Chuyện ly kỳ có thực quanh chiếc bát cổ ở Lục Ngạn

Ông Lăng Văn Bình kể lại câu chuyện về bộ bát của mình.
Ông Lăng Văn Bình kể lại câu chuyện về bộ bát của mình.
(PLO) -Ngoài việc tìm thấy những đồng xu cổ tại làng Chính, nhiều hộ dân còn tìm thấy những đồ gốm có giá trị khiến rất nhiều người đổ xô về Lục Ngạn những mong có thể làm giàu, đổi đời. Thế nhưng, càng tìm càng vô vọng bởi kho báu nào chả thấy, chỉ thấy mảnh đất này hợp với cây ăn quả và nhất là vải thiều mà thôi.

Năm chiếc bát biết phát sáng

Trở lại thôn Chính của xã Hồng Giang, chúng tôi tìm đến nhà ông Lăng Văn Bình (60 tuổi), người được cho đang sở hữu một trong những chiếc bát quý giá mà trong một lần đi đánh bắt tôm có được. Ban đầu, tưởng chúng tôi là những người đi tìm cổ vật, ông Bình có vẻ e ngại và quan sát rất kỹ. Hẳn trong kí ức của người đàn ông có vẻ mặt sạm đen ở tuổi 60 hẳn đã có nhiều người đến hỏi về món đồ đó lắm.

Ông Bình kể: “Nhà tôi nghèo, nghèo nhất nhì cái làng Chính này đấy anh ạ. Cái ăn, cái mặc phải lo từng bữa. Vợ thì hay ốm đau nên mọi gánh nặng trong gia đình đều dồn vào tôi cả. Hôm ấy, nhà chẳng có thức ăn, thấy mấy đứa con đói mà tội nghiệp nên tôi đem cái rủi (phương tiện đánh bắt cá của người nông dân trước đây – PV) đi bắt mấy con cá, con tôm về cho gia đình. Lúc ấy trời chuẩn bị tối, có một cơn mưa đang kéo đến rất to.

Tôi loanh quanh nghĩ ra đập Đá Mài đánh bắt cho gần. Lúc tôi đang hì hục đẩy rủi sang bờ đối diện thì thấy bất ngờ một mảng đất cạnh chân mình đổ sụp xuống. Tôi thấy mình giẫm phải thứ gì đó tròn tròn ở chân nên bỏ rủi sờ tay xuống xem cái gì. Lúc đưa lên thì vô cùng ngạc nhiên phát hiện đó là một cái bát màu trắng, trong suốt nhìn rất đẹp.

Tôi tiến lại gần hơn phía bờ đập có mảng đất vừa sụp xuống thì phát hiện không chỉ một mà tới 9 cái bát nữa xếp chồng lên nhau. Dưới cùng của chồng bát là hai cái đĩa. Tiếc là hai cái đĩa đó cùng với năm cái bát ở dưới bị vỡ, tôi nhặt các mảnh vỡ để lên bờ, còn đem năm chiếc bát lành lặn ở phía trên về để ở nhà”.

Dừng lại một lát, ông Bình tiếp tục say sưa: “Tôi đem rửa sạch mấy cái bát đó thì thật kỳ lạ là nó sáng bóng. Bát màu trắng, sáng như pha lê. Tôi chưa bao giờ trông thấy những chiếc bát đó trước đây. Viền của nó màu vàng, miệng bát và trôn bát bằng nhau nhìn rất bắt mắt.

Trên thân bát có khắc nổi hình hai con rồng quay đầu vào nhau, ở giữa chúng là một hình tròn và hai chiếc cây vẽ bằng nét thanh vút lên. Tôi ban đầu nghĩ chắc là bát của ngày xưa để lại nên chỉ lau rửa sạch rồi để lên phía bàn thờ ông bà tổ tiên chứ không dám đem ra dùng ăn cơm hàng ngày”.

