Lên ngôi khi mới 13 tuổi, một năm sau, nhà vua đã phê duyệt Chiếu Cần Vương nổi tiếng, kêu gọi toàn dân nổi dậy chống Pháp. Sau ba năm kháng chiến anh dũng, chịu nhiều gian truân trong rừng sâu nước độc, vua Hàm Nghi mới chịu sa vào tay giặc. Không chịu thỏa hiệp với Pháp, không chấp nhận làm vị vua bù nhìn, ông bị chính phủ toàn quyền đày đi Angiê (thủ đô của Angiêri, thuộc địa Pháp).
Vị vua tài hoa
Hàm Nghi sống ở đó cho đến khi mất, không một ngày nguôi nỗi nhớ quê hương, không một lần nhượng bộ ách đô hộ của thực dân Pháp. Đoạn hồi ký sau đây sẽ cho thấy phần nào điều đó. Theo hồi ký này, sống ở Angiê, lúc đầu, Hàm Nghi tẩy chay không chịu học tiếng Pháp. Về sau nghĩ lại, nếu không học thì khó mà hiểu được văn hoá Pháp và thế giới, nhà vua đã học và nhanh chóng làm chủ được ngôn ngữ Pháp, hiểu sâu sắc về văn chương, mỹ thuật Pháp, thậm chí còn trở thành một họa sĩ tài danh. Dù vậy, Hàm Nghi vẫn giữ nguyên tập tục dân tộc: đầu búi tó, quần the, áo dài Việt Nam.
“Người ta quen gọi cụ là ông Hoàng An Nam (Le Prince d’An nam). Cụ quan tâm theo dõi tình hình đất nước, thường băn khoăn chưa tìm ra được kế sách giúp ích gì cho Tổ quốc. Chưa bao giờ cụ nhắc lại quá khứ mà chỉ hỏi tôi về đất nước, dân tình, về phong trào và triển vọng ở Việt Nam. Có lần cụ hỏi tôi về cụ Nguyễn Ái Quốc. Nào tôi có biết được là bao. Cụ hỏi tôi về Bảo Đại. Tôi khá rõ Bảo Đại là tay thiện xạ cưỡi ngựa, giỏi tiếng Pháp hơn tiếng mẹ đẻ và rất thạo khiêu vũ. Nghe tôi kể, cụ cười nhẹ:"Nó là con rối". Đó là nụ cười hiếm hoi. Trong bốn năm tiếp xúc với cụ, có lẽ mới thấy cụ cười đôi ba lần, lại là cái cười châm biếm, mỉa mai...
Cụ sống giản dị, quần áo đều tự may lấy theo kiểu cổ Việt Nam. Cụ để búi tóc củ hành cho tới khi mất. Suốt những năm tháng đó cụ quên mình trong điêu khắc, hội họa, âm nhạc. Nhiều lần các triển lãm mỹ thuật mời cụ tham gia tác phẩm, cụ đều từ chối. Cụ soạn nhạc hoặc vẽ là để nung nấu tâm hồn u uất và thất vọng. Cụ chỉ đàn khi nào lâu đài mênh mông kia không một bóng người. Có lần tôi thấy cụ đang say sưa đàn. Hình ảnh một cụ già rất Việt Nam thấp thoáng bên chiếc dương cầm bóng lộn khiến tôi liên tưởng đến một cụ đồ Nho khom lưng viết câu đối Tết (như cách gọi của người Việt Nam). Tôi dốt âm nhạc, chỉ nghe thấy cây đàn khi nức nở thánh thót, khi hào hùng. Dứt tiếng đàn, cụ dang rộng hai tay đặt trên cây đàn đăm đăm suy nghĩ. Tâm hồn cụ đang bay bổng theo tiếng đàn và đất nước quê hương chăng?”
Cảm hóa tiểu thư lá ngọc cành vàng
Cụ ít muốn tiếp xúc với ai. Một lần vợ chồng toàn quyền Catroux, lần khác tướng Givand Tổng thống lâm thời Pháp với De Gaulle, đến thăm, cụ đều thoái thác đi vắng, bảo tôi thay mặt tiếp. Cụ nói: “Họ đến với tôi vì tò mò”. Bà Foltz là người bạn duy nhất của cụ. Hình như số mệnh đã đưa bà đến với cuộc đời ảm đạm của cụ Hàm Nghi; bà là niềm vui, là chút ánh sáng trong cuộc sống hàng ngày của cụ.
Bà Foltz kém cụ mười lăm tuổi, cháu ngoại dòng chính thống De Bourbon. Ông thân sinh ra bà là một nhân vật tăm tiếng ở Thụy Sĩ. Bà là một nhà văn. Người ta không hiểu được sức mạnh nào đã lôi cuốn bà ra khỏi lâu đài cổ kính, đồ sộ nhất Thụy Sĩ mà bà thừa kế, để sang Angiê này, ngày hai buổi đến dùng trà và chăm sóc sức khỏe của cụ Hàm Nghi. Tình yêu chăng? Tôi được bà thương yêu như con, cũng chưa bao giờ bà hé nửa lời tâm sự. Bà Foltz chỉ nói sơ qua là bà gặp cụ ở bãi biển khi bà mới 11 tuổi. Sau mấy năm du học ở Londres và bà sang ở Angiê.
Chớ đụng đến nước An Nam và người An Nam trước mặt bà. Trong một buổi tiệc trà, mụ vợ toàn quyền Catroux muốn lấy lòng bà đã ca ngợi hết lời xứ An Nam văn minh: “Tôi kính cẩn nghiêng mình trước dân tộc An Nam” . Tiệc tan, tôi nói với bà Foltz: "Khi vợ chồng Catroux ở Đông Dương, chúng đã giết hại hàng ngàn người". Bà nổi giận ra lệnh ngay cho cô quản gia Lola xóa tên mụ trong danh sách khách mời đến dự tiệc của gia đình.
Tôi không rõ được xu hướng chính trị của bà thế nào, có lẽ xu hướng duy nhất là tình người, là lòng nhân đạo, là lẽ phải. Bà phẫn nộ khi tôi kể lại tình cảnh sống dở, chết dở của người dân Đông Dương. Thực ra bà còn hiểu biết hơn tôi. Chính bà đã lục trong tủ sách của cụ Hàm Nghi đưa cho tôi cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp của ông Nguyễn ái Quốc và Đông Dương cấp cứu của bà Andrée Violla. Tôi nghĩ, chính cuộc đời sóng gió, lòng yêu nước và đức độ của cụ Hàm Nghi đã cảm hóa bà, khiến bà đứng hẳn về phía Việt Nam. Sau khi cụ mất, tình thương yêu Việt Nam của bà càng sâu đậm...”.