Chuyện xưa của Đồi Rìu
Trong cái oi nồng của thời tiết, trụ sở UBND xã lại mất điện, Bí thư Đảng ủy xã Hàng Gòn Lương Ngọc Hồng đề nghị Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Thành Đô đưa chúng tôi vào ấp Đồi Rìu để hưởng gió thiên nhiên.
Đến nơi, chúng tôi được Bí thư Chi bộ (đồng thời là Trưởng ấp) ấp Đồi Rìu Phan Văn Kiển (tức Hai Kiên) đưa đi thăm mô hình nông thôn mới (NTM) của ấp. Bà Hồng chỉ nói ngắn gọn đôi điều rằng, năm 2010 tỉnh chỉ chọn 2 xã Bình Lộc, Xuân Tân của TX.Long Khánh thực hiện thí điểm NTM. Riêng TX.Long Khánh thì chọn xã Bảo Quang làm điểm chứ không phải Hàng Gòn.
Dù không được chọn nhưng vì thấy NTM thực sự giúp dân khá nhanh, địa phương phát triển nên Hàng Gòn tự giác làm NTM. Trong quá trình triển khai, vì cơ sở hạ tầng của ấp còn yếu kém, dân thuộc dạng nghèo nhất xã nên ấp Đồi Rìu phải gồng sức rất lớn để hoàn thành 19 tiêu chí NTM vào cuối năm 2013.
Kể về chuyện ấp thời kỳ còn khó khăn và quá trình chuyển mình sau khi thực hiện NTM, Trưởng ấp Hai Kiên cho biết, từ năm 2010 trở về trước, Đồi Rìu chỉ có 3 tuyến đường nhựa, chưa tới 50% hộ dân trong ấp có điện sinh hoạt; 3 công trình hạ tầng gồm Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, Văn phòng ấp, Trạm Y tế liên ấp Tân Phong là bộ mặt chính của Đồi Rìu.
Còn lại là cảnh điều bạt ngàn trên đá, nhà cửa, đường sá xập xệ, mùa nắng nông nhàn, người dân phải đi mua từng khối nước về sinh hoạt. “Để tui dẫn các chú xuống dân, nghe bà con nói chuyện xưa, chuyện nay khách quan hơn là tui nói” – ông Hai Kiên nhiệt tình.
Chúng tôi gặp đôi bạn nông dân Nguyễn Văn Thành, Trần Quang Sỹ (tổ 8) ở Trạm cấp nước tập trung Đồi Rìu đang ngắm nghía con đường giao thông được hai ông hợp sức vận động nhân dân suốt chục năm, giờ mới được như ý.
Ông Thành chỉ tay về cái cầu bê tông mà ông và bà con tổ 8 làm cách đây 20 năm tốn gần 160 bao xi măng nói: “Nhờ chiếc cầu này mà bà con trong tổ không bị nước cuốn trôi xe, nông sản khi lũ về, trẻ nhỏ thì thoát được cảnh thất học. Gần 40 năm sinh sống ở đây, tôi đã thấy cái sự thuận lý thật vui mừng là nơi nào trước kia nghèo, khó khăn thì nếu tự nhiên giàu lên là nhờ NTM”.
Nông dân ấp Đồi Rìu nay gặp nhau là hỏi chuyện làm giàu |
Ông Hai Kiên cho biết, khi xã triển khai, các ấp đồng loạt thực hiện NTM, bộ tứ gồm: ông Ngô Văn Ảnh - Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, ông Đỗ Văn Ca - Phó ấp, ông Nguyễn Văn Bông - Ấp đội trưởng và ông Hai Kiên họp bàn tìm hướng đột phá. Lọc tới, chọn lui 19 tiêu chí, các ông thấy cái nào ấp Đồi Rìu cũng thiếu, yếu, cần làm gấp. Cuối cùng các ông thống nhất chọn khâu đột phá đầu tiên và quyết liệt là điện.
“Có điện, nông dân sẽ giải quyết được vấn đề thắp sáng, khoan giếng tưới tiêu, sinh hoạt và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, để đột phá thành công khâu điện, tụi tui phải nhờ xã can thiệp mạnh với huyện, điện lực và ra sức vận động nhân dân đầu tư cột, dây kéo điện hạ thế, trung thế về nhà”- ông Hai Kiên tâm sự.
Quả đúng như dự báo của chi bộ, chính quyền ấp Đồi Rìu, từ khi có điện, phong trào khoan giếng tìm nước trong dân đã diễn ra rầm rộ. Có được nước và điện để bơm nước giếng khoan, nhân dân ấp mạnh dạn chặt hạ 70% diện tích vườn điều kém năng suất chuyển sang trồng tiêu, cà phê, sầu riêng, cây ăn trái theo chương trình nông thôn mới (Nhà nước hỗ trợ 100% cây giống, 30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong 3 năm liên tục); đồng thời vay vốn về phát triển chăn nuôi heo, dê, bò thay cho kiểu nuôi gà thả vườn truyền thống. Khi điện bừng sáng khắp vườn rẫy ấp Đồi Rìu, người dân trong ấp nhìn thấy rõ cái nghèo, lạc hậu của họ bấy lâu nay căn nguyên từ điện mà ra.
Giải quyết được khâu điện nghĩa là ấp Đồi Rìu giải quyết được khâu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống cho dân. Trên đà đó, ấp tận dụng sự ăn nên làm ra của dân để vận động bê tông hóa các tuyến đường, đầu tư dân trí, phát triển dịch vụ, xây dựng nhà ở khang trang.
Ông Nguyễn Văn Ánh - Trưởng ban công tác mặt trận ấp khoe, ấp có rất nhiều gương sáng góp phần cùng ấp, xã làm nên NTM như ông Lê Văn Thành hiến đất, bỏ ra 1,2 tỷ đồng để rải bê tông đường từ tổ 5 đến tổ 7; ông Nguyễn Quang Tường hiến 200m2 đất để xã đầu tư Trạm cấp nước tập trung ấp Đồi Rìu; ông Nguyễn Văn Thành hiến đất để xã khoan giếng, làm đường…
Đến cuối năm 2013, ấp Đồi Rìu hãnh diện báo cáo xã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM. Được xã, huyện về kiểm tra ghi nhận, ấp như có thêm động lực đẩy mạnh và nâng chất NTM. Đến nay, 90% diện tích điều của ấp đã được chuyển sang cây trồng kinh tế cao. Ấp Đồi Rìu có trên 50 trại nuôi heo, dê, bò lớn, nhỏ; 4 cơ sở và doanh nghiệp chế biến nông sản; không còn cảnh nông nhàn; số hộ nghèo chỉ còn 2 hộ; số hộ khá - giàu chiếm trên 20% trong tổng số 430 hộ dân trong ấp…
“NTM ở ấp Đồi Rìu không chỉ có điện, đường, trường, trạm, nước sạch làm bề mặt mà chất lượng đời sống, văn hóa, tinh thần của người dân trong ấp thật sự đi lên, nâng cao gấp nhiều lần so với khi chưa xây dựng NTM”- ông Hai Kiên khẳng định chắc nịch, không giấu được niềm tự hào.