Điều kỳ lạ nhất ở năm chiếc bát mà ông Bình nhặt được là cả năm chiếc bát trên bàn khi tắt đèn đi ngủ, ông Bình thấy chúng sáng rực cả một góc nhà. Cẩn trọng cầm một chiếc bát lên xem, trong bóng đêm, qua chiếc bát ông nhìn rõ mọi thứ trong nhà mà không cần đến đèn pin hay vật chiếu sáng nào cả. Tức thì ông gọi vợ và các con dậy cùng mình xem xét hiện tượng kỳ lạ. Vợ ông bảo đó là bát ma và khuyên vứt đi nhưng ông Bình quyết tâm giữ lại. 

Những chiếc bát tìm thấy tại vườn nhà ông Dư Văn Bẩy.
Những chiếc bát tìm thấy tại vườn nhà ông Dư Văn Bẩy.

Sau đó, ông Bình đem cất mấy chiếc bát đi và đi đâu cũng khóa cửa cẩn thận. Có lần ông bảo đi chơi nhà một người bạn, gặp một toán người lạ mặt đi vào thôn, ông cứ thế chạy về trông chừng mấy chiếc bát sợ người ta lấy mất.

Cũng từ ngày có mấy chiếc bát, gia đình ông Bình tuy kinh tế vẫn chưa khấm khá lên là bao nhưng vợ con ông không còn đau ốm lặt vặt nữa. Ai trong gia đình cũng khỏe mạnh. Nghĩ những chiếc bát có thể đem lại nhiều điều may mắn, ông Bình đã đem cả năm chiếc lên bàn thờ để thờ cúng hàng năm.

Ông Bình nhớ lại: “Có một bác là sĩ quan quân đội nghỉ hưu bảo với tôi năm chiếc bát đó là đồ có từ thời nhà Lý và có tuổi thọ ít nhất phải hơn 700 năm. Bác ấy nói vậy vì căn cứ vào hình rồng mà có thể khẳng định như thế, đó là rồng thời Lý.

Tuy nhiên, khi nhìn trôn bát có mấy chữ Hán màu đỏ thì ông ấy bảo tôi là bát này không có nguồn gốc ở nước ta mà ở bên Trung Quốc mới có. Cũng từ ngày tôi có bát, liên tục có người đến xem và hỏi mua nhưng tôi quý mấy cái bát, nhất định không bán. Có người còn bắt tôi chỉ cho chỗ tôi nhặt được mấy chiếc bát để họ lấy lại mấy mảnh vỡ nữa”.

Trầm ngâm uống xong chén trà, ông Bình thở dài bảo: “Cuối cùng, tôi vẫn phải bán chúng đi vì nhà nghèo quá, mái nhà thì dột nát, cái ăn chả có. Một buổi sáng hè năm 1982, tức là ba năm sau tôi mới bán mấy cái bát ấy. Một người tầm thước, da dẻ hồng hào và đôi mắt quắc thước tự xưng là một người mê đồ cổ quê ở Hải Dương lên xem. 

Sau khi ngắm nghía một hồi, ông ấy bảo sẽ đổi cho tôi 3000 viên ngói Hương Canh để lợp nhà và một tạ gạo. Hồi đó, đồng bạc 10 đồng là to nhất, ước tính số tiền mua gạo và ngói ấy của ông ấy để đổi năm chiếc bát cho tôi phải đến 5000 đồng. Chưa bao giờ biết đến số tiền to như thế nên dù rất tiếc mấy cái bát phát sáng nhưng tôi đành phải bán. Khi bán đi rồi, tôi vẫn bảo giá như mình giữ lại một chiếc thì đến bây giờ làm đồ gia truyền cho con cháu thì có phải tốt không”.

Ẩn số quanh bộ bát cổ

Tin ông Bình đổi đời nhờ mấy chiếc bát cổ khiến cả làng Chính xôn xao. Rồi cả làng lại nhao lên khi biết một người khác trong thôn cũng đào được một bộ bát. Tuy không phải là bộ bát y nguyên như vậy nhưng cũng là bộ bát quý và được trả giá cao. 

