Sau ít ngày nghỉ ngơi, hôm ấy chúng tôi rời cảng Quy Nhơn đến vùng biển Sa Huỳnh. Tàu neo lại. Người Nhật tiến hành một nghi lễ tưởng nhớ những người lính Nhật đã tử nạn tại đây. Làm lễ xong, các thủy thủ Nhật Bản cũng ném xuống biển những thứ đồ đã tế lễ như hoa quả, bánh trái, nước ngọt, bia… như có ý gửi cho vong linh những linh hồn đã khuất nơi biển cả. Mất mấy ngày, 5 con tàu đắm đã được đánh dấu. So với tọa độ bản đồ, trên thực địa các con tàu đều bị trôi lệch vài ba hải lý.
Trục vớt
Theo kế hoạch, trước mắt trục vớt 4 con tàu đắm ở vùng biển Nghĩa Bình là: Tàu Engi Maru (chở 500 tấn thiếc); Tàu Daietsu Mảu (chở 570 tấn thiếc); Tàu Yoshu và tàu Otsusen
Bắt đầu trục vớt theo hình thức cuốn chiếu. Con tàu thứ nhất, các thiết bị và thợ lặn được thả xuống thăm dò. Mọi hoạt động thao tác đều được theo dõi qua camera. Thợ lặn báo cáo con tàu này đã bị khai thác, nhưng do sử dụng thuốc nổ không đúng quy cách nên tàu bị phá hủy biến dạng, một lớp cát dày phủ kín. Thâm nhập vào sâu bên trong khoang tàu rất khó khăn và nguy hiểm.
Sau khi phân tích thảo luận, một phương án xử lý tối ưu được đưa ra: Kết hợp hệ thống bơm hơi cao áp, thổi hết lớp cát, dùng máy cắt thép cắt các chướng ngại vật dọn đường vào trong khoang tàu. Có một lượng thiếc không nhỏ đóng thành khối. Khác với quy trình khai thác trên tàu Nakhimop ở Nhật, ở đây do quá nhiều chướng ngại, vật cản, thợ lặn Nhật Bản phải cho từng khối thiếc vào một cái giỏ sắt lớn và kéo lên.
Thời tiết xấu, biển động, nghỉ. Tôi gặp Tony, ông ta cho biết: đúng như dự đoán của ông, trước khi sang Việt Nam: thời tiết không ủng hộ. Nhưng vẻ mặt Tony không có gì tỏ ra khó chịu. Hình như ông ta không quan tâm đến việc vớt thiếc và cao su. Cũng như thường lệ, buổi tối nọ, anh Triều và tôi hay lên boong tàu trò chuyện.
Không khó khăn gì khi thấy một người Nhật cũng thường la cà gần đó, ngắm biển, ngắm trời một cách lơ đãng. Anh ta rất ít nói, đã nói thì nói bằng tiếng Nhật, tỏ ra hoàn toàn không biết tiếng Việt. Xét về cách ăn mặc dáng dấp, anh ta như người Nhật chính cống... Nhưng nhìn nét mặt, hình như anh ta rất chú ý lắng nghe những người Việt Nam nói chuyện.
Hình minh họa |
Nghi ngờ
Ngẫu nhiên một lần, tôi thấy anh ta cười, lộ cái răng vàng, trên răng vàng lại khảm một ngôi sao. Tôi giật mình ngờ ngợ. Lục tìm trong trí nhớ, hóa ra, thời kỳ trong quân ngũ, đơn vị đóng quân ở dốc “Bò Lăn” Thanh Hóa, thấy người dân vùng này có tục trồng răng vàng khảm ngôi sao.
Lần khác, trong nhà bếp, hắn gọt khoai tây. Người Nhật có thói quen gọt ngược; còn hắn lại gọt xuôi y như người Việt Nam.
Tôi quyết định làm một phép thử. Dịp thuận tiện đã đến. Tôi khệ nệ vác về một ôm mía mua từ dưới cảng lên, đưa mời hắn một đoạn mía. Tôi còn đang loay hoay tìm dao để dóc thì hắn thản nhiên đưa đoạn mía lên miệng dùng răng tước vỏ thành thạo. Đây là một thói quen của khá nhiều người Việt Nam cũng như người Thanh Hóa.
Để chắc chắn, tôi quyết định làm một phép thử nữa. Hôm ấy, hắn được phân công lái cano đưa một số thủy thủ vào bờ, trong đó có tôi. Trên cano thường để 2 mái chèo dự phòng, trong đó có một chiếc vì lý do gì đó không gắn vào cái móc, trên thành cano. “Mái chèo để thế kia thì rơi mất”. Tôi nói to cho mọi người nghe thấy nhưng y không hề nhúc nhích, cũng không thèm nhìn. “Hay là hắn không biết tiếng Việt thật”, tôi nghĩ.
