Chết người, đổ vấy cho… ma quỷ (?!)
Liên tiếp nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ở địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội) mới đây đã cho thấy, tình trạng mất an toàn giao thông đáng báo động tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt. Cụ thể, ngày 24/10, trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Văn Bình đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt thảm khốc khi ô tô BKS 30A-602.25 chở theo 7 người băng qua đường ngang đúng lúc tàu Bắc-Nam SE2 chạy tới và đâm phải. Va chạm mạnh khiến 6 người trên xe tử vong và 1 người bị thương nặng.
Đến ngày 26/10, tại Đình Nguộn, xã Văn Tự cách khu vực tai nạn trước đó không xa lại tiếp tục tái diễn tai nạn nghiêm trọng. Vụ va chạm khiến một người đàn ông tử vong tại chỗ, thi thể không còn nguyên vẹn. Mới đây nhất, ngày 26/11, trên khu vực đường sắt giao cắt đường dân sinh thuộc xã Thắng Lợi, một người đàn ông sinh năm 1968 điều khiển xe máy mang BKS 33R5-6914 đi từ đường quốc lộ qua đường dân sinh giao cắt thì bị tàu hỏa chạy hướng Hà Nội – TP HCM đâm trúng, tử vong tại chỗ.
Cứ 400m đường sắt có 1 đường ngang
Tính bình quân hiện nay, cứ 400m đường sắt có 1 đường ngang, riêng tại các điểm tập trung đông dân cư như Hà Nội, Hà Nam cứ 100m đường sắt có 1 đường ngang. Tính riêng Hà Nội, chỉ 15km đường sắt Bắc - Nam từ ga Hà Nội - Thanh Trì đã có 273 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, đây cũng là “điểm đen” khi xảy ra hàng chục vụ tai nạn gây chết người mỗi năm.
Sống đối diện tại một “điểm đen” giao thông, nhắc lại những vụ tai nạn ám ảnh trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Hưởng (67 tuổi, xã Văn Bình) nhẩm tính rồi thở dài nói “không đếm xuể”.
Bà Hưởng cho biết: “Ngoài tai nạn khiến 7, 8 người chết gần đây thì trước đó tai nạn nhiều lắm”. Theo đó, lấy mốc thời gian từ khi mẹ con bà về đất này định cư là năm 1990, đến giờ những vụ tai nạn chẳng năm nào không chứng kiến.
Lục tìm trong những đoạn ký ức rời rạc, bà thuật lại: “Vừa tháng trước ở đây có một vụ, nhưng không chết người. Phần lớn tai nạn đều xảy ra ngoài giờ gác. Tôi còn nhớ cách đây ít năm, có ông nhà ở Hồ Tây xuống thăm con trong trại giam ngày 25 tết. Khi qua đường ray tàu, mưa phùn, gió rét ông này mặc áo mưa nên chúng tôi gọi, ông ta không nghe thấy. Kết quả bị tàu cuốn đi gần 50m.
Năm nào cũng có người mất ở đây, tựa như có cái “dớp” rồi. Vách chắn (barie) mới có cách đây 3 năm thôi. Sau khi lắp vách chắn thì tai nạn cũng giảm chứ trước đó thì liên tục xảy ra”.
Có điểm đáng chú ý sau những vụ tai nạn thương tâm kể trên là, không ít người đồn đoán, cho rằng tai nạn căn nguyên đều do… ma quỷ lôi kéo (?!). Chẳng hạn, trên trang mạng Beat… sau khi dẫn lại link các vụ tai nạn liên quan, bên cạnh các ý kiến cảm thông, nhiều người tỏ ra sợ sệt và cho rằng do vong hồn lôi kéo các nạn nhân, gây án mạng'
Một ý kiến quả quyết: “Chỗ này (đoạn đường sắt giao cắt khu vực xã Văn Bình – PV) năm nào cũng có chục người chết. Có những vụ người ta nhìn thấy nạn nhân đi đến giữa đường tàu, tàu còi inh ỏi vẫn đứng đấy. Người ta gọi là vong lôi đi,”.
Còn tồn tại nhiều “nút giao tử thần”
Khách quan nhìn nhận, những nghi hoặc về tâm linh liên quan đến ma quỷ khiến các vụ tai nạn xảy ra chỉ đơn thuần là suy luận của số ít người, không có cơ sở khoa học. Trái lại, phần lớn các vụ tai nạn đều được các cơ quan chức năng tích cực điều tra, xử lý. Kết quả cho thấy, tai nạn xảy ra phần lớn do ý thức con người, do thiếu ý thức chấp hành các quy định an toàn giao thông.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định, hiện an toàn giao thông đường sắt trở nên nhức nhối do còn tồn tại nhiều bất cập xuất phát từ cơ sở hạ tầng. Theo khảo sát, hiện vẫn tồn tại không ít đường ngang không đạt chuẩn, không đủ điều kiện an toàn như: tầm nhìn hạn chế, độ dốc của đường bộ trên đường ngang vượt quá quy định...
Đáng chú ý, ở các khu vực đường ngang liền kề khu dân cư lớn, đông ô tô qua lại mới có điểm gác, đèn báo, barie. Trái lại, những con đường ngang nhỏ hẹp đủ 2 xe máy tránh nhau, thường chỉ được trang bị biển cảnh báo tàu hỏa. Thậm chí nhiều điểm không có hoặc mất biển cảnh báo.
Chẳng hạn, dọc tuyến đường từ trung tâm Hà Nội chạy xuôi quốc lộ 1A cũ đến phố Nguộn (Thường Tín), dài khoảng 50km, tồn tại hàng trăm điểm giao cắt giữa đường sắt với đường dân sinh không có người gác, rào chắn. Hoặc ngay trên phố Giải Phóng, thuộc khu vực nội thành Hà Nội, đoạn từ nút giao thông Giải Phóng - Kim Liên đến Giải Phóng - Phương Mai khoảng 500 mét có tới 3 điểm giao cắt chỉ trang bị đèn báo mà không có trạm gác.
Việc kiềm chế tai nạn đường sắt đã và đang là một thách thức với ngành giao thông. Trước những bất cập liên quan, để hạn chế tối đa các vụ tai nạn xảy ra trên các khu vực “điểm đen” tai nạn liên quan, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, sự quan tâm chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua cũng là điều kiện hết sức cần thiết để giảm thiểu các vụ tai nạn.