Vì sao nhà vua lại phải quỳ?
Chùa Hồng Phúc có tên là chùa Hòe Nhai - một trong những ngôi chùa cổ lớn ở kinh đô Thăng Long xây dựng từ thời Lý (1010-1225). Xưa, chùa thuộc phường Hòe Nhai, phía Tây Bắc thành Thăng Long, nay thuộc phố Hòe Nhai, Hà Nội.
Ngoài tuổi đời nghìn năm của mình, chùa Hòe Nhai còn có một sự độc đáo khác mà không ngôi chùa nào có được, đó là một bức tượng to, được sơn son thếp vàng, tượng tạc hình ảnh một nhà vua mặc triều phục đang quỳ gập người, hai bàn tay cung kính mở rộng để trên mặt đất, còn bên trên lưng là một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen đè lên lưng nhà vua.
Tài liệu của Ban quản lý Di tích – Danh thắng Hà Nội cho biết, tương truyền pho tượng gắn với vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680) thể hiện sự sám hối của ông.
Chuyện rằng khi vua Lê Hy Tông lên nắm quyền năm 1675 đã ra chính sách hạn chế Phật giáo, “Phế bỏ tăng lữ”, đuổi hết sư sãi lên rừng, ai ngoan cố không đi sẽ bị khép vào trọng tội đem ra xử trảm. Phật giáo rơi vào thảm cảnh. Chùa chiền bỏ hoang, kẻ cắp tàn phá, nhiều người không chịu được đói rét cởi áo cà sa quay về kiếp phàm trần.
Chứng kiến cuộc pháp nạn của các tăng ni Phật giáo, một vị thiền sư đắc đạo tên Tông Diễn (được mọi người thời bấy giờ gọi là “tổ cua” vì tương truyền có một lần Tông Diễn mua được một mớ cua mẹ sau đó liền thả hết chúng trở về mương vì khi nhìn thấy chúng sùi bọt ông cho rằng chúng đang than khóc cho số phận của mình) đã quyết tâm tìm gặp vua Lê Hy Tông để ngộ giác tư tưởng nhà Vua, cứu lại niềm tin Phật pháp.
Vì khi đó vua Lê Hy Tông đang rất kì thị và căm ghét nhà sư nên Tông Diễn phải cải trang sau đó giả vờ dâng tặng nhà vua một viên ngọc quý, nhưng thực chất bên trong là một tờ sớ được viết bằng tâm huyết của Tông Diễn, giúp vua Hy Tông ngộ ra được chân lý của Phật giáo.
Vua Hy Tông sau khi đọc hết bức sớ chứa đầy những suy nghĩ đúng đắn của vị thiền sư, trong giây lát như bừng tỉnh, thoát khỏi cơn mộng mị. Nhà vua liền lập tức cho triệu ngay Tông Diễn vào triều, cúi mình tạ lỗi trước nhà sư, sau đó thu hồi sắc lệnh cấm Phật giáo và hứa sẽ sửa mình.
Về bức tượng này có quan điểm cho rằng đây là một sự trừng phạt nhưng thực ra ở tầng nghĩa sâu xa đó chính là triết lý “Làm người ai cũng phải sửa bỏ thói hư tật xấu thì mới đạt được kết quả tốt. Ai sống trên đời cũng đều mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là phải biết nhìn nhận và sửa sai, để được tha thứ”.
Chính dáng vẻ của pho tượng cũng toát lên được triết lý này ở dáng quỳ gối phủ phục sát mặt đất nhà vua thể hiện một sự hối lỗi chân thành, một sự thay đổi xuất phát từ sâu sắc trong tim chứ không gượng ép.
Bí ẩn tượng vua Quang Trung?
Vào chùa Bộc, nhiều người biết đến pho tượng Đức Ông thường nằm ở bên phải trong gian Tam bảo. Sự tích của pho tượng này, theo Sư cô Thích Nữ Minh Tâm - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn – Hà Nội thì xưa kia có trưởng giả tên là Tu Đạt Đa vốn là người luôn vui thích làm những chuyện phước đức, bố thí. Trưởng giả tên là Tu Đạt Đa đã bỏ vàng ra lát khu vườn của Thái Tử Kỳ Đà nước Xá Vệ nhằm mua được khu vườn xinh đẹp đó xây tịnh xá cúng dàng đức Phật đến thuyết pháp.
Do công đức lúc sinh thời làm nhiều việc phúc và ủng hộ Phật pháp nên ngài được làm Long Thần hộ pháp tại các chùa. Trong tiềm thức dân gian ngài là vị thần chủ tể ở chùa, là Thập bát long thần ủng hộ Phật pháp và là vị thần trong coi trọng chùa, bảo hộ cho trẻ em…
Dáng vẻ của pho tượng Đức Ông ở chùa hầu hết được tạc giống nhau theo hình dáng quan văn, đầu đội mũ cánh chuồn, mặt đỏ, râu dài, vẻ mặt nghiêm nghị. Thế nhưng, Đức Ông ở Chùa Bộc lại hoàn toàn khác.