Tiếp tục hành trình tìm kiếm sự thật về kho báu ở Lục Ngạn, chúng tôi đến nhà ông Dư Văn Bẩy (50 tuổi), một trong những nông dân sản xuất giỏi của xã Hồng Giang nhưng cũng là một trong những người đang giữ cho mình nhiều đồ cổ vật có giá trị, đó chính là chủ nhân của bộ bát thứ hai mà chúng tôi vừa nêu.

Trò chuyện với phóng viên, ông Bẩy chỉ cho chúng tôi căn nhà mà ông đang ở tựa lưng vào hẳn một quả đồi. Chính từ quả đồi này, trong nhiều lần san vườn, làm nhà hay đào lấp đất xung quanh, ông Bẩy đã nhặt được nhiều đồ gốm, sứ và không ít tiền xu cổ.

Ông kể: “Năm 1996, tôi làm vườn thì bất ngờ cuốc phải một chiếc bát. Nhặt lên xem thấy hoa văn có nhiều nét khác lạ nên tôi tiếp tục đào bới xung quanh thì phát hiện nguyên cả một bộ bát 10 chiếc còn nguyên vẹn. Cạnh đó là hai cái đĩa và một số bình nhỏ. Khác với hai chiếc đĩa và bình mà tôi nhặt được sau đó, 10 chiếc bát bị vỡ mất một đều nằm cùng một chỗ”.

Nghe tin ông Bẩy đào được một lúc cả chục chiếc bát cổ, không ít kẻ tò mò và người săn tìm đồ cổ đã tìm về. Ông Bẩy cho biết: “Không nhớ là có bao nhiêu người đã về đây muốn tìm hiểu chục bát của tôi và ngỏ ý muốn mua. Thời điểm năm 1996, có người trả tôi 50.000/chiếc nhưng tôi không bán, bảo là giữ lại làm kỉ niệm trong nhà. Cách đây vài tháng, lại có người đến nài nỉ tôi bán bộ bát với chiếc đĩa với giá 50 triệu đồng nhưng tôi vẫn từ chối”.

Những chiếc bát tìm thấy tại vườn nhà ông Dư Văn Bẩy.
Những chiếc bát tìm thấy tại vườn nhà ông Dư Văn Bẩy.

Theo lời ông Bẩy, sau khi được được chục bát đó một thời gian, trong khi làm vườn, ông tiếp tục đào được khoảng 6kg tiền xu cổ. Đó là những đồng xu có kích thước nhỏ hơn so với tiền xu được tìm thấy ở nhà anh Mão nhưng chất liệu đồng thì không tốt bằng.

Đáng lưu ý, bên cạnh nhiều đồ sứ lặt vặt khác thì đống tiền xu được xếp chồng chéo lên nhau, giữa chúng chỉ là những âu sành để đựng chứ không hề được cất giữ cẩn thận. Trong quá trình tìm kiếm thêm các vật có giá trị trong đợt làm vườn năm 2003, ông Bẩy còn phát hiện một lúc 4 chiếc chum nhỏ. Trong những chiếc chum này, ông Bẩy chỉ thấy có đất đen chứ không có gì khác. 

Con trai ông Bảy, anh Ngọc kể lại: “Ngay sau khi bố tôi đào được thêm hai đống tiền xu cổ, đã có không ít người tìm đến xin được khảo sát và tìm hiểu những vật cổ trong gia đình. Tôi nhớ khi đó có ba người cùng với máy khảo sát đã tìm thấy một thanh kiếm không hề bị gỉ sét mà còn nguyên vẹn không rõ là bằng kim loại gì. Họ cho tôi một ít tiền lẻ rồi lẳng lặng gói thanh kiếm vào giấy báo rồi đi luôn mà chẳng bảo lại gia đình một câu nào”. 

Khi chúng tôi trình bày việc mình muốn được chiêm ngưỡng bộ bát của gia đình, ông Bẩy đã vui vẻ đồng ý. Ông cho biết thêm: “Chục bát của tôi giờ đây chỉ còn có 9 chiếc vì ở cùng làng có một người tên Ba Ngọc đã lấy một chiếc bảo đem đi giám định niên đại cho tôi nhưng thực chất là đem đi bán mất rồi.

