Anh thợ mộc trẻ có vinh dự gặp Bác Hồ
Tuy tuổi đời đã ngoài 80 nhưng ông Lộc vẫn còn tráng kiện, đôi mắt vẫn tinh anh và bước chân thoăn thoắt. Sinh ra trên vùng đất Nam Định nhưng từ nhỏ ông Lộc đã theo gia đình lên Tuyên Quang định cư vùng kinh tế mới. Theo cha học nghề mộc từ nhỏ nên anh thanh niên Trần Văn Lộc rất tâm huyết với nghề. Với biệt tài chạm trổ cùng bản chất cần cù, khéo léo, chàng trai trẻ ngày ấy được người dân trong vùng biết đến như người có “đôi tay vàng”.
Kể lại những kỷ niệm thời trai trẻ, ông Lộc như “cuốn” người khác theo những câu chuyện của mình. Trước năm 1951, có người tìm đến ông để nhờ đóng lán, bàn ghế cho học sinh. Thời gian đầu, người quản lý không tiết lộ cho các thợ mộc biết mục đích chuyện đóng lán nhưng bằng nhãn quan trong nghề cùng sự quản lý, đốc thúc từng giờ khiến ông có chút hoài nghi. Ông nhớ lại, một cây cổ thụ được đưa về nguyên khối để chế tác thành khúc gỗ mượt khắc dòng chữ “Đảng Lao động Việt Nam”.
Hoàn tất khu hội trường, đội thợ mộc và kiến trúc sư tiếp tục tiến hành làm lán trại, khu nghỉ ngơi xung quanh phục vụ các đại biểu cùng nhiều bồn gác được bố trí cách đó vài cây số. Sau quá trình làm hội trường bên trên, đội thợ cùng ông Lộc kiêm luôn nhiệm vụ đào khu hầm trú ẩn, lối thoát hiểm dưới sự chỉ đạo của đội kiến trúc sư.
Sau một năm thi công, khu hội trường, lán trại, hầm trại trú ẩn được hoàn thành. Công việc hoàn tất, “tiểu đội thợ mộc” được Ban Quản lý gọi lên báo kết quả công việc. Vì Đại hội có sự tham gia của quan chức cấp cao Lào, Campuchia nên sau khi việc đóng lán hoàn tất, mọi người tiếp tục ở lại để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên họp của Đảng và cán bộ.
Trong thời gian Đại hội, ông Lộc cùng anh em luôn phải đề cao cảnh giác, túc trực để đảm bảo an ninh trong toàn khu. Một lần, ông đi lạc vào vòng bảo vệ thứ hai nên vô tình được gặp Bác Hồ đang ngồi hút thuốc. Thấy ông Lộc lúng túng chào hỏi, Bác gọi lại hỏi chuyện gần một giờ đồng hồ, khi đó ông vui quá, ấp úng mãi mới nói chuyện trôi chảy được với Bác.
Cống hiến hết mình cho xã hội
Sau buổi nói chuyện cùng lời căn dặn ân cần của Bác, ông Lộc tự nhủ bản thân phải luôn cố gắng để không phung phí những lời Bác căn dặn. Đại hội kết thúc, Bác cho mời anh em trong “tiểu đội thợ mộc” lại để căn dặn đôi lời việc giữ bí mật và tuyên dương trước đại biểu công sức của “tiểu đội thợ mộc” đã góp công sức làm nên thành công của Đại hội Đảng. Ông Lộc còn được chụp riêng cùng Bác tấm ảnh kỷ niệm tại xã Kim Bình, Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Sau đó, ông Lộc được Bác chỉ đích danh để ở lại phục vụ một số sự kiện nữa như: Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc và Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Liên Việt.. Ông còn tiếp tục được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức làm lán, trại, xây dựng khu đồn trú ẩn cho bộ đội, thùng đựng vũ khí cho đơn vị của Bộ Quốc Phòng đóng tại Sơn Dương, Tuyên Quang. Ba năm sau khi hoàn thành kho vũ khí cho Cục Quân giới, ông tiếp tục được điều đi phục chế, hoàn thiện tuyến đường sắt Hà Nội – Bắc Ninh.
Trong suốt thời gian công tác, góp công sức phục vụ cách mạng, ông đều được chính quyền tặng nhiều Bằng khen, Huy chương xuất sắc do hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Về già, nhìn lại cả cuộc đời phấn đấu và cống hiến của mình, ông Trần Văn Lộc khẳng định chính Bác Hồ, từ buổi nói chuyện trên chiến khu năm ấy, đã là người mang đến cho ông động lực, quyết tâm để sống với lý tưởng cao đẹp, có ích cho xã hội.