Nhưng kìa, hắn len lén kín đáo đưa mắt nhìn. Hành động đó không lọt qua con mắt tôi. Tôi bí mật chụp ảnh hắn gửi về nhà để xác minh. Rồi một cơ quan chức năng của Nghĩa Bình cho biết: Hắn là người Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1973. Không chịu được ác liệt, hắn đào ngũ, trốn về Sài Gòn. Ở đây hắn gặp bà dì ruột, bà này cho hắn sang Nhật học nghề thợ lặn. Hắn thường la cà lên boong tàu để thăm dò, nghe ngóng, thu lượm tin tức qua những câu chuyện trao đổi của mấy anh em Việt Nam.
Ngoài Tany và Sato, trên tàu còn có Naramoto và Kakywa là những nhân vật rất đáng chú ý. Naramoto là một thợ lặn của hải quân Nhật. Trước khi đến Việt Nam, ông từng làm việc ở Philippin và Malaysia. Kakywa là một người thân cận của Tany, rất có quyền lực, có thể thay Tany giải quyết công việc khi Tany vắng mặt. Họ thường xuyên gặp nhau bàn bạc nhưng luôn cảnh giác cao độ. Địa điểm họ gặp gỡ thường là trên boong tàu.
Khoảng 3 tháng đầu, công việc tiến triển chậm chạp. Phía Nhật cho rằng: con tàu trục vợt đang sử dụng là loại tàu nhỏ, hiệu suất không cao. Họ đề nghị đưa tàu này về Nhật để thay tàu khác. Việt Nam chấp nhận. Ba tuần sau, tàu mới cập cảng Quy Nhơn. Đây là con tàu lớn, hiện đại hơn. Số thợ lặn cũng tăng thêm. Thiếc, cao su đưa lên bờ ngày một nhiều hơn.
Hình minh họa |
Ông già bí ẩn
Ba tháng làm việc cùng Kaiko 23 trên vùng biển Sa Huỳnh, tôi nhớ mãi câu chuyện nghiệp vụ rất thú vị trong đời làm trinh sát.
Những lúc rỗi rãi, thường là sáng sớm tinh mơ hay buổi tối, thủy thủ Nhật Bản và mấy anh em người Việt Nam hay tụ tập trên boong tàu chuyện trò tán gẫu cho đỡ buồn. Giữa cái mênh mông của trùng dương; ngoài sóng, gió là khoảng không tưởng như vô tận.
Đêm trăng trở nên lung linh tuyệt vời... Có một ông già, khoảng gần 60 tuổi, trắng trẻo, mái tóc hoa râm, ăn riêng, ở riêng trong một phòng (thường thủy thủ ăn ở phòng ăn chung), không tiếp xúc trò chuyện với ai.
Nhưng về đêm, ông già lại hay tha thẩn dạo bước trên boong. Sáng, ông cũng hay lên ngắm mặt trời mọc. Chiều tà dương ngả về tây, người ta lại thấy ông trên boong, hai tay chắp sau lưng nhàn nhã, thong dong. Thủy thủ, ai cũng có việc bận túi bụi, còn ông, hình như không có việc gì?
Hỏi thì được người Nhật cho biết: Kaiko 23 là con tàu cũ, ông lại là một thợ máy giỏi và chỉ có ông mới là người hiểu rõ nhất về máy móc của nó. Vì thế, ông có mặt ở đây để sẵn sàng sửa chữa khi chẳng may nó trục trặc kỹ thuật.
Tôi bí mật báo cáo và yêu cầu ở nhà cho biết những thông tin liên quan đến tàu Kaiko 23. Các chuyên gia về lĩnh vực giao thông hàng hải cho biết: Kaiko 23 không phải là tàu lớn, tải trọng có 480 tấn nhưng là lớp tàu khá hiện đại, mới được đóng cách thời điểm này chừng 5 - 7 năm. Vì thế sẽ không có chuyện hỏng hóc lớn.
Theo hướng dẫn ở nhà, tôi mò vào cabin để đọc bảng chỉ dẫn thông số về xuất xứ, địa chỉ, thời gian đóng, thời gian hạ thủy, tải trọng... của tàu Kaiko 23. Không ngờ, bảng này đã bị tháo bỏ, chỉ còn trơ lại 4 lỗ vít. Không có giáo trình nào trong trường dạy hết được các ngón đòn nghiệp vụ. Cũng không ai lường trước được hết các tình huống thực tế xảy ra.
Cũng không có ai để họp bàn kế sách ứng phó. Tất cả chỉ là những “linh cảm nghề nghiệp”, là “giác quan nghiệp vụ”. Một mình đơn độc, đôi khi giác quan cá nhân tưởng nảy sinh trong tích tắc nhưng thực chất là sự tích lũy cả đời binh nghiệp.
Không tìm thấy thông tin công khai gì về con tàu Kaiko 23, tôi quyết định tiếp cận làm quen ông già bí ẩn. Cái bắt tay thân mật, một cảm giác mềm ấm truyền sang tay tôi. Tôi tự nhủ: không phải bàn tay người thợ máy, bởi bàn tay này không có vẻ thô ráp, rắn chắc mà mềm mại, trắng trẻo, nhỏ nhắn…/.