Ngày còn nhỏ, tôi từng được ông nội mình kể lại rằng, ở Lục Ngạn này rất thiêng vì có một vị thần giữ của, ai mà đem bất cứ thứ gì của mảnh đất này đi đâu xa là y như rằng sẽ bị mất nhà cửa và chẳng bao giờ được coi là người ở đây nữa.

Tôi không rõ lời nguyền ấy có thật không hay mức độ đáng tin đến như thế nào nhưng quả thực, Ba Ngọc và vợ con trước là người làng Trong của xã này nhưng bây giờ chả còn nhà cửa nữa, nay đây mai đó. Liệu anh ta có bị báo ứng vì đã đem nhiều cổ vật ở Lục Ngạn này đi bán ra ngoài không nữa thì chỉ chắc anh ta mới biết được mà thôi”.

Sự thật về kho báu được chôn giấu 

Khi được hỏi về lời đồn đại có một kho báu được chôn giấu ở Lục Ngạn, ông Bẩy  kể: “Tôi đã được nghe rất nhiều những chuyện như thế nhưng cho đến giờ, quả thực tôi cũng không tin vì tin đồn đoán thổi phồng lên nhiều chuyện không có.

Trước đây, tôi nghe các cụ làng Chính kể lại rằng, khu đất cạnh đập Đá Mài có một ngôi làng đã từng sinh sống ở đó nhưng do dịch bệnh nên họ di chuyển vào sâu trong xóm như bây giờ. Khi đi, họ để lại nguyên nền đất cũ bao gồm cả việc những thứ đã chôn xuống gồm tiền của và nhiều vật dụng cá nhân. Ngoài ý nghĩa đem giấu của cải như nhiều người vẫn thường nói thì họ chôn nhằm cách ly mầm bệnh để không bị ảnh hưởng khi xây dựng làng mới.

Cách đây không lâu, tôi có nghe một cán bộ văn hóa của huyện nói rằng, xưa vùng đất Lục Ngạn trong các cuộc xâm lăng, giặc thường kéo qua đây đi qua Sơn Động, về Đình Lập (Lạng Sơn) rồi kéo về nước. Mỗi khi chúng sang thường hay cướp tài sản của dân chúng nên mọi người thường bàn nhau chôn những của quý của gia đình để tránh rơi vào tay giặc.

Qua thời gian, những vật này nằm sâu trong lòng đất nay mới được tìm thấy và trở thành vật có giá trị mà thôi. Có dạo cũng có rất nhiều người bỏ bê việc nhà ngày ngày đi tìm “kho báu” nhưng cuối cùng đành trở về tay không. Tôi bảo với họ: Kho báu nào ở đây khi mà không lao động, không biết tận dụng trồng vải từ chính mảnh đất của mình để làm giàu chính đáng?”.

Đem những lời đồn và cả những hình ảnh cổ vật của “kho báu” ở Lục Ngạn, chúng tôi hỏi chuyện TS. Phạm Văn Triệu (Chuyên gia về Khảo cổ học, Viện Khảo cổ học Việt Nam) khi anh đang phụ trách việc giám định các mẫu cổ vật đào được tại Hoàng thành Thăng Long.

Nơi phát hiện nhiều cổ vật
Nơi phát hiện nhiều cổ vật

Sau khi nhìn qua các mẫu tiền xu cổ, anh Triệu cung cấp thông tin: “Tiền tại nhà anh Mão là tiền Đại quan thông bảo, đây là tiền thời kì nhà Tống. Ngoài ra trong một số mẫu tiền thì còn có tiền Nguyên phong cũng thuộc thời Tống. Điều này cho thấy, trước đây, mảnh đất Lục Ngạn vào khoảng thời kỳ nhà Lý đã là nơi hoạt động thương mại khá phát triển nên có nhiều tiền lưu thông.

