Đây sẽ là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng đối với các mặt hàng củ, quả tươi và sản phẩm chế biến của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Ngày 5/9, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, triển khai kết quả đạt được sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Bắc Kinh và sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, cùng với Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Công Thương đồng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Lễ hội trái cây lần thứ 1 tại thủ đô Bắc Kinh, với sự hợp tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đối tác Trung Quốc.
Với chủ đề “Trái cây Việt Nam – Bốn mùa thơm ngon”, Lễ hội bao gồm 01 khu gian hàng quốc gia chung trên quy mô diện tích từ 200-500m2 tại Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, Quận Phong Đài, thành phố Bắc Kinh. Đây là chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Bắc Kinh, phân phối tất cả các loại trái cây của thế giới nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Trung tâm không chỉ phục vụ nhu cầu của hơn 22 triệu người dân thủ đô Bắc Kinh mà còn cả các địa phương lân cận như Hồ Bắc, Thiên Tân… Tại Trung tâm quy tụ nhiều doanh nghiệp đầu mối phân phối hoa quả uy tín và có sức tiêu thụ lớn của Trung Quốc, được trang bị cơ sở vật chất hạ tầng kho lạnh, thiết bị vận chuyển và bảo quản hiện đại các loại trái cây tươi.
Khu gian hàng quốc gia chung của Lễ hội dự kiến bố trí 12 đảo trưng bày sản phẩm chuyên đề các loại trái cây và khoai lang đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và 01 đảo sản phẩm tổng hợp để các doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, giới thiệu và phục vụ khách tham quan trải nghiệm sản phẩm.
Thông điệp quảng bá trái cây Việt Nam dự kiến mang tới thủ đô quốc gia trên 1,4 tỷ dân lần này dự kiến là “Trái cây Việt Nam – Bốn mùa thơm ngon” (phiên âm Hán Việt là: Việt Nam Thủy quả – Tứ quý mỹ vị”) với dụng ý về đẳng cấp trái cây Việt Nam bốn mùa thơm ngon, có khẩu vị, hương vị đặc trưng so với những loại trái cây không được trồng ở khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù như ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ Lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu, phân phối trái cây Trung Quốc, chương trình trải nghiệm sản phẩm, Tọa đàm về tiềm năng xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với thế giới, và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Giá trị xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,33 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 64% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, với nhiều sản phẩm và thương hiệu có chỗ đứng vững chắc tại Trung Quốc, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, trái cây Việt Nam phần nhiều còn xuất khẩu qua đường biên mậu, tiểu ngạch và trực tiếp vào các tỉnh phía Nam Trung Quốc có biên giới tiếp giáp với Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam là chính.
"Để phát triển xuất khẩu bền vững và thu được giá trị cao hơn, đi sâu hơn nữa vào thị trường Trung Quốc, xuất khẩu trái cây Việt Nam cần chuyển mạnh sang chính ngạch kết hợp với quảng bá về hình ảnh và thương hiệu" - Cục Xúc tiến thương mại cho hay.
Cũng theo đơn vị này, việc tổ chức Lễ hội trái cây tại thủ đô Bắc Kinh nhằm quảng bá thương hiệu, hình ảnh về trái cây nhiệt đới ngon, bổ dưỡng của Việt Nam, sẽ thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo các doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế. Đây sẽ là cơ hội tốt để các nhà sản xuất, cung ứng của Việt Nam giới thiệu, quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm trái cây tiêu biểu, cũng như tìm kiếm khách hàng, tăng cường hoạt động giao thương.
Sự kiện này sẽ mở ra cơ sở, kinh nghiệm tổ chức các lễ hội chuyên ngành thường xuyên hơn không chỉ ở Bắc Kinh mà còn ở các địa phương trung nguyên, phía Bắc của Trung Quốc nhằm kết nối, mở rộng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường này.