Tôi đã rất lưỡng lự, suy nghĩ rất lâu là có nên kể chuyện đám cưới của mình…Vì mình cũng "chẳng là gì” cả, có phải “Vip Viếc” gì đâu mà kể chuyện ấy! Nhưng qua sê-ri “Chuyện cũ cầu Thăng Long” nhiều bạn đã động viên, nên tôi mạnh dạn kể. Bởi đám cưới tôi khi ấy cũng có nhiều kỷ niệm với cây cầu này.
Lúc tôi chuẩn bị cưới vợ, cần phải nhờ ông “Tây” mua cho ít thuốc lá, bánh kẹo.
(Đám cưới thì ít ra cũng phải dăm cân kẹo, vài tút thuốc lá, rồi đôi ba chai rượu vang chứ!). Như thế này là phải túi to đây. Cồng kềnh đấy! Phức tạp ghê chứ không phải đùa!
Rồi cũng phải nghĩ ra cách. Thế là tôi và ông Trưởng đoàn phải “vạch” ra kế hoạch rồi thống nhất trước cứ như “kế hoạch đánh đồn địch” ấy.
Để chuyển đồ cho tôi, ông Trưởng đoàn phải cho sẵn mấy thứ ấy vào cái túi vải, quẳng sẵn trên ghế sau xe Vônga của ông (vì ông là Trưởng đoàn, một mình một xe). Đến chiều về ông bảo tôi đi cùng xe, xuống đến đầu đường Thanh Niên thì tôi xuống xe, lẳng lặng cầm cái túi chứa ít kẹo, thuốc lá ấy xuống xe đi về. Ấy thế mà vẫn phải mắt trước mắt sau, trống ngực đập thình thịch. Nhỡ có người “tuýt” lại hỏi cầm bọc gì từ xe ô tô chở “Tây” xuống thì “chết” liền!
Và sau khi “trot lọt” thì cũng phải “có nhời” với anh lái xe của ông Trưởng đoàn chứ. Để anh ấy “alô alê” đến tai chỗ nọ, ông kia… thì cũng “rách việc” đấy.
***
Thế là đã “tam thập cửu niên"!
39 năm trước, tháng 12/1982, vào ngày lễ Giáng sinh, anh chàng phiên dịch và cô giáo lên xe hoa. Mà lại là đám cưới cậu út nhà này lấy cô cả nhà kia nên được tổ chức rất “tương đối”. Theo ngôn từ ngày nay thì “rất tương đối” ngày ấy chắc là “ khá hoành tráng” (Tất nhiên là so với mặt bằng xã hội lúc bấy giờ, chứ so với thời nay thì các bạn trẻ chắc sẽ không khỏi bật cười)
Rất “tương đối” thời ấy, năm 1982, như thế này:
Xe con Lađa mầu mận chín mới coong, bóng lộn kết hoa chở cô dâu chú rể đi trước rồi mới đến xe to Hải Âu đi sau.Ngày ấy đám cưới có xe con là rất hiếm vì Hà Nội khi đó tư nhân chưa được phép sở hữu xe hơi. (Để có xe con đi đón dâu cũng có thể kể thành câu chuyện dài dài. Xin phép chuyện ấy hôm nay chưa kể ở đây).
Xe to Hải Âu là chiếc xe mới coóng từ Liên Xô vừa đưa sang để phục vụ đoàn chuyên gia Liên Xô của công trình cầu Thăng Long. Chiếc xe Hải Âu đó không phải “thuê mướn” gì. Tôi nói với các anh lãnh đạo Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long thì các anh ấy đồng ý ngay và nói: “cho cậu sử dụng nó trọn một ngày không phải tiền nong đổ xăng dầu gì cả!”. Qua việc này, tôi biết các anh ấy trân trọng tôi, bởi những gì tôi đã thể hiện trong công việc…
Thế là khoản xe cộ ổn! Không có gì phải lo!
***
Ngày cưới, cô dâu áo dài trắng ôm bó hoa layơn có dải hoa hồng dài… gần cả mét. Để có bó hoa đó phải nhờ người thạo chơi hoa đặt trước cả tháng của một nhà trồng hoa trong làng Ngọc Hà.