Chùa Bộc xưa kia vốn thuộc trại Khương Thượng, sau gọi là làng Khương Thượng quận Đống Đa, Hà Nội, được xây dựng từ thời hậu Lê, thế kỷ 17, có tên chữ là Sùng Phúc Tự hoặc Thiên Phúc Tự nhưng người dân quen gọi chùa là Chùa Bộc. Cái tên nôm này bên cạnh lý do cho dễ nhớ còn có một tầng ý nghĩa khác nữa.
Theo sử sách để lại vào năm 1789, Quang Trung hành quân thần tốc từ Nam ra Bắc đánh tan mấy chục vạn quân Thanh với chiến thắng Đống Đa lẫy lừng. Xác giặc ngổn ngang, la liệt khắp nơi. Chùa Bộc vì nằm giữa chiến trường nên bị thiêu trụi. Sau khi chiến tranh qua đi, người dân dựng lại chùa, vì nhớ đến bãi đất này xưa là chỗ giặc chết ngổn ngang nên mới gọi tên chùa là Chùa Bộc. Chữ “Bộc” được giải nghĩa là phơi bày ra.
Trong Tam Bảo ngôi chùa ngoài thờ Phật thì có một ban thờ Đức Ông ở phía bên phải. Nhưng khác với thông thường, tượng Đức Ông ở đây không chỉ có một mà có đến 3 pho. Trong đó, tượng Đức Ông to hơn, ngồi cao hơn một bậc, ở bậc dưới có hai người ngồi. Trông toàn cảnh thấy như 3 người đang ngồi bàn việc.
Đặc biệt, pho tượng Đức Ông ngồi trên lại đội mũ Xung thiên, một chân để trong hài một chân để ở ngoài, co lên ghế, dáng vẻ rất thoải mái. Ngài mặc áo ngoài có thêu rồng ẩn trong mây, lưng thắt đai trông rất oai nghiêm. Những chi tiết này là một sự bất thường so với tượng Đức Ông phổ biến ở các chùa thường chỉ có một pho và không mặc áo thêu rồng. Hay nói cách khác, tất cả trang phục, dáng vẻ đó là của vị đế vương.
Vì đâu có sự bất thường này hay đây chỉ là một sự sáng tạo trong cách bài trí thờ tự của chùa Bộc? Câu hỏi này đã từng làm đau đầu các nhà nghiên cứu, năm 1962 khi chùa được Bộ Văn Hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia nhà nghiên cứu Trần Huy Bá đã phát hiện dòng chữ ở bệ gỗ phía sau pho tượng.
Căn cứ vào dòng chữ cùng với những chi tiết khác, các nhà nghiên cứu phán đoán, pho tượng được tạc vào năm Bính Ngọ 1846. Hơn 10 năm sau, trên báo Cứu Quốc, số tháng 2/1972, tác giả Đạm Duy kể ra một câu chuyện có phần rõ ràng hơn nữa rằng, chính ông Nguyễn Kiên, một võ tướng cai quản đội tượng binh Tây Sơn, sau trở thành nhà sư, tu ở chùa Bộc đã cho tạc tượng vua Quang Trung dưới dáng vẻ Đức Ông để đánh lạc hướng sự xoi xét của nhà Nguyễn. Bởi sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long triều Nguyễn đã thực hiện một loạt với các cuộc báo thù tàn khốc đối với các tướng lĩnh triều Tây Sơn, với con cháu cũng như với chính linh cốt của vua Quang Trung, mọi việc thờ cúng liên quan đến triều Tây Sơn đều bị nghiêm cấm, và cũng là một lòng tưởng nhớ vị minh chủ của mình.
Cùng với pho tượng, còn có đôi câu đối treo hai bên ngai thờ cũng thể hiện lòng tưởng nhớ đến đức vua Quang Trung: “Động lý vô trần đại địa sơn hà lưu đống vũ. Quang Trung hóa Phật tiểu thiên thế giới chuyển phong vân”.
Dịch nghĩa: “Trong động không bụi nhỏ, đất nước rộng lớn để lại một tòa lâu đài rường cột làm dấu vết. Giữa ánh sáng thành Phật, thế giới cõi tiểu thiên, gió mây đều cảm động mà chuyển vần”. Còn nghĩa ẩn ý là: “Sau trận phá thành, quét sạch quân xâm lược trên núi sông rộng lớn còn lưu lại tòa nhà cao rộng. Vua Quang Trung đã tung ra ức vạn tinh binh làm xoay chuyển cả tình thế”.
Như vậy, ngôi chùa Chùa Bộc được dựng lên không phải để thờ quân lính nhà Thanh chết trận như nhiều người tưởng mà chính là để tôn vinh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu