Nó không chỉ mang đậm dấu ấn tâm linh và trí tuệ của đạo Phật mà thông qua những định hướng, khuyên răn của các bậc chân tu giúp cặp uyên ương có được tinh thần giác ngộ trong đời sống hôn nhân.
Vì sao có lễ Hằng thuận?
Tình yêu và hôn nhân là chuyện thường tình của con người, nó trở nên tốt đẹp hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào người tạo dựng nó. Trên nền tảng quan điểm này, trong kinh Đại Bảo Tích đức Phật cũng ghi lại: “Nếu một người đàn ông có thể tìm được một người vợ, người phụ nữ thích hợp và hiểu biết; người phụ nữ có thể tìm được một người đàn ông thích hợp và hiểu biết, cả hai thực sự may mắn”.
Dẫn như vậy để thấy rằng, trong hệ thống giáo lý của đạo Phật không hề cấm đoán tình yêu giữa người với người. Nói cách khác, tùy thuộc theo quan điểm, nhu cầu mà các tín đồ Phật tử có thể tự tìm hiểu và tiến đến đời sống hôn nhân.
Ở trong các chùa, nghi thức cưới được tổ chức trong không gian tâm linh tín ngưỡng của Phật pháp, dưới ban Tam bảo và sự chứng kiến của các sư tăng, sư ni, quan khách… thường được biết đến là Hằng thuận.
Theo đó, Hằng mang ý nghĩa là mãi mãi, thường xuyên, luôn luôn; thuận là hòa hợp, thuận thảo, yên ấm. Nghi lễ này có thể hiểu theo nghĩa là nghệ thuật sống hoà hợp, độ lượng với người khác và trong đạo vợ chồng. Từ đó, hướng đến con đường tu tập giác ngộ, giải thoát trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thiện.
Theo nhiều nguồn tư liệu, người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật, bút hiệu là Đồ Nam Tử (1883 - 1940), quê ở Hải Dương. Đồ Nam Tử vốn là một nhà Nho, sau khi quy y theo Phật, với lòng nhiệt thành phụng sự Phật pháp, ông nghĩ việc tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn cho đời sống gia đình của người Phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh.
Trên nền tảng này, năm 1930, Phật tử Tâm Minh tức bác sĩ Lê Đình Thám đã tổ chức lễ Hằng thuận cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm - Huế. Đây là buổi lễ Hằng thuận điển hình được tổ chức tại chùa. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Trụ trì tổ đình Ấn Quang đã chính thức đặt tên cho lễ tiết nêu trên là Hằng thuận.
Ngoài ra, khẳng định bề dày phát triển của lễ Hằng thuận, trong cuốn “Nghi thức Lễ Hằng thuận” do Thượng tọa Thích Chơn Không soạn dịch cũng trích dẫn: “Theo truyền thống xa xưa của người Khmer Nam bộ cũng như nhân dân các nước Phật giáo Nam tông, tất cả Phật tử khi thành hôn đều có lệ thỉnh chư Tăng tổ chức lễ Chúc phúc cho tân lang, tân nương và hai họ với nội dung tương tự như lễ Hằng thuận của Phật tử người Việt”. Nói cách khác, đây là một tập tục đã có từ lâu trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Phật tử , đặc biệt là khu vực miền Nam.
Những nét đặc thù
Theo “Văn Công Thọ Mai gia lễ” trong đời sống thường nhật xưa, đàng trai và đàng gái muốn tiến đến hôn nhân bắt buộc phải cử hành sáu lễ. Chi tiết này cũng được nhiều tài liệu trích dẫn, tóm lược qua câu “lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất” nghĩa là, sáu lễ không đủ, trinh nữ không ra. Sáu lễ này bao gồm: nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tệ, thỉnh kỳ, thân nghinh (rước dâu).
Ngày nay, sáu lễ theo “Văn Công Thọ Mai gia lễ” tuy không còn được áp dụng đầy đủ trong việc cưới gả nhưng thông qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc liên lạc của cha mẹ đôi bên và đôi bạn trẻ, nó lược chứa ý nghĩa của ba cuộc lễ: nạp thái, vấn danh và nạp cát.
Dẫn như vậy để thấy rằng, cưới xin trong đời sống thường nhật được tổ chức với khá nhiều lễ nghi và “thủ tục” đi kèm. Đặc biệt, ở khía cạnh “thủ tục” cỗ mặn và thách cưới đã biến cuộc vui đôi lứa trở nên hết sức tốn kém, là căn nguyên phát sinh nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân.