Chú rể comlê đen, cavat đỏ, tóc dài bồng bềnh. Com lê đen mang từ “tây” về ít khi có dịp mặc (lúc trẻ và cả bây giờ tôi rất “ghét” mặc com lê đen “cả cây”. Chỉ thích mặc “đờ mi” kiểu “áo vét nọ, quần kia”). Ảnh đám cưới chụp hàng trăm kiểu. (Ngày ấy phim hiếm lắm. Đám cưới thường chỉ dám chụp vài ba “pô”!).
Chỉ tiếc là ảnh màu khi đó đã manh nha nhưng chất lượng phập phù, dễ “xôi hỏng, bỏng không” nên phải chụp ảnh đen trắng cho chắc ăn.
Và đây là tấm thiệp cưới của tác giả - thiếp mời cưới của Hà Nội năm 1982. |
Đấy là “hình thức” và “tinh thần”! Còn “vấn đề vật chất” là “ăn mặn” thì ra sao?
Thế này: Khách dự “bữa cơm thân mật” được hai gia đình mời khá đông khác với nhiều đám cưới khác.
Những người lớn tuổi chắc đều còn nhớ: Ngày ấy do “cái ăn” khó khăn, cái gì cũng phải có tem phiếu. Đến dự đám cưới chủ yếu cắn hạt dưa, uống nước chè với ít bánh kẹo! Nhưng đám cưới chúng tôi có thể cũng là “hơi ngoại lệ”. Khách mời được “ăn mặn” đông lắm. Phải nói đó là sự quan tâm và ưu ái đặc biệt của gia đình hai bên với chúng tôi, nhất lại là bên cưới con trai út, bên cưới con gái đầu.
Thời ấy chưa có “lệ” và cũng chẳng đâu nhận đặt cỗ ở khách sạn, nhà hàng mà toàn phải lọ mọ, hí húi làm ở nhà. Riêng việc vặt lông chim để làm cỗ đã phải huy động mấy cô, mấy chị trong họ làm giúp suốt cả đêm. Ngày ấy đám cưới Hà Nội mà cỗ có chim hầm hạt sen thì khá là… “to”!
Nhà gái ăn từ hôm trước. Do mặt bằng nhà riêng hạn chế nên khách đến ăn cỗ cưới ở nhà gái phải mời theo đợt suốt cả ngày từ trưa, chiều, tới tối. Tốp này ăn xong, tốp kia mới tới. Tất cả cũng vài chục mâm.
Nhà trai ăn hôm sau đúng hôm đón dâu. Do mặt bằng nhà trai rộng nên toàn bộ khách được mời vào buổi trưa đến cả gần trăm mâm (Thời bấy giờ ở Hà Nội mà mời được ngần ấy mâm cỗ thì “kinh” lắm!)
Còn “liên hoan” ngọt thì khỏi nói: toàn kẹo bọc “giấy bạc” và đặc biệt thuốc lá hút “thả phanh” toàn loại “có cán” (ám chỉ thuốc lá có đầu lọc khi đó) do… các “đồng chí chuyên gia Liên Xô cầu Thăng Long” mua hộ. “Oách” ra phết!
Ngày ấy có quy định không được cho người nước ngoài đến nhà riêng. Nếu có ông “Tây mũi lõ” mà đến chơi nhà riêng thì sau đó chắc chắn rắc rối to.
Bởi vậy, mặc dù nghe người nọ người kia nói, rồi chuyện nhờ mua ít bánh kẹo, thuốc lá, các chuyên gia và đặc biệt vợ chồng ông Trưởng đoàn đều biết tôi đang chuẩn bị để cưới vợ. Nhưng tôi cũng không dám nói cụ thể là sẽ tổ chức cưới ngày nào. Và đương nhiên không thể có chuyện mời các chuyên gia Liên Xô làm việc gần gũi với mình tới dự đám cưới.
Ngày cưới và địa chỉ nhà riêng phải giấu kín với các chuyên gia. Nhỡ chẳng may có ông bà “Tây” nào quá nhiệt tình và lại muốn tìm hiểu xem đám cưới người Việt Nam thế nào mà “lò dò” đến thì chỉ gây thêm rắc rối, phiền toái. Rồi giải trình này nọ thì mệt lắm. Chết dở chứ không đùa!
Và thế là họ cũng chẳng biết tôi cưới khi nào mà chúc mừng. Mà có chúc mừng, tặng quà có lẽ cũng không dám nhận. Bởi nhận có khi lại rắc rối!
…
Thế mà đã 39 năm! Nhanh thế!
(Kỳ sau: Về cây cầu mang tên Thăng Long)