*Thưa Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, bà đánh giá thế nào về căn cứ pháp lý trong vụ án Công ty CP Tuần Châu Hà Nội khởi kiện, yêu cầu tòa án buộc Công ty CP Đầu tư Tổng hợp truyền thông DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là Tổng giám đốc chuyển giao quyền chủ sở hữu, quyền tác giả với “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài)”?
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật InvestPro Hà Nội |
- Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi thấy rằng vụ việc tranh chấp giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (Cty Tuần Châu) và Công ty CP Đầu tư Tổng hợp truyền thông DS (Cty DS) là tranh chấp quyền sở hữu tác phẩm giữa một bên là tổ chức đầu tư kinh phí để sáng tạo tác phẩm và một bên là tác giả sáng tác.
Điều đặc biệt trong vụ án này là đối tượng tranh chấp thuộc loại hình nghệ thuật Biểu diễn thực cảnh - một loại hình nghệ thuật sân khấu đặc biệt và phải đầu tư công phu, phức tạp. Trong loại hình nghệ thuật này, cá nhân nghệ sĩ khó có thể tự mình sáng tạo được mà thiếu đi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp với nguồn lực vật chất mạnh mẽ.
Trong vụ việc này, sẽ không ai thắc mắc về quyền nhân thân của Việt Tú với tư cách là tác giả “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài)”. Nhưng nếu Việt Tú đã được vinh danh tinh thần với những đứa con tinh thần đó, thì quyền công bố, sở hữu, khai thác, định đoạt tác phẩm đương nhiên phải thuộc về doanh nghiệp đã đầu tư vật chất hỗ trợ cho việc sáng tạo.
Cụ thể, theo khoản 3 điều 19, điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, Cty Tuần Châu có quyền “Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm” trong nhóm các quyền nhân thân. Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã quy định rõ về quyền nhân thân và quyền tài sản đối với các tác phẩm, hai quyền này khác nhau và không thể đánh đồng. Trong vụ án này, Cty Tuần Châu không hề đòi hỏi những gì thuộc về quyền nhân thân của tác giả; họ chỉ đòi lại những gì thuộc về quyền sở hữu hợp pháp của họ (quyền tài sản) đã được pháp luật ghi nhận.
*Bà đánh giá thế nào về việc đạo diễn Nguyễn Việt Tú xin và được cấp chứng nhận quyền chủ sở hữu tác phẩm của “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài)” cho Công ty DS của mình?
-Trước hết cần nói rõ, Giấy chứng nhận quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp hoàn toàn không phải là căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm. Các quyền này mặc nhiên được phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo ra dưới các hình thức vật chất nhất định theo quy định pháp luật.
Diễn biến vụ án thể hiện, đạo diễn Việt Tú trình bày trước tòa rằng, do liên lạc một số lần với Cty Tuần Châu để đăng ký quyền tác giả, không thấy phía Cty Tuần Châu trả lời nên đã tự ý đi đăng ký quyền chủ sở hữu, quyền tác giả “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa” lên Cục Bản quyền Tác giả cho Cty DS của mình. Hành động này cho thấy: bản thân Việt Tú cũng hiểu rằng quyền sở hữu thuộc về Cty Tuần Châu nên mới liên lạc với Cty Tuần Châu để cùng đi đăng ký. Đến thời điểm này, chưa có bất kỳ tài liệu hoặc thông báo chính thức nào của cho thấy Cty Tuần Châu từ bỏ quyền sở hữu tác phẩm của chủ sở hữu.
Về phía Cục Bản quyền tác giả Văn học nghệ thuật, Cục này chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, xét duyệt và cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả mà không thể biết được hoạt động sáng tạo thực tế cũng như việc hỗ trợ vật chất cho sự sáng tạo. Các tác giả phải tự kê khai trung thực và chịu trách nhiệm về sự kê khai trong Tờ khai đăng ký quyền tác giả.
Tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện: Cty Tuần Châu đã thanh toán đầy đủ các khoản theo hợp đồng ký kết với đạo diễn Việt Tú nhưng đạo diễn này vẫn không chịu bàn giao các kịch bản nghệ thuật.
