiếu nguồn cung vật liệu... còn có nguyên nhân phân cấp, phân quyền có khi chưa rõ ràng. Chúng ta đang tiến tới quản trị chuyên nghiệp và sòng phẳng về trách nhiệm nghĩa vụ trong dự án.
Một trong những yếu tố tạo nên tăng trưởng đó là “tốc độ”. Chưa có ai thống kê được thiệt hại về kinh tế, ô nhiễm môi trường do ùn tắc giao thông, chậm tiến độ thi công dự án là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là không hề nhỏ. Vì vậy, cần chú tâm hơn nữa đến khâu quản trị dự án; phải nắm chắc nhiệm vụ, kịp thời phản ứng chính sách; tổ chức thực hiện bài bản, đúng quy định của pháp luật; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan... nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị dự án.