Theo mẹ vào trại
Xuất phát từ chính sách nhân đạo, trại giam đã làm tất cả những gì có thể để đảm bảo cho sản phụ và thai nhi được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Tại Phân trại số 3, Trại giam số 6 (Bộ Công an, đóng tại Thanh Chương, Nghệ An) “nhà trẻ đặc biệt” được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2014. Đây là nơi chăm sóc những đứa trẻ con của phạm nhân nữ thi hành án tại trại giam không có người thân hoặc gia đình không có điều kiện buộc phải gửi vào trại giam cùng mẹ.
Những ngày cuối đông, khi những cơn mưa phùn đang lất phất mang cả hơi ấm của mùa Xuân đến gần, 5 đứa trẻ ngây thơ trong “nhà trẻ đặc biệt”, con của 5 phạm nhân đang cải tạo trong phân trại với nhiều tội danh khác nhau vẫn hồn nhiên chơi đùa khi mẹ chúng đang lao động trong phân xưởng.
Những đứa trẻ trong "Nhà trẻ đặc biệt" |
Thấy khách lạ tới chơi, các cháu nhỏ ùa ra ngoài cửa vòng tay chào khách rồi lui vào trong nhà vì ngại ngùng. Hàng ngày, chúng vẫn thấy nhiều người, trong đó có mẹ nó cùng những người khác mặc chiếc áo sọc trắng đen đi làm rồi đến giờ nghỉ ngơi về với chúng. Chúng không hiểu được mẹ nó đang làm gì, và tại sao chúng lại ở đây. Trong 5 đứa trẻ thì đứa lớn nhất gần 36 tháng tuổi, đứa nhỏ nhất mới hơn 12 tháng tuổi, có đứa đã ăn ba cái Tết trong trại giam cùng mẹ.
Phạm nhân Vi Thị Múi (SN 1990, trú tại xã Quang Phong, Quế Phong, Nghệ An) với tội danh mua bán người phải thi hành bản án 4 năm tù giam. Ngày vào trại giam, đứa con không có bố phải vào cùng mẹ vì không có ai chăm sóc. Trước đó, Vi Thị Múi sang Trung Quốc và lấy chồng, định cư bên đó, một người bạn của chồng nhờ giới thiệu cho một người Việt Nam để lấy làm vợ, nếu được, người này sẽ trả công cho Múi 60 triệu đồng.
Ngày 5/10/2013, Múi về Việt Nam để thăm gia đình và gặp chị M.T. H (SN 1986, trú cùng xã). Múi nói với chị này sẽ giúp đưa vào miền Nam làm công nhân với mức lương 3 triệu đồng/tháng, hứa đưa cho H. 30 triệu đồng.
Ngày 13/10/2013, Múi đưa chị M.T.H. xuống thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong) đón xe ra Hà Nội để tìm cách đưa sang Trung Quốc bán lấy tiền thì bị công an phát hiện bắt giữ. Khi bị bắt, Vi Thị Múi đang mang thai ở tháng thứ 6, vào trại được 3 tháng sau thì sinh bé Lưu Thị N.H.
Tại phân trại, vì đang phải nuôi con nhỏ nên Vi Thị Múi và Ngô Thị An (66 tuổi, trú tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, với bản án 4 năm tù cho tội mua bán thuốc nổ) được ưu tiên ở lại nhà trẻ chăm sóc con cùng với 4 đứa trẻ con của những nữ phạm nhân khác.
Xuân ngóng nhà
Trường hợp phạm nhân Vi Thị Năm (39 tuổi, trú tại Con Cuông, Nghệ An) với bản án 19 năm tù cho tội mua bán phụ nữ và trẻ em, con trai là Vi V.T., đứa trẻ hơn 25 tháng tuổi đang ở trại giam cùng với mẹ nó đã hơn hai năm nay.
Vì con nhỏ, gia đình lại không có điều kiện chăm sóc nên Năm đã đưa con vào để mẹ con được ở gần nhau. Hay như trường hợp của phạm nhân Nguyễn Thị Phượng (35 tuổi, trú tại xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu, Nghệ An) với tội danh mua bán trái phép chất ma túy, bị bắt tạm giam vào tháng 4/2012 khi thai nhi đã 17 tuần tuổi.
Bản án tuyên phạt 24 tháng tù giam, chị đã sinh Nguyễn T.S. (26 tháng tuổi) ngay khi Tòa tuyên án. Ngày chúng tôi gặp cháu Nguyễn T.S. thì mẹ nó cũng đã hoàn thành gần xong bản án của mình và đang chuẩn bị khăn gói về quê. Đã 2 mùa xuân T.S ăn Tết trong trại cùng với mẹ, năm nay cháu được về quê ăn Tết với người thân, gia đình, họ hàng.
Cán bộ trại giam cũng dành những tình cảm và sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho những đứa trẻ phải theo mẹ vào trại |
Sau một ngày cải tạo trong xưởng, các nữ phạm nhân có con nhỏ tại đây được tạo điều kiện về ngủ với con, sáng mai dậy theo tiếng kẻng rồi vào phân xưởng. Còn các cháu được hai nữ phạm nhân là hai “cô trông trẻ” chuẩn bị bữa sáng cho các cháu rồi giặt giũ quần áo, sửa soạn giường chiếu.
“Các cháu cũng ngoan lắm, chỉ mỗi lần các cháu ốm hoặc mọc răng thì hay khóc nhè và đòi mẹ. Dù không phải con cháu mình nhưng tui thương như cháu mình vậy. Mình phạm tội nhưng các cháu không có tội, cần được chăm sóc và quan tâm như những đứa trẻ bình thường khác…”, phạm nhân An tâm sự.
Ngoài việc tạo điều kiện để các cháu được ngủ với mẹ mỗi đêm, lãnh đạo và các cán bộ trại giam luôn có những quan tâm đặc biệt đối với những đứa trẻ này. “Không được thực sự đầy đủ như những đứa trẻ phía ngoài trại giam nhưng phân trại luôn cố gắng để các cháu có điều kiện phát triển tốt nhất. Nhiều cán bộ còn mang sữa ở nhà đến cho các cháu. Ngày lễ, tết như 1/6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… lãnh đạo trại và các cán bộ đều có những phần quà động viên các cháu và các mẹ…”, Trung úy Trần Thị Mai, cán bộ quản giáo Phân trại 3, Trại giam số 6 cho biết.
Bằng những yêu thương, bằng những món quà thiết thực, bằng sự quan tâm trong khuôn khổ cho phép của luật pháp, những đứa trẻ được các cán bộ quản giáo chăm sóc tạo điều kiện để các cháu phát triển cả thể chất và tinh thần. Trẻ con không có tội, ngay cả khi mẹ chúng phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng thì các cháu bé cũng có quyền được yêu thương, chăm sóc.
Ngày ngày, những đứa trẻ chập chững bước đi và vui đùa trong “nhà trẻ đặc biệt” và tối đến rúc vào ngực mẹ ngủ ngoan. Mỗi đứa trẻ là một hoàn cảnh, nhưng chúng có một điểm chung là chịu nhiều thiệt thòi.
Tâm lý người làm mẹ muốn được ở cạnh con, nên đây cũng là niềm động viên các mẹ chú tâm cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luât, trở về nhà để có điều kiện chăm sóc con mình tốt hơn. Trước khi rời “nhà trẻ đặc biệt”, phạm nhân Vi Thị Múi tâm sự: “Giờ tôi chỉ chú tâm cải tạo tốt để sớm nhận được sự khoan hồng của pháp luật, đưa con về nhà để con được hòa nhập với các bạn, được đi học thôi”./.