*Việc đạo diễn Việt Tú quảng cáo, quảng bá “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài)” với tư cách là chủ quyền sở hữu và quyền tác giả sẽ gây ra hệ quả gì, thưa luật sư?
-Theo hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật, Cty Tuần Châu đã đầu tư kinh phí cho việc sáng tạo tác phẩm “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa” nên họ là chủ sở hữu duy nhất của tác phẩm này. Cty Tuần Châu nắm trong tay quyền quyền công bố tác phẩm và các quyền khai thác, sử dụng tác phẩm này.
Một thực cảnh trong vở diễn Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài) mà Cty Tuần Châu Hà Nội đang kiện Cty CP DS đòi quyền sở hữu trí tuệ |
Như vậy, hoàn toàn không có tranh chấp gì về việc Nguyễn Việt Tú nắm giữ các quyền nhân thân thuộc Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ, trừ quyền công bố tác phẩm tại Khoản 3 Điều 19. Nhưng rõ ràng khi đạo diễn này tự ý đăng quảng cáo, quảng bá, giới thiệu, trả lời phỏng vấn liên quan đến việc sử dụng “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa” với tư cách là chủ quyền sở hữu quyền tác giả là việc làm có dụng ý xấu, cố ý gây tổn hại đến uy tin và quyền lợi của Cty CP Tuần Châu Hà Nội. Tôi cho rằng phía Cty Tuần Châu hoàn toàn có thể kiện ngược lại Việt Tú để đòi bồi thường thiệt hại tương ứng.
*Bà đánh giá thế nào về văn bản thẩm định của Hội nghệ sĩ sân khấu gửi Tòa án nhân dân, trong đó đánh giá vở “Tinh hoa Bắc Bộ” không phải tác phẩm độc lập và là tác phẩm phái sinh từ “Ngày xưa” (tức Thuở ấy xứ Đoài)?
-Phải khẳng định ngay rằng việc khởi kiện đòi quyền sở hữu đối với vở “Ngày xưa” không liên quan gì đến vở “Tinh hoa Bắc Bộ”. Việc tranh chấp về sự sáng tạo giữa 2 kịch bản này nên thuộc về một vụ kiện khác. Thêm nữa, với các căn cứ pháp lý vững chắc như tôi đã phân tích, khả năng rất cao là Tòa án sẽ ra phán quyết theo hướng có lợi cho Cty Tuần Châu. Lúc đó, họ hoàn toàn nắm trong tay quyền sở hữu cả “Tinh hoa Bắc Bộ” và cả “Ngày xưa”, trong đó có các quyền công bố, biểu diễn, sao chép và cả quyền làm tác phẩm phái sinh. Thế nên tôi đánh giá việc thẩm định tính độc lập và sự phái sinh giữa vở “Tinh hoa Bắc Bộ” và “Ngày xưa” là không có tính thực tiễn và không có nhiều ý nghĩa trong vụ việc này.
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định đã dựa trên video quay lại vở diễn “Ngày xưa”, video quay lại vở diễn “Tinh Hoa Bắc Bộ”, làm lộ bí mật kinh doanh, vi phạm bản quyền của cả hai vở diễn, và ngoài ra vở “Tinh Hoa Bắc Bộ” đã có biển cấm ghi chụp hình tại sân khấu là tình tiết mang tính hài hước. Tự bản thân hành vi tự ý quay video vở diễn “Tinh Hoa Bắc Bộ” dù đã có biển cấm ghi chụp hình tại sân khấu đã nói lên sự khuất tất và trái phép của hành động này. Không thể viện dẫn tính cao đẹp của mục đích để biện minh cho sự trái phép của phương pháp.
Để đánh giá sâu hơn, thì theo như tôi được biết, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam không có trong tay kịch bản chi tiết và cảnh quay chi tiết, cụ thể của tác phẩm “Tinh Hoa Bắc Bộ”. Họ chỉ có một số cảnh quay trái phép không toàn diện, rõ nét của vở diễn này. Vì vậy, việc kết luận vở “Tinh hoa Bắc Bộ” không phải là tác phẩm độc lập, mà là phái sinh từ vở “Ngày xưa” thì e rằng khó lòng chính xác và sẽ thiếu tính thuyết phục.