Trái lại, xuất phát của lễ Hằng Thuận là nghi thức cưới tương đối đặc biệt, được tổ chức trang nghiêm trong chùa nên các “thủ tục” đi kèm như cỗ mặn và thách cưới hoàn toàn không tồn tại. Nói cách khác, Hằng thuận mang đậm dấu ấn đạo đức tâm linh và trí tuệ của đạo Phật nên các đôi vợ chồng trẻ chủ yếu sẽ được các Chư Tăng ban đạo từ, giảng giải về vai trò và trách nhiệm của vợ/chồng thông qua Kinh Bảy loại vợ.
Việc kết hợp đọc tụng và giải giảng ý nghĩa Kinh Bảy loại vợ trong Hằng thuận mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Mở ra định hướng và dưỡng tâm trước những tác động và phát sinh từ cuộc sống. Chẳng hạn, trên khía cạnh hạnh phúc. Hạnh phúc gia đình không thể chỉ tồn tại vĩnh cửu nếu chỉ vì dục lạc, đam mê mà còn phải có sự tôn trọng, sống có tình có nghĩa với nhau, làm tròn bổn phận dâu hiền, rể thảo, hiếu dưỡng ông bà, cha mẹ hai bên. Hiểu rõ nhân quả cũng như nắm bắt được những giá trị thiện lành sản sinh ra từ chính lối sống của mình và người bạn đời, từ đó cuộc sống đôi lứa sẽ biết gói ghém, sửa mình, giúp nhau cùng tiến theo chiều hướng thanh cao, giải thoát thay vì cứ phải lẩn quẩn trong những thói thường, cuốn theo chiều của số đông bên ngoài.
“Mục đích chính của lễ Hằng thuận là làm thế nào để cho đôi vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức tâm linh trong đời sống gia đình, để từ đó hướng đến đời sống hôn nhân thật sự an lạc hạnh phúc. Để thực hiện được điều này, trước hết đôi vợ chồng phải hết lòng yêu thương nhau, chung thủy, tôn trọng, quý kính lẫn nhau và luôn luôn hòa thuận với nhau và cùng nhau hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống như hàm nghĩa của hai từ Hằng thuận toát lên” - Thượng tọa Thích Huệ Thông (Trưởng Ban trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương) chỉ ra nét đặc trưng riêng của lễ Hằng thuận.
Cưới ở cửa chùa cũng là lúc quay về nương tựa Tam bảo, thực tập sống một đời sống giản dị, bình an, chung tay nuôi dưỡng “tế bào” của xã hội. Do vậy, khi đôi bạn trẻ dắt nhau quay về mái chùa, cúi xuống trước Tam bảo thiêng liêng, nghe lời chư tôn đức dặn dò chuyện sống tử tế với nhau và với cuộc đời, trong chức nghiệp cũng như trong vị trí làm vợ, làm chồng rồi tới làm cha làm mẹ… sẽ là lúc đôi uyên ương mở cánh cửa bước vào cuộc sống mới với ánh sáng từ bi, trí tuệ soi đường.
Không thể có một gia đình thật sự ấm êm khi mà nhân cách của mỗi thành viên ít nhiều bị khiếm khuyết, vợ chồng lăng nhăng hoặc sáng xỉn chiều say, làm ăn chụp giật, dối gian với người ngoài lẫn người nhà, bởi cái “uy” đã không có thì mọi thứ khác đều chỉ là “xây nhà trên cát”, thiếu một cái móng vững bền. Và việc cùng chung một đời sống tâm linh, cùng hướng về một điều tốt đẹp, thánh thiện thì đó cũng chính là thuận duyên trong đời sống hôn nhân tựa như câu “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Nếu như trước đây, lễ Hằng thuận tổ chức tại chùa mới chỉ bắt đầu manh nha ở TP.Hồ Chí Minh thì nay đã lan rộng ra cả Hà Nội. Nhiều chùa tại Hà Nội đã nhận tổ chức Hằng thuận cho các đôi Tân lang – Tân nương như: chùa Lý Triều Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm), chùa Đình Quán (huyện Từ Liêm) chùa Vạn Phúc (huyện Sóc Sơn), chùa Cót (quận Cầu Giấy), thiền viện Sùng Phúc (quận Long Biên), chùa Bằng (quận Hoàng Mai)… Hình thức và nghi lễ trong bầu không khí linh thiêng này đã mở ra không gian văn hóa đậm bản sắc của người Việt và ngày càng được đông đảo lứa đôi hưởng ứng.