Cách mặt phố Bình Đà 500m, gần cánh đồng nên trang trại nhà ông Bùi Đăng Núi rất thích hợp cho việc nuôi ba ba và ếch. Với trang trại rộng gần 2ha, gia đình ông hiện có khoảng 10 vạn ba ba cả to lẫn nhỏ, 3 bể nuôi ếch không lúc nào trống.
Triệu phú ếch, ba ba
Ếch giống do gia đình ông cung cấp có giá 1.000 – 1.200 đồng/con. Ba ba giống giá tùy loại, ông Núi cho hay: “Do ba ba của gia đình tôi thuộc loại ba ba lai sông Hồng, lớn nhanh mà hiệu quả kinh tế cao nên đắt hơn loại ba ba thường gấp 2 đến 3 lần. Thông thường, ba ba có giá 15 nghìn đồng/con thì ba ba lai sông Hồng có giá 25 nghìn đồng/con loại chiều ngang từ 4 – 5cm; 50 nghìn đồng/con loại chiều ngang từ 6 – 7cm. Ngoài ra, ba ba thịt bán tại ao có giá từ 360 – 390 nghìn đồng/kg; ếch thịt 1kg giá 60 – 70 nghìn đồng”.
Ông Núi cho biết thêm, mỗi tháng bình quân ông bán được 3 nghìn con ba ba giống và gần 20 vạn ếch giống. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về gần 400 triệu đồng. Nhà ông xây ba tầng với thiết kế độc đáo, sơn màu xanh nổi bật trên con đường bê tông dẫn vào. Chưa kể trong sân vườn, những cây cảnh đủ hình dáng lấp ló sau hòn non bộ. “Tất cả đều do nuôi ba ba và ếch mà ra đấy” - ông Núi cười hiền từ nói.
“Có ngày 4, 5 người đến mua giống ba ba hoặc ếch, có ngày vài người đến hỏi. Người mua thường đặt tiền cọc trước rồi yêu cầu số lượng. 3, 4 ngày sau chúng tôi sẽ tiến hành đánh bắt giống và gọi khách đến lấy hàng. Con giống được đặt trong thùng xốp, có thể chở về các tỉnh thành khác mà không việc gì” - một người làm công chia sẻ về cách thức mua - bán con giống tại trang trại nhà ông Núi.
Không chịu đầu hàng
Để có cơ ngơi như hôm nay, ông Núi đã trăn trở biết bao ngày đêm, trải hết thất bại này đến thất bại khác. Ông kể: “Bình Đà trước kia nổi tiếng với nghề làm pháo. Từ khi Nhà nước cấm đốt pháo, sản xuất pháo, người dân nơi đây đã tìm đủ nghề để kiếm sống. Trong quá trình đi làm tại nhiều nơi, tôi thấy người ta nuôi ba ba rất đơn giản, lại cho thu nhập cao nên quyết tâm học nghề…”.
Cách đây 24 năm, chính xác là vào năm 1990, gia đình ông bắt đầu gom vốn, vay mượn để đầu tư nuôi ba ba và ếch. “Do tuổi trẻ máu làm giàu, tôi và vợ mạnh tay chi ra gần 100 triệu đồng mua về 200 con ếch giống, 1.000 con ba ba, đồng thời đào ao, xây tường bao quanh, xây bể nuôi ếch. Cứ chăm chỉ làm việc như con ong hết ngày này sang ngày khác, đến kỳ thu hoạch thì quá nửa số ba ba và ếch bị chết do chu trình kỹ thuật còn non, nước ao không đạt tiêu chuẩn. Vợ tôi khóc ròng và trách tôi chỉ thích mạo hiểm, không biết làm gì để trả hết nợ” - lão nông triệu phú ngậm ngùi nhớ lại.
Ếch cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ông Núi. |
Không chịu đầu hàng, ông Núi lên mạng tìm nơi dạy nuôi ba ba và ếch. Ông cũng dành thời gian đến hầu hết các tỉnh nuôi ba ba ở phía Nam và khu vực Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An… Sau hơn 1 năm học hỏi kinh nghiệm nuôi ba ba tại Nghệ An, ông bắt đầu phát triển mô hình chăn nuôi “độc”, lạ này tại quê hương.
Vì áp dụng quá máy móc, cộng thêm khí hậu ngoài Bắc không giống miền Trung và miền Nam nên những lứa ba ba, ếch đầu tiên sau quãng thời gian ông “du học” vẫn bị chết, lỗ vốn. Nhưng nhờ đam mê, kiên trì, cuối cùng ông đã tìm được quy trình và cách thức phòng chống bệnh cho ba ba để có thể tự do nuôi được trong điều kiện khí hậu miền Bắc.
