A Nan là em ruột của Đề Bà Đạt Đa, con thứ của Bạch Phạn Vương, tức là em con chú của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tôn giả được sinh ra trong đêm Đức Phật thành đạo dưới cội bồ đề, cho nên tên của ngài còn có nghĩa là Khánh Hỷ (vui mừng).
Người kế thừa Phật pháp
Rất khôi ngô tuấn tú, thông minh, hòa nhã và vui vẻ, khi trở về thành Ca Tỳ La Vệ, thấy A Nan, Đức Phật biết tôn giả sẽ là vị kế thừa Phật pháp sau này cho nên khi dọn chỗ ở, Đức Phật đến ngay cung điện của Bạch Phạn Vương, ngự tại căn phòng kế cận phòng A Nan. Mỗi buổi sáng mở cửa nhìn qua, A Nan thấy Phật và cung kính bái chào. Ngày ngày chú bé A Nan lân la bên Phật và quạt cho Phật khi nóng nực.
Thấy con mến Phật, ngại chú bé có thể chịu ảnh hưởng của Phật và nhất là sợ con sẽ xuất gia theo Phật, nên Bạch Phạn Vương gửi A Nan sang nước Tỳ Xá Ly. Vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ và nhớ Phật, chú bé A Nan khóc đòi về thành Ca Tỳ La Vệ. Khi đã thấm nhuần mưa pháp, một số vương tôn công tử xin Phật xuất gia và dù còn bé, A Nan cũng xin các vương tôn được đi theo Phật.
Sau khi được theo Đề Bà Đạt Đa, A Na Luật, Ưu Ba Ly, La Hầu La... về Trúc Lâm Tinh Xá, dù còn nhỏ tuổi, A Nan rất siêng năng tham dự các buổi thuyết pháp của Phật. Với tính thông minh sẵn có, A Nan nhớ hết những lời Phật nói, hơn thế còn nghe một biết mười. Thế nhưng, A Nan phải đến sau khi Phật nhập Niết Bàn 3 tháng mới chứng quả A La Hán, trước ngày khai mạc đại hội kết tập kinh điển một hôm.
Dù thông minh, có thể nối thịnh Phật pháp nhưng tuổi còn nhỏ cần có thời gian tập sự, mãi đến hai mươi năm sau, A Nan mới được tăng đoàn đề nghị làm thị giả hầu cận Phật, để giúp đỡ Phật mọi sự cần thiết. Khi Tăng đoàn mở một đại hội để chọn thị giả, có nhiều vị tỳ kheo xung phong nhưng Phật đều không thuận.
Tôn giả Mục Kiền Liên thấy trong số đệ tử không ai hơn A Nan, nên đến khuyên A Nan rằng: “Này A Nan! Ý Đức Thế Tôn muốn ông làm thị giả, ông hội đủ nhiều yếu tố, đặc biệt là dựa vào trí nhớ, về sau ông có thể thay đức Thế Tôn tuyên dương diệu pháp. Ông giống như một tòa lâu đài to lớn, mở cửa sổ ở phía đông là có thể giúp cho ánh sáng rót thẳng vào vách phía tây”.
5 thỉnh nguyện
Nghe nói, thấy trách nhiệm lớn lao quá sợ không kham nổi, A Nan từ chối, nhưng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên khuyên mãi cuối cùng A Nan nhận. Nhưng e ngại tị hiềm có thể xảy ra, A Nan yêu cầu tôn giả Mục Kiền Liên trình lên Đức Phật 5 thỉnh nguyện:
Thấy quyết tâm của Di Mẫu và 500 thể nữ, Tôn giả đã xin Phật cho nữ giới được xuất gia |
Không mặc áo Phật cho dù cũ hay mới; Không đi trước khi có Phật tử thỉnh về nhà cúng dường; Được ra ngoài hay đi chỗ khác, khi Phật tiếp tín chúng đến hỏi đạo, nếu sự hiện diện của thị giả không cần thiết; Không ăn thức ăn thừa của Phật; Được tùy tiện sắp xếp hoặc cho hay không cho mỗi khi có khách muốn đến yết kiến Phật.
Khi 5 thỉnh nguyện trình lên, Phật hoan hỷ chấp thuận ngay vì Phật thấu hiểu tâm tư A Nan và hết lòng khen ngợi A Nan là người thông minh, tế nhị, thuần hậu, vui vẻ.
Giúp nữ giới được xuất gia
Khi vua Tịnh Phạn băng hà, Phật về thành Ca Tỳ La Vệ lo việc lễ táng và sau khi đã đề cử Ma Ha Nam lên làm vua, Đức Phật đến tạm trú tại rừng Ni Câu Đà. Thấy nhà vua đã mãn phần, việc triều chính cũng đã có nguời lo, di mẫu của Phật là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề rất hài lòng qua sự sắp xếp của Phật.
Một hôm bà dẫn 500 thể nữ thuộc dòng họ Thích đến rừng Ni Câu Đà bái yết Phật, xin được xuất gia và dâng lên Phật hai tấm y do bà tự tay cắt may. Đức Phật không chấp thuận cho nữ giới xuất gia, dù bà nhiều lần khẩn khoản cầu xin. Theo Phật, giới nữ nặng về tình cảm, nhẹ ý chí, có thể gây phiền hà rắc rối cho giáo đoàn; giáo đoàn có sự tham dự của phụ nữ thì chính pháp sẽ giảm mất 500 năm.