Nói kỹ hơn, việc Hội nghệ sĩ sân khấu mới chỉ dựa trên một số các yếu tố về sân khấu, về diễn viên, về khai thác chất liệu dân gian của Bắc Bộ và vùng đất Sài Sơn để kết luận “Tinh Hoa Bắc Bộ” là vở diễn “Phái sinh” từ “Ngày xưa” thì có lẽ là hơi vội vàng. Xin lưu ý là pháp luật quyền tác giả không thừa nhận và bảo hộ cho các ý tưởng, trừ khi các ý tưởng đó được thể hiện dưới dạng các vật chất cụ thể.
Về bối cảnh sân khấu, đây là các yếu tố đã có từ trước thuộc quyền quản lý của Cty Tuần Châu. Khi đặt hàng cho Việt Tú sáng tạo thì phải trên nền tảng bối cảnh này. Tiếp đó, khi Cty Tuần Châu đặt sáng tạo các kịch bản khác thay thế (vì sự đổ vỡ hợp tác với Việt Tú) thì việc vẫn sử dụng các bối cảnh này là đương nhiên, không lẽ họ phải mua quyền sử dụng đất tại khu vực khác để có khung cảnh khác hay sao? Còn về các yếu tố về trang phục, truyền thống, con người, văn hóa, thẩm mỹ, thi ca... là các yếu tố chung, không thể và không bao giờ là sản phẩm sáng tạo của riêng ai cả. Bất cứ ai cũng có thể khai thác, vận dụng để sáng tạo ra tác phẩm riêng và chẳng ai có quyền nói rằng đó là tác phẩm phái sinh từ tác phẩm khác. Quyền tác giả chỉ được công nhận khi phải đảm bảo yếu tố sáng tạo, cá biệt hóa mà người khác không thể sáng tạo ra. Không lẽ một nhà nhiếp ảnh đã chụp cảnh người phụ nữ Việt Nam với áo dài truyền thống thì sau này không ai được quyền chụp những người phụ nữ trong áo dài truyền thống hay sao?
* Luật sư đánh giá thế nào về vai trò của các doanh nghiệp đầu tư đối với hoạt động sáng tác của các tác giả?
-Với các thông tin trên báo đài và từ nhiều tác giả nổi tiếng như NSND Trần Bình và Nhà thơ Trần Nhuận Minh, từ những năm 2007, ông Đào Hồng Tuyển – ông chủ của doanh nghiệp Tuần Châu đã từng đưa nhiều đoàn đạo diễn, (có cả Nguyễn Việt Tú) sang Trung Quốc để học hỏi, nghiên cứu loại hình nghệ thuật sân khấu thực cảnh, với mong muốn áp dụng vào Việt Nam. Đây là biểu hiện đầu tiên của vai trò quan trọng của các doanh nghiệp đối với hoạt động sáng tác.
Trong thời đại mà hoạt động sáng tạo có sự gắn bó mật thiết với công nghệ, thiết bị kỹ thuật thì nguồn lực tài chính đã đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sáng tạo nghệ thuật. Thấu hiểu điều này, Nhà nước Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới ghi nhận và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân trong sáng tác nghệ thuật. Trong vụ án này, việc Nhà nước thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm “Ngày xưa” là điều phù hợp.
*Bà đánh giá gì về môi trường văn hóa nghệ thuật từ vụ kiện này, thưa luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh?
-Tôi mong rằng, vụ án sẽ có kết thúc êm đẹp giữa các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm, mong các nghệ sỹ và các doanh nghiệp đầu tư có thể nhìn rõ hơn về quyền và lợi ích của mỗi bên trong việc hợp tác. Mỗi bên đều có vai trò của mình trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Bất cứ quan điểm nào coi nhẹ, hạ thấp vai trò của tác giả hay nhà đầu tư đều là sai lầm. Các chuyên gia cần có sự đánh giá khách quan, toàn diện để cùng tạo dư luận chung đúng đắn, tôi cho rằng trong trường hợp này báo chí cần phát huy vai trò vai trò định hướng dư luận của mình.
-Trân trọng cảm ơn Luật sư!