Ông Núi đang nhân rộng và hướng dẫn kỹ thuật phát triển mô hình chăn nuôi ba ba, ếch cho nhiều hộ dân trong xã cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Trang trại tại gia đình ông luôn có 3 – 4 nhân công túc trực chuyên cho ba ba và ếch ăn, cải tạo nguồn nước và thu hoạch khi khách hàng mua con giống. Gia đình ông cũng đã tạo công ăn việc làm cho một số người dân trong khu vực với mức lương 3 triệu đồng/tháng…
Cần cù thôi, chưa đủ…
“Nhiều người cho rằng chỉ cần cần cù, chăm chỉ thì thành quả sẽ đến. Thế nhưng, nếu kỹ thuật kém thì sự cần cù cũng như muối đổ bể”. đó là khẳng định của ông Núi sau nhiều năm dùng sự cần cù và một chút kỹ thuật của mình nuôi ba ba và ếch, nhưng kết quả lúc nào cũng chỉ lỗ và lỗ.
Bỏ công sức đi học cách thức nuôi ba ba, giờ đây ông Núi đã tự đúc rút cho mình những kinh nghiệm chăn nuôi và chăm sóc ba ba rất tốt. Hơn 20 năm trong nghề, ông đã soạn ra một tập sách hướng dẫn nuôi và phòng bệnh cho ba ba, ếch tại nhà một cách tỉ mỉ, nhiệt huyết, trong đó nêu rõ từ cách xây ao, hồ cho đến chọn nguồn nước, con giống, mùa nào nên nuôi con gì…
Bản hướng dẫn về kinh nghiệm chăm nuôi ba ba, ếch của ông Núi được ghi khá rõ ràng, chi tiết. Đối với nuôi ba ba, quan trọng nhất là phải đảm bảo nguồn nước sạch. Theo đó, người nuôi phải vệ sinh và khử trùng nước ao trước khi nuôi bằng cách té nước muối 1 lần/1 tuần, 15 ngày tiếp theo hòa nước vôi té xuống ao 1 lần khi bắt đầu xây ao. Ao nuôi có độ cao 0,8 – 1m, trên ao phải có quai tai ngang để ba ba không bò ra ngoài.
Đặc biệt, đáy ao cần được xử lý bằng vôi bột với mức 10 – 15kg vôi/1 sào Bắc bộ, sau đó phơi nắng 3 – 5 ngày. Con giống thả cần đảm bảo mật độ tầm 2,5 con/1m2. Người nuôi cần tính toán diện tích ao trước khi mua con giống.
Ông Núi còn lưu ý, do khí hậu miền Bắc khắc nghiệt vào mùa đông, ba ba chịu lạnh rất kém, cho nên người nuôi có thể thả bèo tây để làm nơi trú ẩn cho ba ba. Ngoài ra, việc thả các phản gỗ nhỏ hay lá chuối tươi trong ao là điều nên làm nhằm tạo điều kiện cho ba ba lên phơi mình, sinh trưởng nhanh.
Đối với nuôi ếch, không quá phức tạp như nuôi ba ba nhưng chú trọng nhất là khâu xây bể. Bể phải cao tầm 1m, mực nước đổ bể cao từ 2 – 3 cm. Đáy bể cần được lát gạch và xử lý sạch sẽ trước khi thả nuôi. Hàng ngày cần thay nước ít nhất một lần nhằm đảm bảo nguồn nước sạch cho ếch sinh trưởng và phát triển.
Do trang trại rộng, ông Núi còn nuôi gà tây kết hợp với nuôi giun công nghiệp và bán thêm mặt hàng các loại thức ăn chăn nuôi thủy sản. “Cái này do bà Hằng vợ tôi quản lý cả” – ông Núi cười nói. Nhìn cơ ngơi của gia đình ông, không ít người sang học hỏi kinh nghiệm để học tập, mong đổi đời. Ông đều chỉ bảo cách chăm nuôi tận tình.
Ông Núi hào hứng: “Tôi còn bán giống cho hầu khắp các tỉnh, thành lân cận. Nhiều người dân Hưng Yên, Bắc Ninh không lấy giống nhưng sang tận đây học hỏi kinh nghiệm, tôi đều chia sẻ hết. Họ thành công, thoát khỏi đói nghèo, tôi cũng thấy vui mừng lắm”.