Thấy Di Mẫu vô cùng buồn bã, Đức Phật nhận một tấm y, tấm còn lại Phật khuyên nên đem cúng dường cho một vị tăng khác. Sau khi thấy nước Ca Tỳ La Vệ ổn định về mọi mặt, Đức Phật cùng tăng chúng rời Ni Câu Đà đi du hóa vùng lưu vực sông Hằng. Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề không bỏ ý hướng quyết tâm xin Phật xuất gia.
Một hôm, bà cùng 500 thể nữ xuống tóc, mặc cà sa, và vượt hai ngàn dặm đường để đến Tinh Xá Na Ma Đề Kiền Ni, nơi Phật đang giáo hóa để bái yết khẩn cầu. Vượt qua bao dặm đường dài hiểm trở lại gặp trời mưa gió nên cả đoàn mệt lả, đến Tinh Xá thì trời cũng vừa tối nên đoàn người đành dừng chân ở cổng, đợi đến sáng sẽ vào thỉnh Phật cho xuất gia; nếu không được thì cũng chết ở đây chứ không trở về thành Ca Tỳ La Vệ.
Lúc sáng sớm vì có việc cần phải ra ngoài Tinh Xá, Tôn giả A Nan bất chợt gặp Di Mẫu và 500 thể nữ dòng họ Thích, mình khoác cà sa và đã thế phát đang đứng trước cổng Tinh Xá trông thật vô cùng thiểu não. Tôn giả vô cùng thương cảm nên hứa với Di Mẫu sẽ khẩn khoản xin Phật cho phái nữ được xuất gia.
Để đáp lại nhiệt tình và ý chí cao độ của Di Mẫu, Đức Phật chấp thuận lời thỉnh cầu của A Nan, nhưng buộc ni giới phải giữ thêm một số giới pháp và triệt để tuân hành Bát kỉnh pháp. Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề vô cùng hân hoan và xin triệt để tuân hành lời Phật dạy. Ni giới rất nhớ ơn Tôn giả nên mỗi khi có dịp gặp ngài, họ rất vui mừng và tiếp rước ngài một cách niềm nở cung kính.
Ác mộng
Khi thấy Đức Thế Tôn ngày càng già yếu, lòng A Nan vô cùng lo lắng, nếu Phật vào Niết Bàn A Nan biết dựa vào đâu để tu học và chứng quả thánh. Trong một đêm nằm mộng thấy 7 điềm quái lạ, A Nan lo sợ hoang mang, sáng sớm đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và kể lại 7 điềm mộng xin Đức Phật giải thích:
Khắp nơi các ao ngòi sông hồ biển cả đều bị lửa dữ rực cháy, khô cạn tất cả; mặt trời rơi rụng, thế giới tối đen, không có một ánh sao, đầu con vượn lao lên chín tầng mây; các Tỳ kheo không tuân giữ giới luật treo áo cà sa; trong cảnh chông gai lao lý, Tỳ kheo khốn khổ, pháp y tơi bời; cây chiên đàn xanh tươi bị các đàn heo rừng đến bới gốc, trốc rễ; không nghe lời voi mẹ, voi con tung tăng chạy khắp nơi, lạc vào chốn đồng khô cỏ cháy, chết đói chết, khát ngổn ngang; sư tử chết, các loài điểu thú côn trùng không dám đến gần, giòi từ trong ruột sư tử bò ra lúc nhúc, rút tỉa thịt xương sư tử.
Khi nghe A Nan kể, biết đó là điềm chẳng lành, Phật giải thích: “Này A Nan! Đã là mộng nên làm gì có thực, tất cả đều do tâm thức biến hiện, chắc lòng ông có gì khắc khoải lo âu! Tuy nhiên giữa cái có và cái không vốn không tách biệt, bởi thế giấc mộng của ông là điềm báo trước giáo pháp của ta trong tương lai.”
Tôn giả A Nan |
Theo Đức Phật, lửa cháy thiêu đốt, sông biển khô cạn, biểu hiện tương lai các vị Tỳ kheo được hưởng đầy đủ mọi sự cúng dường nhưng lại không giữ giới pháp thanh tịnh, khởi xướng nhiều việc đấu tranh gây gỗ.
“Sau khi ta nhập Niết Bàn giống như trời đất mù tối, để chánh pháp không bị lu mờ, Tăng đoàn sẽ yêu cầu ông tuyên dương giáo Pháp”. “Trong tương lai có hạng Tỳ kheo chỉ chuyên nói lý thuyết suông không lo tu hành. Trong tương lai cũng có hạng Tỳ kheo không lo tu giới, định, tuệ, xuôi theo thế tục có vợ con đùm đề; có hạng Tỳ kheo chỉ chuyên buôn Phật, bán thánh, đem chánh pháp làm phương tiện đổi chác, mong cầu lợi dưỡng; có hạng Tỳ kheo trẻ tuổi không chịu học tập theo lời dạy dỗ của sư trưởng, không tin nhân quả tội phước, chết đọa vào địa ngục. Trong tương lai chính đệ tử Phật phá hoại giáo pháp của Phật, chứ không phải ngoại đạo đủ sức phá hoại chánh pháp.
Trong 7 điềm mộng, ngay sau khi Phật nhập Niết Bàn 3 tháng, điềm thứ hai đã xảy ra tại núi Kỳ Xà Quật. Tôn giả Ca Diếp mở cuộc kết tập kinh điển, tôn giả A Nan được yêu cầu tuyên đọc tạng kinh... (Còn tiếp)