Hơn nữa, theo TS. Triệu, nhánh sông Lục Nam chảy về sông Thương cũng rất tiện cho việc di chuyển của nhiều thương nhân trong việc mua bán hàng hóa rồi chuyển ra cảng Vân Đồn đem đi trao đổi thương mại khắp nơi.

Chính vì thế, việc tìm thấy nhiều tiền xu tại đây là một điều bình thường giống như nhiều nơi mà TS.Triệu cùng đồng nghiệp đã khảo sát tại Quảng Ninh, Hưng Yên hay Quảng Nam nơi có nhiều di tích lịch sử khảo cổ liên quan đến giao thương như Phố Hiến, Vân Đồn, Hội An…

Về một số mẫu cổ vật, TS.Triệu khẳng định chục bát tìm thấy tại vườn nhà ông Bẩy là gốm có niên đại thế kỷ XVII, XVIII, tức là vào khoảng thời kỳ Hậu Lê trong lịch sử. Tuy nhiên, dòng gốm này là dòng gốm do dân làm chứ không phải dòng gốm dùng cho các gia đình quyền quý bởi trôn bát thô, hoa văn đơn giản và không hề có hình rồng.

Về bộ bát tại nhà ông Bình, TS. Triệu cho rằng, rất có thể đó là gốm của một lò quan luyện ra và phải luyện từng chiếc một mới có được một chiếc bát tinh xảo và nhiều điều kỳ lạ như trong suốt hay phát sáng như vậy. 

“Vào khoảng thời kỳ nhà Lý ở nước ta đã có nhiều hoạt động thương mại trao đổi buôn bán với các thương nhân Trung Quốc. Việc đồ gốm còn sót lại ở mảnh đất này theo giả thiết có nhiều gia đình mua lại, trong đó không ít gia đình khá giả là một khả năng cần xét đến.

Căn cứ vào những chứng cứ của lịch sử có thể thấy, dòng họ Thân ở Lục Ngạn là một dòng họ quyền quý giống như dòng họ Hà ở Tuyên Quang. Đây là một dòng họ danh gia thế phiệt khi có nhiều người làm chức to trong triều đình nhà Lý.

Điển hình là Phò mã Thân Cảnh Phúc, người được vua Lý gả công chúa cho và ban cho nhiều đồ vật quý giá. Rất có thể, theo thời gian, nhiều đồ đạc của dòng họ Thân vẫn còn thất lạc trong dân gian mà cụ thể ở đây là trong lòng đất nay mới tìm được.

Việc tồn tại một kho báu ở Lục Ngạn có chăng chỉ là một lời đồn đoán của những cá nhân với những ý đồ nhất định chứ thực ra chưa có cơ sở nào chứng minh điều đó cả”, TS. Triệu giải thích cho chúng tôi. 

Theo đó, Viện Khảo cổ nơi anh Triệu đang công tác cũng không ít lần cử các đoàn cán bộ về Lục Ngạn khảo sát để đánh giá các mảnh gốm và tiền xu mà các hộ gia đình ở đây cũng tìm thấy phục vụ cho hoạt động nghiên cứu.

Trong các nghiên cứu đó, việc phát hiện các lò gốm cổ là một nghiên cứu rất có giá trị, cần tính toán hợp lý để tìm hiểu thêm việc luyện gốm trong mỗi thời kỳ lịch sử có giá trị nghệ thuật khác nhau, phục vụ cho mục đích nghiên cứu sâu hơn về lịch sử và cuộc sống trong quá khứ của cha ông ta xưa.

Cũng theo TS.Triệu, khi tìm thấy những đồ vật có giá trị, người dân nên báo cho cơ quan chức năng địa phương để không xảy ra tình trạng “chảy máu cổ vật”, tức bị các thương lái mua đem bán ra nước ngoài. “Những đồ vật có giá trị từ đời xưa để lại là những bằng chứng rất quý báu trong việc tìm hiểu lại lịch sử cho thế hệ mai sau”, TS. Triệu nhấn mạnh.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.